Xu hướng tăng lãi suất huy động khó cản?

Khảo sát biểu lãi suất tiết kiệm nửa đầu tháng 2/2025 tại nhiều ngân hàng cho thấy, sau khi tăng lãi suất chớp nhoáng trước và ngay sau Tết, nhiều ngân hàng giảm lãi suất huy động ở kỳ hạn ngắn. Tuy nhiên, xu hướng tăng lãi suất huy động năm nay khó cản trước nhiều nhân tố tạo áp lực, đẩy tăng mặt bằng lãi suất.

Nguồn: TBTCVN tổng hợp.

Nguồn: TBTCVN tổng hợp.

Thống kê cho thấy trong tháng 1/2025 trước khi nghỉ Tết, có 12 ngân hàng tăng lãi suất huy động với mức tăng từ 0,1 - 0,9%/năm và 7 ngân hàng giảm lãi suất đầu vào với mức giảm từ 0,1 - 0,75%/năm. Sau kỳ nghỉ Tết dài ngày, nhiều nhà băng đã giảm lãi suất huy động ở kỳ hạn ngắn sau khi tăng lãi suất chớp nhoáng trước Tết và ngày khai xuân Ất Tỵ.

Nhiều ngân hàng giảm lãi suất huy động sau Tết

Khảo sát của TBTCVN về sự biến động lãi suất những tuần đầu sau Tết Nguyên đán cho thấy, so với đầu năm, nhiều ngân hàng giảm lãi suất huy động ở kỳ hạn ngắn. Đơn cử, tại kỳ hạn 1 tháng, Techcombank giảm lãi suất 0,2% xuống 3,2%/năm; SeAbank giảm lãi suất 0,45% xuống 2,95%/năm; BacABank sau khi nhích tăng đầu năm thì mới đây giảm lãi suất còn 3,6%/năm.

Ở kỳ hạn 3 tháng, Techcombank và BacABank tiếp tục góp mặt trong số các ngân hàng giảm nhẹ lãi suất huy động sau khi điều chỉnh tăng đầu năm, đồng lượt giảm 0,1% xuống còn 3,5%/năm và

3,9%/năm. Một số nhà băng khác giảm nhẹ lãi suất kỳ hạn này có thể kể đến như: TPBank (giảm 0,2% xuống còn 3,8%/năm); MSB (giảm còn 3,2%/năm sau khi tăng lên 3,6%/năm đầu tháng 2); Kienlongbank (2,8%/năm).

Trong khi đó, một số ngân hàng có quy mô nhỏ tăng lãi suất đầu năm. Theo đó, NCB tăng 0,2% lên 3,9%/năm kỳ hạn 1 tháng. Ở kỳ hạn 3 tháng, VietBank tăng 0,2% lên 4,1%/năm; NCB tăng 0,1% lên 4,1%/năm. Đáng chú ý, ABBank đã có 2 lần tăng lãi suất chỉ trong hơn 1 tháng đầu năm lên 3,8%/năm, với bước nhảy 0,2%/lần.

Trước đó, trong tháng 1, thời điểm trước Tết ghi nhận 12 ngân hàng tăng lãi suất huy động với mức tăng từ 0,1 - 0,9%/năm. Xu hướng tăng lãi suất huy động diễn ra chủ yếu ở các ngân hàng thương mại quy mô nhỏ do các nhà băng chuẩn bị nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu vốn, chi trả trước Tết Nguyên đán và phục vụ cho kế hoạch tín dụng trong năm nay. Đến khi ra Tết, nhu cầu về vốn có phần chững lại.

Theo tổng hợp từ Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS), hiện lãi suất 12 tháng trung bình của nhóm ngân hàng thương mại duy trì ở mức 5,1%, không thay đổi so với tháng trước. Trong khi đó, lãi suất của các ngân hàng thương mại nhà nước vẫn giữ nguyên ở mức 4,7%.

Còn nhiều nhân tố gia tăng áp lực lên lãi suất huy động

Thứ hạng các ngân hàng trả lãi tiết kiệm cao tại các kỳ hạn cũng không có quá nhiều biến động so với tháng trước. Cụ thể, với kỳ hạn 1 tháng, lãi suất tiết kiệm cao nhất tính đến ngày 11/2 là 4,05%/năm được áp dụng tại CBBank, đứng thứ hai là DongABank với mức lãi suất 4,04%/năm, tiếp đó là NamABank và MBV (chuyển đổi từ OceanBank sau khi chuyển giao bắt buộc về MB) cùng niêm yết lãi suất 4%/năm. Như vậy, 3/4 ngân hàng có lãi suất huy động cao đều là các ngân hàng bị chuyển giao bắt buộc trong năm 2024.

Tại các ngân hàng thương mại lớn, mức lãi suất cao nhất thuộc về VPBank với lãi suất 3,7%/năm. Các “ông lớn” ngân hàng quốc doanh niêm yết lãi suất kỳ hạn 1 tháng ở mức 1,6 - 2,2%/năm, trong đó, Agribank đứng đầu với lãi suất 2,2%/năm.

Với kỳ hạn phổ biến được người dân lựa chọn 6 tháng, lãi suất tiết kiệm cao nhất tháng 2/2025 là 5,65%/năm được áp dụng tại CBBank. Ngân hàng DongABank áp dụng mức lãi suất 5,47%/năm, mức cao thứ hai hệ thống. Nhiều tên tuổi đồng hạng ba, với lãi suất

5,3%/năm gồm: VietcapitalBank, VietBank, MBV và ABBank. Lãi suất tiết kiệm thấp nhất kỳ hạn 6 tháng vẫn được áp dụng tại nhóm big 4, dao động từ 2,9 - 3,5%/năm, trong đó, Agribank vẫn giữ vững vị trí đầu.

Trong trường hợp có khoản tiền chưa cần sử dụng trong thời gian dài, kỳ hạn 12 tháng có mức lãi suất lý tưởng nhất, được nhiều ngân hàng áp dụng thêm chính sách các ưu đãi khác.

Lãi suất tiền gửi ở mức cao 7 - 9% chỉ xuất hiện tại một số nhà băng áp dụng chính sách lãi suất đặc biệt khi gửi số tiền "khủng" và với kỳ hạn dài.

Cũng theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến hết năm 2024, mặt bằng lãi suất huy động tăng 0,71% so với đầu năm song mặt bằng lãi suất cho vay giảm 0,59%. Theo giới phân tích, mặt bằng lãi suất huy động có thể tiếp đà tăng nhẹ như những năm vừa qua.

Trong năm 2025, theo ông Trần Ngọc Báu - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần WiGroup, nhà điều hành cần quan tâm đến việc doanh nghiệp và nền kinh tế nói chung đang cần gì ở thời điểm hiện tại, họ cần chi phí vốn rẻ hơn hay cần dễ dàng tiếp cận vốn hơn, từ đó, điều hành chính sách đúng và trúng, tạo điều kiện thuận lợi cho nền kinh tế và doanh nghiệp phát triển.

Đánh giá về xu hướng lãi suất suất tiết kiệm năm 2025, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, đà phục hồi kinh tế cùng với việc ngày càng nhiều doanh nghiệp bắt đầu mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh sau giai đoạn chịu ảnh hưởng từ đại dịch sẽ là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, qua đó, sẽ gia tăng áp lực lên lãi suất huy động. Việc NHNN nới hạn mức tín dụng nhằm thúc đẩy cho vay cũng khiến các ngân hàng phải gia tăng huy động để cân đối thanh khoản.

Chi phí vốn đủ để doanh nghiệp vận hành tốt

Trong bối cảnh hiện nay, tôi cho rằng, doanh nghiệp cần tiếp cận vốn nhiều hơn, người dân cần có nhiều tiền hơn để mở rộng hầu bao chi tiêu. Chi phí vốn như hiện tại đã là đủ để doanh nghiệp vận hành tốt, điều chúng ta cần là kích thích chi tiêu, mở rộng đầu ra cho doanh nghiệp. Quan điểm cá nhân tôi là chấp nhận giữ hoặc tăng nhẹ mặt bằng lãi suất để giảm bớt áp lực tỷ giá cũng như áp lực rút vốn. Ông Trần Ngọc Báu - Chủ tịch HĐQT WiGroup

Ánh Tuyết

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/xu-huong-tang-lai-suat-huy-dong-kho-can-170299-170299.html
Zalo