Xu hướng tiêu Tết tiết kiệm: Thay đổi từ thói quen tiêu dùng của người dân

Tết Nguyên đán, thời điểm để sum vầy và khởi đầu xuân mới, từ lâu đã gắn liền với hình ảnh mua sắm nhộn nhịp, những phiên chợ đông đúc và các giỏ quà Tết rực rỡ. Tuy nhiên, năm nay, nhiều gia đình trên địa bàn tỉnh nói chung, TP. Thái Nguyên nói riêng, đang có xu hướng thắt chặt chi tiêu, ưu tiên tiết kiệm và tập trung vào các nhu cầu thiết yếu.

Người dân mua sắm các mặt hàng thiết yếu tại Siêu thị Minh Cầu, phường Hoàng Văn Thụ (TP. Thái Nguyên).

Người dân mua sắm các mặt hàng thiết yếu tại Siêu thị Minh Cầu, phường Hoàng Văn Thụ (TP. Thái Nguyên).

Xu hướng này không chỉ phản ánh thực trạng kinh tế mà còn cho thấy sự thay đổi trong quan niệm về ngày Tết. Người dân bắt đầu hướng tới lối sống cân bằng hơn, để Tết không còn là gánh nặng tài chính mà là khoảng thời gian ý nghĩa để gắn kết gia đình.

Dù đã giáp Tết, nhưng khảo sát tại các chợ và siêu thị lớn tại Thái Nguyên như chợ Thái, chợ Đồng Quang, Siêu thị Minh Cầu và Go Thái Nguyên, dễ dàng nhận thấy lượng người mua sắm giảm đáng kể so với những năm trước. Nhiều tiểu thương cho biết, người dân giờ đây chỉ chọn mua những sản phẩm thực sự cần thiết. Các mặt hàng như bánh kẹo, thực phẩm thiết yếu vẫn được tiêu thụ nhưng với số lượng vừa phải, thay vì mua sắm dư thừa như trước đây.

Chị Trần Thị Hương, nhân viên nghiệp vụ tại Siêu thị Minh Cầu: Người dân mua sắm từ sớm, nhưng chủ yếu tập trung vào các mặt hàng thiết yếu, trong khi nhu cầu về các sản phẩm Tết truyền thống giảm rõ rệt. Giá các mặt hàng được duy trì ở mức ổn định.

Chị Hoàng Thị Lan, một tiểu thương tại chợ Đồng Quang, chia sẻ: So với những năm trước, sức mua năm nay giảm rõ rệt. Khách hàng giờ đây chọn lọc rất kỹ, chỉ mua số lượng vừa đủ dùng, tập trung vào những loại có giá phù hợp với túi tiền. Những loại bánh kẹo cao cấp hay hàng nhập khẩu đắt tiền hầu như ít được hỏi đến. Điều này cũng dễ hiểu bởi thời buổi kinh tế khó khăn, ai cũng phải thắt chặt chi tiêu để lo cho cuộc sống.

Chị Lan cũng cho biết để thích ứng, các tiểu thương đã nhập thêm nhiều mặt hàng có giá thành bình dân nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân, hy vọng có thể giữ được lượng khách ổn định và duy trì doanh thu trong dịp Tết.

Nhiều gia đình hiện nay ưu tiên lập danh sách mua sắm để tập trung vào những mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, đồ dùng gia đình và quà tặng nhỏ gọn, phù hợp với túi tiền. Các món đồ trang trí đắt tiền hay quà Tết cao cấp không còn được lựa chọn nhiều như trước; thay vào đó, người dân hướng tới những mặt hàng phổ thông với giá cả hợp lý. Xu hướng này xuất phát chủ yếu từ tình hình kinh tế còn nhiều thách thức sau đại dịch COVID-19 và các biến động toàn cầu. Giá các mặt hàng thiết yếu, từ lương thực, thực phẩm đến chi phí sinh hoạt, đều tăng cao, buộc các gia đình phải cân đối ngân sách chặt chẽ hơn.

Chị Ngô Thị Ánh Ngọc, nhân viên văn phòng tại TP. Thái Nguyên, chia sẻ: Những năm trước, mỗi dịp Tết, tôi thường chuẩn bị rất nhiều thứ, từ bánh kẹo cao cấp, thực phẩm đắt tiền cho đến các món đồ trang trí để làm đẹp nhà cửa. Nhưng năm nay, với mức lương cố định trong khi giá mọi thứ đều tăng, gia đình tôi phải cân nhắc chi tiêu.

Tôi chỉ mua những thứ thực sự cần thiết, như thực phẩm tươi, hoa quả để bày mâm ngũ quả và một ít bánh kẹo cho các con. Thay vì sắm sửa dư thừa, chúng tôi tập trung vào một cái Tết giản dị, tiết kiệm nhưng vẫn giữ được không khí ấm cúng, đầy đủ cho gia đình. - chị Ngô Thị Ánh Ngọc

Ngoài yếu tố kinh tế, nhiều người dân cũng bắt đầu thay đổi quan điểm về cách tiêu Tết. Thay vì mua sắm xa hoa, họ chú trọng vào sự gọn nhẹ, tiết kiệm nhưng vẫn đảm bảo ý nghĩa truyền thống. Các bữa cơm Tết được chuẩn bị giản dị hơn nhưng vẫn đủ đầy sự ấm cúng, tình thân. Điều này không chỉ giảm áp lực tài chính mà còn mang lại không khí Tết gần gũi, chân thành hơn.

Bên cạnh những khó khăn, xu hướng tiêu Tết tiết kiệm cũng mang lại những tín hiệu tích cực. Nó không chỉ giúp giảm lãng phí mà còn khuyến khích lối sống tối giản, có trách nhiệm hơn trong tiêu dùng. Đồng thời, sự thay đổi này cũng tạo điều kiện để mọi người tập trung vào giá trị cốt lõi của ngày Tết: sự đoàn tụ, yêu thương và chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Hương, cán bộ hưu trí tại phường Tân Lập (TP. Thái Nguyên): Ngày Tết giờ đây không còn cần thiết phải phô trương hay tiêu xài quá mức. Điều quan trọng nhất là các thành viên trong gia đình được quây quần bên nhau, cùng chuẩn bị bữa cơm, cùng trò chuyện. Đó mới thực sự là ý nghĩa của Tết.

Xu hướng tiêu Tết tiết kiệm của người dân không chỉ phản ánh bối cảnh kinh tế hiện tại mà còn thể hiện sự thay đổi phù hợp với nhịp sống hiện đại. Tết Nguyên đán 2025, giản dị hơn, nhưng vẫn tràn đầy không khí ấm áp, tình cảm gia đình và những hy vọng về một năm mới an lành, hạnh phúc.

Minh Anh

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202501/xu-huong-tieu-tet-tiet-kiem-thay-doi-tu-thoi-quen-tieu-dung-cua-nguoi-dan-d660bb1/
Zalo