Xu hướng 'túi mù' trong giới sách hút khách Mỹ
'Blind date with a book' - xu hướng che giấu tên thật của sách và tạo bất ngờ khi khách hàng khám phá đang được đón nhận tại Mỹ.
Strait Times dẫn tin từ New York Times, một khu vực nổi bật tại hiệu sách Strand ở quận Manhattan, thành phố New York là một bàn sách gắn nhãn “Blind date with a book”. Sách được bọc kín bằng nhiều loại giấy gói và trông giống như những món quà Giáng sinh.
Tên sách cũng được thay bằng những mô tả mơ hồ và hiệu sách gọi đây là trải nghiệm “hẹn hò giấu mặt với sách”. Ví dụ, cuốn When In Rome của Sarah Adams được ngụy trang thành Freshly Baked Slow Burn Rom-com, Spoiler Alert của Olivia Dade trở thành You've Got Mail-esque Romance.
Độc giả bị cuốn hút
Các hiệu sách triển khai hình thức này đều cho biết khách hàng rất yêu thích chúng. Mọi người bị thu hút bởi yếu tố bất ngờ và các cửa hàng coi đây là một cách mới để bán những cuốn sách đã để lâu do chúng không phải là sách mới, không phải sách ăn khách hoặc không do một tác giả nổi tiếng sáng tác.
"Mọi người thích nó. Chúng tôi đặt bàn sách ngay phía ngoài để khiến mọi người phải dừng lại", ông Paul Colarusso, Giám đốc truyền thông của Strand cho biết.
Trước Ngày lễ tình nhân năm 2022, Strand mới bắt đầu bán những cuốn sách này, dù trước đó nó đã phổ biến trong các thư viện và hiệu sách trên khắp thế giới trong nhiều năm. Với ý định ban đầu là chỉ phục vụ ngày lễ, tuy nhiên, khi khách hàng tiếp tục mua chúng trong thời gian dài, Strand đã bổ sung thêm nhiều thể loại hơn và hình thức “Blind date with a book” trở thành một khu vực tiêu thụ trụ cột.
Ngày nay, đây là một trong những khu vực có doanh thu tốt nhất của Strand, cạnh tranh với các tác phẩm ăn khách và các tác phẩm mới phát hành của các tác giả nổi tiếng.
Các hiệu sách hiện nay thực hiện “Blind date with a book” theo nhiều cách khác nhau. Một số hiệu sách đổi tên sách bằng tên của một bộ phim hoặc một cuốn sách khác. Ví dụ, một số cuốn sách được ghi “Dành cho những người hâm mộ Inception hay American Psycho)”. Các hiệu sách khác có thể viết vài dòng mô tả mơ hồ hoặc một số hiệu sách thì ghi cả hai nội dung này.
Những chi tiết này vừa đủ để khơi dậy sự quan tâm nhưng vẫn giữ được tính mơ hồ để khiến độc giả đoán xem cuốn sách đó có thể là gì. Ngay cả ChatGPT cũng bối rối. Khi được yêu cầu đoán xem mô tả đó có thể ám chỉ đến cuốn sách nào, ChatGPT đã đưa ra một ảo ảnh không có kết luận về câu trả lời.
Theo phó giáo sư về khoa học nhận thức Vera Tobin tại Đại học Case Western, loại sách giấu mặt này rất được ưa chuộng vì có yếu tố bất ngờ và phần nào khơi dậy phản ứng giải mã bằng được sự mơ hồ bên trong.
Tại hiệu sách Powell's Books ở Portland, Oregon, sách giấu mặt cũng "rất được ưa chuộng", theo ông Jeremy Solly, Giám đốc tiếp thị của cửa hàng.
Tại các hiệu sách thuộc chuỗi Book Culture ở New York, những cuốn sách như vậy bán "như tôm tươi", theo Phó chủ tịch điều hành Cody S. Madsen.
Câu hỏi về sự kết nối giữa độc giả và hiệu sách
Tuy nhiên, không phải tất cả hiệu sách trên toàn nước Mỹ đều đi theo xu hướng này. Hàng chục chủ hiệu sách trên khắp nước Mỹ cho biết họ không biết loại sách này là gì.
Những người khác thì lo ngại sự phổ biến của loại này sẽ làm giảm đi những câu chuyện, sự đối thoại khi khách hàng hỏi tư vấn về sách. Bà Kristin Enola Gilbert của hiệu sách Exile in Bookville, Chicago cho biết những cuộc trò chuyện này là "một trong những phần quan trọng nhất của một hiệu sách độc lập".
Mary Lyons, người đã làm việc tại hiệu sách Bluestocking Books ở San Diego trong 18 năm, đồng ý với ý kiến này. Bà tự gọi mình là "bà mối" và muốn hướng dẫn khách hàng của mình đến với những cuốn sách tuyệt vời tiếp theo thay vì để họ “hẹn hò một cách mù quáng”.
Ông Madsen hiểu được góc nhìn này, nhưng ông lưu ý sách “giấu mặt” có thể khơi dậy cuộc trò chuyện theo cách riêng của nó. Ông cho biết, người mua tại Book Culture thường "đi thẳng đến quầy thông tin và hỏi về cách chọn sách".
Một cách khác để mang sách tốt tới cho khách hàng
Hiệu sách Buxton Books ở Charleston, Nam Carolina, cũng bắt đầu bán sách “giấu mặt” cách đây bảy năm khi chủ cửa hàng, bà Polly Buxton, nhìn thấy chúng tại một hiệu sách nhỏ ở Scotland.
Và khi bà Buxton nói với nhân viên của mình về những gì bà đã thấy, họ rất thích ý tưởng này.
Bà Buxton nói: "Chúng tôi cam kết rằng chúng tôi sẽ chỉ 'giấu mặt' những cuốn sách thực sự hay. Chính sách của chúng tôi luôn được giữ nguyên: Không có cuộc hẹn hò tồi nào ở Buxton".
Việc chọn một cuốn sách hẹn hò giấu mặt hay cũng giống như xỏ kim vậy. Cuốn sách phải tuyệt vời. Không cần nằm trong danh sách ăn khách nhưng phải có sức hấp dẫn đủ lớn để hấp dẫn bất kỳ ai xé bìa sách.
Những người bán sách cho hay, cũng giống như chẹn hò thực sự, không có lựa chọn nào là hoàn hảo, vẫn sẽ có thử nghiệm và sai sót. Nhưng nhìn chung, sách giả tưởng và kỳ bí thường thành công. Tiểu thuyết lãng mạn về người đồng tính cũng bán chạy. Hay những cuốn sách bị lãng quên từ nhiều năm trước cũng rất tuyệt.
Tại Strand, những cuốn sách “giấu mặt” đều rất bắt mắt vì được vẽ nhiều hình minh họa phức tạp ngoài bìa sách, vừa để thu hút khách và vừa có ý gợi đến nội dung bên trong.
Vào một buổi sáng thứ sáu ấm áp, Strand rất đông khách. Khoảng một nửa số khách hàng dừng lại ở khu trưng bày sách “giấu mặt” ở lối vào, xem xét kỹ lưỡng những bìa sách được vẽ và gói gọn gàng. Heather Toner nằm trong số này và đã mua một cuốn.
Toner, một độc giả cuồng nhiệt đến từ Brooklyn cho biết: "Việc bỏ qua sự thận trọng thông thường và để người khác chọn thay mình giống một sự thay đổi thú vị. Sách 'giấu mặt' là sở thích của tôi”.