Xử lý cả cá nhân và nền tảng mạng xã hội vi phạm pháp luật
Sáng 12-11, trả lời chất vấn đối với lĩnh vực thông tin và truyền thông tại kỳ họp thứ tám, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, song song với xử lý cá nhân sẽ xử lý các nền tảng mạng xã hội khi vi phạm pháp luật Việt Nam.
“Nhà nhà thu thập thông tin cá nhân”
Về chất vấn của đại biểu Trần Quốc Tuấn (Đoàn Trà Vinh) về giải pháp để chủ động phòng ngừa đánh cắp thông tin, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, lừa đảo trực tuyến nắm được nhiều thông tin khiến người dân cảm thấy như họ là người Nhà nước.
"Câu chuyện thực tế là nhà nhà thu thập thông tin cá nhân, tôi đi thay kính cận cũng được hỏi tên, tuổi, địa chỉ, làm nghề gì", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói. Song những công ty nhỏ chưa hiểu biết pháp luật về thu thập thông tin phải xin phép, phải có hệ thống an toàn để không bị tấn công và phải có quy chế nội bộ để người khai thác trên hệ thống không mang đi bán, giao dịch với doanh nghiệp khác.
Luật An ninh mạng đã quy định trách nhiệm của người thu thập thông tin cá nhân phải bảo vệ dữ liệu, sử dụng đúng quy định pháp luật. Năm 2023, Bộ Thông tin và Truyền thông đã coi đây là trọng điểm, tổ chức nhiều đoàn thanh tra về sử dụng dữ liệu cá nhân, tập trung vào các nhà mạng viễn thông, công ty bưu chính, ngân hàng, mạng xã hội và trang thông tin để chấn chỉnh.
"Bộ đã công bố những sai sót để nhắc nhở doanh nghiệp thu thập thông tin phải thực hiện đúng quy định pháp luật, sắp tới sẽ nâng cấp Nghị định Bảo vệ dữ liệu cá nhân lên thành Luật để trình Quốc hội", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thông tin.
Đối với chất vấn của đại biểu Nguyễn Duy Thanh (Đoàn Cà Mau) giải pháp ngăn chặn tình trạng tin giả, tin sai sự thật, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định việc quản lý thông tin trên mạng xã hội là một thách thức chung của toàn cầu. Việt Nam đang tích cực hoàn thiện khung pháp lý để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng. Trước đây quy định xử lý cá nhân sử dụng mạng xã hội đưa thông tin sai sự thật, nhưng mới đây đã có nghị định xử lý các nền tảng mạng xã hội khi vi phạm luật pháp Việt Nam.
Bộ trưởng nhấn mạnh trách nhiệm lớn của các nền tảng mạng xã hội trong việc tự chủ quản lý nội dung, bảo đảm thông tin chính xác và lành mạnh được lan tỏa. "Họ có không gian riêng, có thuê bao riêng lên tới hàng trăm triệu đến hàng tỷ người dùng, nên phải có trách nhiệm rà quét, phát hiện tự động gỡ bỏ thông tin xấu độc", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Người đứng đầu ngành Thông tin và Truyền thông cho rằng, con người đã sống trong thế giới thực hàng chục nghìn năm nhưng vẫn còn nhiều tồn tại, nên không gian số mới được 10-20 năm còn mới lạ với nhiều người, việc thích nghi cần thời gian.
“Vì vậy, cần tăng cường truyền thông và giáo dục để giúp người dân đề kháng trên không gian số, nâng cao kỹ năng nhận biết và phòng tránh thông tin sai lệch. Khi người dân bị ảnh hưởng bởi tin sai có thể liên hệ với Trung tâm Tin giả quốc gia và cấp địa phương để phản ánh và đề nghị giúp đỡ”, Bộ trưởng nói.
“Không gian mạng không khác gì không gian thực”
Làm rõ trách nhiệm về những tồn tại của hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng được đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Đoàn Bình Thuận) chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ không gian mạng không khác gì không gian thực, nếu không gian thực có bộ, ngành, địa phương, thì không gian mạng cũng có bộ, ngành, địa phương…
“Chỉ khi nào việc của nhà nào, nhà đó thực hiện; ai làm gì trong thế giới thực thì cũng thực hiện công tác quản lý ở không gian mạng, thì không gian mạng mới lành mạnh được”. Bộ trưởng nhấn mạnh cần tăng cường nhận thức về vấn đề này.
Trả lời đại biểu Châu Quỳnh Dao (Đoàn Kiên Giang) về giải pháp ngăn chặn tình trạng mê tín dị đoan, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vào cuộc để xác định hành vi và chúng ta đã có quy định để xử lý mê tín dị đoan. Ngoài quy chế phối hợp, về tiêu chí xác định mê tín dị đoan bằng hình ảnh, công cụ, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ, Bộ Thông tin và Truyền thông đang phát triển công cụ, phần mềm để rà quét, nhìn vào hình ảnh có thể xác định được hành vi, xem hoạt động có phải mê tín dị đoan hay không để báo sang Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xử lý.
“Nếu các tiêu chí về mê tín dị đoan được xác định rõ, Bộ sẽ yêu cầu các nền tảng mạng xã hội phát triển công cụ để tự rà soát và đây là một bước tiến mới nhằm lành mạnh hóa không gian mạng và xử lý mạnh tay với các đối tượng mê tín dị đoan gồm cả xử lý vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự”, Bộ trưởng nói.
Tại phiên chất vấn lĩnh vực y tế, liên quan đến tình trạng quảng cáo quá mức gây hậu quả nghiêm trọng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ Y tế là cơ quan quản lý chuyên ngành sẽ xác định cụ thể cơ sở y tế hành nghề tư nhân, phòng khám vi phạm và trên cơ sở kết luận của Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp cung cấp các thông tin về chủ thể, xác định những người thực hiện quảng cáo sai phạm trên mạng và giao cho Bộ Y tế để xử lý và trường hợp không xác định được danh tính thì Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tổ chức ngăn chặn.
Liên quan đến việc giám sát toàn diện quy trình sản xuất, phân phối và quản lý nhà nước về quảng cáo các sản phẩm thực phẩm chức năng, mỹ phẩm nhằm ngăn chặn hàng kém chất lượng tràn lan, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ Y tế đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông, có công cụ rà quét, phát hiện quảng cáo sai sự thật để xác định danh tính, ngăn chặn. Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương đã xử lý các vấn đề về kém chất lượng và khi cần thiết sẽ phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông để xác định danh tính, ngăn chặn.