Xử lý hơn 5.000 ha đất rừng bị xâm lấn ở Quảng Trị

Hơn 5.000 ha rừng và đất lâm nghiệp tại Ban quản lý (BQL) rừng đặc dụng và phòng hộ Quảng Trị bị xâm lấn, chủ yếu do rừng trồng, nương rẫy, sản xuất nông nghiệp và vườn nhà. Việc xâm lấn tập trung ở khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, nên tỉnh Quảng Trị thận trọng rà soát kỹ trước lúc đưa ra phương án xử lý.

Ngày 6/1, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng xác nhận thông tin trên và cho biết, trước hiện trạng này, UBND tỉnh đã yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức làm việc với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan để lấy ý kiến, hoàn thiện phương án xử lý diện tích rừng và đất lâm nghiệp bị xâm lấn tại 5 BQL rừng đặc dụng và rừng phòng hộ.

Với mục đích lấn chiếm đất, rừng thông phòng hộ ở huyện Hướng Hóa đã bị các đối tượng xấu làm cây chết dần. Ảnh: LHT

Với mục đích lấn chiếm đất, rừng thông phòng hộ ở huyện Hướng Hóa đã bị các đối tượng xấu làm cây chết dần. Ảnh: LHT

Ở BQL Rừng phòng hộ Hướng Hóa - Đakrông có hơn 2.700ha đất rừng tại huyện Hướng Hóa và Đakrông bị xâm lấn. Song theo ông Nguyễn Công Tuấn - Giám đốc BQL Rừng phòng hộ Hướng Hóa - Đakrông, qua rà soát thì phần lớn diện tích đất xâm lấn đã được người dân canh tác ổn định từ trước, do hồi đó quy hoạch không chặt chẽ, cứ khoanh lại rồi cấp "sổ đỏ", giao cho BQL quản lý.

“Sau khi rà soát, BQL đề xuất phương án bóc tách, bàn giao lại phần lớn diện tích đất xâm lấn cho địa phương quản lý, từ đó địa phương căn cứ trên thực tế giao lại cho người dân. Còn khoảng 300ha là các diện tích đất rừng bị xâm lấn nằm ở vùng lõi, xung quanh là rừng thì phải thu hồi.

Trước khi đề xuất phương án, BQL đã tiến hành thống kê, quy chủ các diện tích đất bị xâm lấn, nhưng đến nay, vẫn còn khoảng 20% chưa quy chủ được nên việc đưa ra phương án xử lý gặp khó”, ông Tuấn cho hay.

BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông có hơn 2.100ha đất rừng bị xâm lấn, song trong đó nhiều diện tích là nương rẫy do người đồng bào thiểu số canh tác từ lâu, trước thời điểm khu bảo tồn được cấp “sổ đỏ”.

Diện tích nằm trong “sổ đỏ” của BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông, song do người dân canh tác từ lâu.

Diện tích nằm trong “sổ đỏ” của BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông, song do người dân canh tác từ lâu.

Số liệu của UBND tỉnh Quảng Trị cho thấy, tại 5 BQL rừng đặc dụng và rừng phòng hộ là BQL Khu Bảo tồn thiên nhiên Đakrông, BQL Khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa, BQL rừng phòng hộ Hướng Hóa - Đakrông, BQL rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải, BQL rừng phòng hộ lưu vực sông Thạch Hãn có hơn 5.300 ha rừng, đất lâm nghiệp bị xâm lấn.

Trong đó, thực trạng xâm lấn chủ yếu là rừng trồng, nương rẫy, sản xuất nông nghiệp, lúa nước, vườn nhà… của người dân.

Nương rẫy của đồng bào thiểu số thuộc đất rừng

Nương rẫy của đồng bào thiểu số thuộc đất rừng

Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng cho biết, để có phương án xử lý, UBND tỉnh đã yêu cầu các đơn vị xác định đối tượng canh tác, thời điểm canh tác. Trong đó, yêu cầu chủ rừng phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng, tổ chức, cá nhân có liên quan thành lập các tổ kiểm tra, xác minh diện tích chồng lấn, lấn chiếm, gồm xác định diện tích, vị trí, hiện trạng, đối tượng và thời điểm canh tác. Sau khi xác định được đối tượng, niêm yết công khai có thời hạn danh sách đối tượng lấn chiếm, diện tích chồng lấn. Hết thời gian niêm yết, triển khai việc thu hồi hoặc bàn giao về địa phương quản lý.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng trên diện tích xâm canh, xâm lấn, không để các đối tượng mở rộng diện tích xâm lấn, khai thác hoa lợi trên đất xâm canh nhằm kịp thời phát hiện, đấu tranh, điều tra để xác định đối tượng xâm canh, xâm lấn. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động các đối tượng lấn chiếm đất rừng tự giác nhận trách nhiệm với phần diện tích đã sử dụng trái pháp luật, đồng thời có cam kết trả lại đất cho đơn vị sau khi xử lý số cây đã trồng.

Cán bộ BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông và lực lượng Kiểm lâm giải thích cho người dân thôn Tà Liềng (xã Tà Long, huyện Đakrông) những diện tích đất bị xâm lấn được đề nghị bóc tách và thu hồi.

Cán bộ BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông và lực lượng Kiểm lâm giải thích cho người dân thôn Tà Liềng (xã Tà Long, huyện Đakrông) những diện tích đất bị xâm lấn được đề nghị bóc tách và thu hồi.

Ông Hà Sỹ Đồng cho hay, nhiều diện tích rừng, đất lâm nghiệp đã bị xâm lấn từ lâu, người dân đã canh tác, ở ổn định, nên tỉnh yêu cầu các đơn vị liên quan đưa ra phương án xử lý hợp tình, hợp lý. Tiến độ để thực hiện việc xử lý từ năm 2025 đến năm 2030.

Hữu Thành

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/xu-ly-hon-5000-ha-dat-rung-bi-xam-lan-o-quang-tri-post1707257.tpo
Zalo