Xử lý dứt điểm tàu cá '3 không'
Nhiều tỉnh, thành cam kết nói không với tàu cá '3 không' theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nỗ lực chấn chỉnh, xử lý vi phạm để sớm gỡ bỏ 'thẻ vàng' IUU
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trước ngày 20-11, các địa phương phải xử lý dứt điểm tàu cá "3 không" - tức không đăng ký, không đăng kiểm, không cấp phép. Các bộ, ngành, địa phương đang quyết liệt triển khai chỉ đạo của Thủ tướng. Đây là vấn đề rất quan trọng trong nỗ lực thực hiện khuyến cáo của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Chuyển biến tích cực
Thời gian qua, 28 tỉnh, thành ven biển đã có nhiều nỗ lực triển khai các biện pháp chống khai thác IUU, xử lý tàu cá "3 không". Tuy nhiên, tình trạng vi phạm vẫn còn nhiều.
Tỉnh Bình Định là địa phương đứng thứ 3 cả nước về số lượng tàu cá, với hơn 5.300 chiếc. Trong đó, Bình Định có hơn 1.000 tàu cá "3 không", phần lớn là tàu đánh bắt vùng bờ, từ 6 m đến dưới 12 m (tàu từ 12 đến dưới 15 m đánh bắt vùng lộng; từ 15 m trở lên đánh bắt vùng khơi).
Nhóm tàu cá trong tình trạng "3 không" này chủ yếu là do người dân tự đóng mới mà không xin phép hoặc mua bán nhưng không thực hiện thủ tục chuyển hồ sơ theo quy định, dẫn đến tình trạng không có hồ sơ gốc, không đáp ứng điều kiện, tiêu chí quy định.
Theo đại tá Nguyễn Văn Lĩnh, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định, thời gian qua, đơn vị đã tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để ngăn chặn và chấm dứt nạn khai thác hải sản vi phạm IUU. Nhờ quyết liệt triển khai các biện pháp, theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định, đến nay đã có 507 tàu cá "3 không" trên địa bàn đã làm thủ tục cấp phép, đủ điều kiện hành nghề. Số còn lại sẽ được xử lý dứt điểm trong thời gian tới.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Quảng Ngãi, từ đầu năm 2024 đến nay, cơ quan chức năng của tỉnh xử phạt 163 trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản. Trong số này, 100 trường hợp vi phạm liên quan việc mất kết nối giám sát hành trình tàu cá trên biển. Với 1.087 tàu cá "3 không" đã được UBND tỉnh Quảng Ngãi công bố, theo chỉ đạo của Thủ tướng, lực lượng chức năng cùng với chính quyền các địa phương đang tổng lực ra quân xử lý.
Thời gian qua, tỉnh Quảng Nam cũng rất quyết liệt triển khai các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định, kiên quyết "cấm biển" đối với tàu cá "3 không". Nhờ vậy, tính đến cuối tháng 10, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có 2.820 tàu cá đã đăng ký, trong đó có 1.793 tàu khai thác vùng bờ; 419 tàu khai thác vùng lộng và 618 tàu khai thác vùng khơi.
Hiện tỉnh Quảng Nam chỉ còn 71 tàu cá "3 không" chưa xử lý. Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển khẩn trương hoàn thành 100% việc đăng ký cấp phép tàu cá trong tháng 11-2024. Nếu địa phương nào để phát sinh tàu cá "3 không" thì chủ tịch UBND cấp huyện, xã đó phải chịu trách nhiệm.
Các tỉnh duyên hải miền Tây cũng đang quyết tâm chấn chỉnh tàu cá vi phạm. Hiện tỉnh Kiên Giang còn 2.708 tàu cá thuộc diện "3 không". Việc tồn tại số lượng lớn tàu "ma" này là thách thức lớn của tỉnh.
"Chúng tôi đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo Chi cục Kiểm ngư cùng cơ quan, đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm tàu cá hoạt động khai thác mà không có đăng ký, không có giấy phép khai thác thủy sản" - ông Lê Hữu Toàn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang, nêu quyết tâm.
Tính đến ngày 8-11, tỉnh Cà Mau còn 188 tàu cá chưa được cấp phép. Ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau, cho hay tỉnh sẽ mở các đợt cao điểm kiểm tra, quyết tâm chấm dứt tình trạng tàu cá không đủ điều kiện ra khơi.
"Số lượng tàu cá "3 không" tại Cà Mau đang chuyển biến tích cực và giảm từng ngày. Trước ngày 20-11, địa phương sẽ xử lý xong tàu cá "3 không" - ông Vũ khẳng định.
Nhiều cách làm hay
Bình Thuận là một trong những địa phương được đánh giá làm tốt công tác chống khai thác IUU, đặc biệt là chấn chỉnh, xử lý tàu cá "3 không".
Ông Huỳnh Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Thuận, cho biết gắn với triển khai các biện pháp xử lý nghiêm minh vi phạm, tỉnh đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ, từ đó nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật cho ngư dân. Chẳng hạn, nhằm hỗ trợ cho ngư dân vươn khơi vùng biển xa, không vi phạm lãnh hải nước ngoài, Thường trực Tỉnh ủy Bình Thuận đã thống nhất hỗ trợ phí thuê bao dịch vụ vệ tinh thiết bị giám sát hành trình (VMS) cho trên 2.000 tàu cá trên địa bàn. Mỗi tàu cá của ngư dân được hỗ trợ 2,2 triệu đồng/năm, thời gian hỗ trợ trong 3 năm.
Nhiều cộng đồng ngư dân, cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận đã triển khai các mô hình, giải pháp hay, như mô hình "Mỗi biên phòng giám sát 3 tàu cá" của Đồn Biên phòng Phước Hội (thị xã La Gi); nhóm phản ứng nhanh ở huyện đảo Phú Quý; Đội Giám sát IUU của xã Tân Thuận, huyện Hàm Thuận Nam. Những mô hình này đã phát huy hiệu quả trong công tác phòng chống IUU tại địa phương.
Chia sẻ kinh nghiệm, ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, cho biết từ năm 2018, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị 30, quán triệt triển khai công tác chống khai thác IUU. Trong đó, tỉnh đặc biệt quan tâm đến công tác quản lý, ngăn chặn tình trạng tàu cá, ngư dân khai thác hải sản bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài. Tỉnh cũng rà soát, sàng lọc, lập danh sách tàu cá có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài; trên cơ sở đó chỉ đạo lực lượng chức năng, chính quyền và đoàn thể các địa phương theo dõi, giám sát, kết hợp vận động ngư dân chấp pháp trên biển.
Theo ông Nguyễn Hồng Hải, sau khi Thông tư 06/2024/TT-BNNPTNT của Bộ NN-PTNT có hiệu lực, Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định 1270/QĐ-UBND về việc công bố danh sách tàu cá đóng mới, cải hoán, mua bán, tặng cho đang hoạt động chưa đăng ký trên địa bàn. Sở chỉ đạo Chi cục Thủy sản tiếp tục bố trí nhân lực phối hợp các địa phương thực hiện cấp giấy chứng nhận đăng ký tàu cá và giấy phép khai thác thủy sản đối với tàu cá "3 không" tại các địa phương trong tỉnh.
Nhờ cách làm này, trong tổng số 2.468 tàu cá "3 không", đến nay đã có 2.336 tàu làm thủ tục hồ sơ để đăng ký, đạt 94,7%. "Như vậy, theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bình Thuận sẽ hoàn thành việc xóa bỏ toàn bộ tàu cá "3 không" trước ngày 20-11" - ông Nguyễn Hồng Hải lạc quan.
Thời gian qua, tỉnh Khánh Hòa cũng triển khai hiệu quả việc chống khai thác IUU và xử lý tàu cá "3 không". Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Khánh Hòa, đến tháng 10-2024, toàn tỉnh có 3.423 tàu cá, trong đó 2.066 tàu hoạt động vùng ven bờ, 714 tàu hoạt động vùng lộng, 643 tàu hoạt động vùng khơi. Số tàu cá này đã được đăng ký và cập nhật đầy đủ trên phần mềm cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia Vnfishbase.
Riêng với tàu cá "3 không", hiện Khánh Hòa chỉ còn có 253 chiếc, chủ yếu là tàu khai thác vùng bờ. Các địa phương phối hợp với Chi cục Thủy sản đã làm việc với các chủ tàu, hầu hết trong số 253 tàu cá đã cơ bản hoàn tất các thủ tục liên quan việc đăng ký, đăng kiểm, cấp phép khai thác.
Ông Lê Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, đánh giá sự quyết liệt vào cuộc của cấp địa phương, ban ngành, lực lượng chức năng đã tạo chuyển biến tích cực. Nhằm tiến tới chấm dứt tàu cá vi phạm, lãnh đạo tỉnh này cùng các lực lượng chức năng tiếp tục ra quân, lập các đoàn công tác, tiến hành kiểm tra đột xuất công tác chống khai thác IUU tại các xã, phường, thị trấn ven biển.
Chống khai thác IUU cần tiếp tục quyết liệt hơn
Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản, cho biết Việt Nam đã có báo cáo về chống khai thác IUU tới EC hồi tháng 9 vừa qua. Đến nay, phía EC chưa thông báo chính xác thời gian sang kiểm tra lần thứ 5 tại Việt Nam. Vì vậy, thời điểm này, việc chống khai thác IUU cần tiếp tục quyết liệt hơn, trong đó có xử lý tàu cá "3 không", tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.
Theo ông Luân, các giải pháp chống IUU được thực hiện theo đúng các khuyến nghị của EC, đến nay đã đạt được kết quả cơ bản, song vẫn cần sự quyết liệt trong quá trình thực hiện tại địa phương. "Cần quyết liệt triển khai thực hiện trên thực tế theo đúng chỉ đạo về chống IUU của Thủ tướng" - ông Luân nhấn mạnh.
Theo báo cáo từ Bộ NN-PTNT, cả nước còn 7.035 tàu "3 không". Tình trạng mua bán, chuyển nhượng, sang tên đổi chủ tàu cá không thực hiện đúng quy định diễn ra thường xuyên. Trong khi đó, việc theo dõi, giám sát hoạt động của tàu cá ra vào cảng chỉ đạt khoảng 40%; sản lượng thủy sản khai thác khoảng 30%.
L.Thúy