Xử lý dầu loang sau những sự cố trên biển

Dầu loang trên biển là sự cố của những vụ việc tràn dầu trong các hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác, vận chuyển, tàng trữ dầu khí và các hiện tượng rò rỉ, vỡ đường ống, vỡ bể chứa, tai nạn đâm va gây thủng tàu, chìm tàu, sự cố tại các dàn khoan dầu khí, cơ sở lọc hóa dầu…

Những sự cố trên làm cho dầu và sản phẩm dầu thoát ra ngoài gây ô nhiễm môi trường biển, ảnh hưởng xấu đến sinh thái và thiệt hại đến các hoạt động kinh tế, đặc biệt là các hoạt động có liên quan đến khai thác và sử dụng các dạng tài nguyên thủy sản.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Sự cố tràn dầu trên vùng biển Việt Nam nói chung, tỉnh Bình Thuận nói riêng do hoạt động hàng hải và khai thác đã trở nên thường xuyên hơn và thường gây hủy diệt môi trường sinh thái biển và ven bờ. Vùng biển Bình Thuận với nhiều hoạt động hàng hải và khai thác dầu khí, đánh bắt hải sản nguy cơ xảy ra hiện tượng dầu tràn với xác suất rất cao. Ngày nay, sản phẩm của dầu mỏ đang có mặt trong hầu hết các lĩnh vực đời sống sinh hoạt hằng ngày của con người cũng như trong công nghiệp, hoạt động trên biển. Theo số liệu thống kê thì có khoảng 65-70% năng lượng được sử dụng từ dầu mỏ, chỉ có khoảng 20-22% từ than, 5-6% từ năng lượng nước, 8-12% từ năng lượng hạt nhân. Do đó công đoạn khai thác và vận chuyển dầu thô ngày càng tăng theo nhu cầu phát triển chung của thời đại. Song hành với việc phát hiện ra và khai thác dầu mỏ thì tràn dầu cũng bắt đầu xuất hiện. Các vụ tràn dầu là một mối đe dọa nguy hại đến môi trường biển nói chung và hệ sinh thái ven biển nói riêng. Không thể phủ nhận những lợi ích to lớn của dầu mỏ đem lại nhưng đi kèm với đó là thực trạng ô nhiễm biển do tai biến tràn dầu. Những năm gần đây, tỉnh Bình Thuận liên tục phải xử lý tình trạng dầu vón cục trôi dạt vào bờ biển ở khu vực biển của thành phố Phan Thiết, thị xã La Gi và một số địa phương khác. Ngày 12/5/204, tại phường phường Mũi Né, thành phố Phan Thiết, đã xảy ra tình trạng dầu vón cục trôi dạt vào bờ biển nên UBND phường phải phối hợp cùng Bộ đội biên phòng cùng người dân địa phương tổ chức thu gom, vận chuyển, xử lý dầu vón cục trôi dạt vào bờ với chiều dài khoảng 4km. Ngoài dầu vón cục trôi dạt vào bờ, hàng năm tỉnh Bình Thuận cũng phải ứng phó với rất nhiều sự cố tràn dầu trên biển. Ngày 23/4/2024, các cơ quan chức năng của tỉnh triển khai các phương án ứng phó sự cố tràn dầu có thể xảy ra từ tàu Minh Phúc 88 có trọng tải toàn phần 3.789 tấn khi phương tiện này chở 3.695 tấn tôn cuộn bị mắc cạn tại vị trí cách cửa biển La Gi khoảng 10 hải lý về phía Nam Đông Nam. Mấy ngày gần đây, tại vùng biển Bình Thuận liên tiếp xảy ra 2 vụ chìm tàu. Ngày 5/12/2024, các cơ quan chức năng của tỉnh đã triển khai các phương án khắc phục sự cố tràn dầu của tàu cá BV 92485 TS gồm 13 lao động, hành nghề kéo lưới đôi, khi đang hoạt động tại vị trí cách Nam - Tây Nam đảo Phú Quý khoảng 26 hải lý thì bị nước tràn vào khoang máy và chìm, trên tàu cá có khoảng 9.000 lít dầu DO trong tàu đã bị tràn ra ngoài. Tiếp đến ngày 9/12/2024, tàu cá BV 99872 TS, trên đường hành trình về Đà Nẵng thì bị phá nước và chìm tại khu vực biển cách Đông Nam mũi Kê Gà 5,5 hải lý, trên tàu cũng có lượng lớn dầu.

Để xử lý tình trạng dầu tràn bị vón cục trôi dạt vào vùng biển Bình Thuận, những năm qua UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương khoanh vùng khu vực có dầu tràn vào bờ đã vón cục để kiểm soát, thông báo cho người dân không đi lại, làm vùi lấp dầu gây khó khăn trong việc thu gom. Đồng thời phối hợp với các Đồn Biên phòng, các hội, đoàn thể, đoàn viên thanh niên, cán bộ công chức, người dân và cơ sở kinh doanh du lịch tại khu vực có dầu tràn đã vón cục trôi vào bờ thực hiện thu gom toàn bộ dầu vón cục lẫn cát, rác thải, vật dụng có dính dầu. Sau khi thu gom, dầu vón cục phải được tập kết tại nơi có nền bê tông tránh dầu nhiễm vào môi trường đất, nước ngầm và phải được che chắn, không cho nước mưa tràn vào. Khu vực chứa, tập kết chất thải nguy hại phải được bố trí bảng cảnh báo. Bên cạnh đó yêu cầu các Ban Quản lý các Khu Du lịch thông báo đến các khu du lịch bị ảnh hưởng dầu tràn, đề nghị cử lực lượng tham gia, hỗ trợ phương tiện, thiết bị cùng địa phương thu gom dầu vón cục trôi vào bờ để các đơn vị chức năng vận chuyển, xử lý dầu vón cục khi xảy ra tại vùng biển của tỉnh. Được biết, khi dầu vón cục trôi dạt vào bờ biển làm ảnh hưởng đến môi trường đất, làm tăng thành phần kim loại nặng có trong đất, gây ô nhiễm đất mặt, làm thay đổi hệ vi sinh vật ở lớp đất này. Bên cạnh đó làm cho nước bị nhiễm kim loại nặng, giảm chất lượng nước, ô nhiễm nước. Dầu nổi trên mặt nước và không tan trong nước làm giảm sự quang hợp của các thực vật dưới nước. Trong dầu có một số thành phần khác gây nên ô nhiễm, những chất này khi gặp điều kiện lí tưởng sẽ bốc hơi lên và gây ô nhiễm trầm trọng cho không khí. Đặc biệt là các chất độc hại có thể xâm nhập qua đường hô hấp, da, hệ tiêu hóa khi vào cơ thể ảnh hưởng đến thần kinh, máu, gan… Trong thành phần của dầu mỡ công nghiệp có chứa nhiều chất gây độc ảnh hưởng đến hệ thần kinh gây đau đầu, chóng mặt, nôn mửa, bất tỉnh thậm chí bị tử vong. Những người tiếp xúc thường xuyên với dầu mỡ công nghiệp, xăng, dầu có khả năng mắc các bệnh về đường hô hấp như mũi, họng, khí quản, phổi… Thậm chí có thể gây ung thư, tử vong.

PHAN LIÊN

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/xu-ly-dau-loang-sau-nhung-su-co-tren-bien-126460.html
Zalo