Xu hướng sử dụng sinh vật biển robot tại thủy cung
Xu hướng sử dụng sinh vật biển nhân tạo đang mở rộng tại Trung Quốc, như ở thành phố Thâm Quyến, Thượng Hải và Trịnh Châu, giúp kết hợp giải trí với giáo dục mà không gây tổn hại đến tự nhiên.
Tại thủy cung Xiaomeisha Sea World ở Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, cá mập voi robot dài 5 mét và nặng hơn 500 kg mô phỏng gần như hoàn hảo chuyển động của cá thật. Quan sát từ xa, không nhiều người biết rằng cá robot dưới nước này gồm 13.000 bộ phận, được trang bị 156 cảm biến và 14 động cơ điện.
Cá mập voi robot này xuất hiện lần đầu vào tháng 10, khi thủy cung mở cửa, sau đó nhanh chóng thu hút sự chú ý khi du khách phát hiện ra rằng đây không phải là cá thật. Nhiều du khách cho rằng sự hiện diện của cá mập voi nhân tạo làm giảm đi trải nghiệm thực tế về các sinh vật biển. Trong khi đó, các nhà khoa học và chuyên gia bảo tồn hoan nghênh sáng kiến này, cho rằng việc sử dụng cá mập voi robot giúp tránh việc nuôi nhốt các loài cá quý hiếm, đồng thời nâng cao nhận thức về bảo tồn biển.
Thủy cung ở Thâm Quyến không phải là nơi duy nhất triển khai cá mập robot. Năm 2022, một thủy cung ở Thượng Hải và năm 2023 một khu nghỉ dưỡng tại Trịnh Châu thuộc tỉnh Hà Nam cũng sử dụng các sinh vật biển được điều khiển bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), trong đó có cá mập voi robot.
Theo nhận định của ông Đại Bình - Giám đốc Viện nghiên cứu về du lịch có trụ sở ở Bắc Kinh (China Tourism Academy), việc tích hợp công nghệ sinh học và AI vào công viên giải trí là xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, ông Lâm Hoàn Kiệt - chuyên gia công viên giải trí - nhấn mạnh rằng các thủy cung cần minh bạch thông tin để tránh gây hiểu lầm cho du khách.
Cá mập voi (hay còn gọi là cá nhám voi) là một trong những loài cá lớn nhất thế giới, có thể dài tới 20 mét và sống trong khoảng từ 70 - 100 năm. Nhưng do khai thác quá mức và môi trường thay đổi, quần thể loài này đang giảm nhanh chóng. Thậm chí, các loài cá lớn bị nuôi nhốt thường chỉ sống được trung bình 5 năm.