Xu hướng kinh tế xanh tại các hợp tác xã

Trong sản xuất, nhiều HTX áp dụng phương thức canh tác hữu cơ kết hợp cải tạo đất, tái chế phụ phẩm nông nghiệp để bảo vệ môi trường vùng trồng. Trong làm dịch vụ, nhiều HTX chọn du lịch nông nghiệp xanh, đưa công nghệ hiện đại nâng cao hoạt động cung ứng... Những dấu hiệu này cho thấy kinh tế tập thể, HTX đang bắt nhịp với xu hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Vườn mít đầu dòng của HTX Nông lâm nghiệp kinh doanh dịch vụ Đồng Tròn (huyện Tây Hòa). Ảnh: MINH DUYÊN

Vườn mít đầu dòng của HTX Nông lâm nghiệp kinh doanh dịch vụ Đồng Tròn (huyện Tây Hòa). Ảnh: MINH DUYÊN

Tiếp cận ngày càng nhiều hơn

Quá trình sản xuất xanh của các HTX được bắt đầu từ những mô hình nhỏ như: Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”... đến nay nâng cao bằng cách áp dụng các tiêu chuẩn VietGap, GlobalGAP, Organic... Quá trình này gắn với quá trình thay đổi nhận thức và hành động từ sử dụng thuốc trừ sâu đúng liều lượng, đúng quy trình sinh trưởng của cây đến trồng trọt và chăn nuôi hữu cơ, hình thành mô hình tuần hoàn trong sản xuất.

Trên địa bàn tỉnh, có thể kể tới mô hình trồng rau sạch tại các HTX gồm HTX Dịch vụ nông nghiệp Tây Hòa An (huyện Phú Hòa), HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Bình Ngọc (TP Tuy Hòa), HTX Nông nghiệp và dịch vụ BB (huyện Sơn Hòa)...

Mô hình lúa chất lượng cao được triển khai tại HTX Nông nghiệp An Nghiệp (huyện Tuy An), HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Hòa Thành (TX Đông Hòa)... Mô hình cây ăn trái sạch do các HTX ở huyện Phú Hòa như HTX Nông nghiệp và dịch vụ tổng hợp khóm Hòa Quang, HTX Nông nghiệp công nghệ cao Dũng Lỗ Chài, HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Đồng Din... thực hiện. Mô hình chăn nuôi hữu cơ có HTX Nông nghiệp hữu cơ An Xuân Phát (huyện Tuy An).

HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Đồng Din với mô hình sản xuất tuần hoàn được UBND tỉnh tặng Giải thưởng môi trường Phú Yên lần thứ IV năm 2024.

Ông Nguyễn Hoàng Chương, Giám đốc HTX này cho biết: HTX xây dựng mô hình tuần hoàn trên cây khóm. Trong đó, khóm sau thu hoạch phần thịt dùng làm khóm sấy, nước ép và bánh khóm. Phần bã, lõi, vỏ trái khóm, HTX ngâm ủ làm nước tẩy rửa sinh học. Ngoài ra, các phần rác thải khác, HTX ủ trong thùng ủ hữu cơ, tạo ra phân hữu cơ bón lại cho cây khóm. Từ đây, cây trồng phát triển tốt, vùng trồng được bảo vệ môi trường, HTX thì có nguồn thu từ bán các sản phẩm từ khóm.

Còn tại HTX Nông nghiệp hữu cơ An Xuân Phát, để có gà sạch thay vì dùng cám công nghiệp, HTX sử dụng bắp, cám cùng với rau củ xay thành thức ăn hỗn hợp cho gà. Cùng với đó, gà được nuôi trên đệm lót sinh học và chuồng nuôi vệ sinh sạch sẽ với số lượng gà trên diện tích chuồng bảo đảm không gian sống, hạn chế dịch bệnh.

Theo bà Phạm Thị Ngọc Thúy, Giám đốc HTX này, nuôi cầu kỳ như vậy mất nhiều thời gian và công sức nhưng bù lại cho sản phẩm gà sạch được người tiêu dùng ưa chuộng. Hơn hết, từ nguyên liệu sạch này, HTX đầu tư chế biến cho ra thị trường 2 sản phẩm là gà ủ muối ớt xiêm và khô gà đi bộ.

Hướng đến các giải pháp xanh bền vững

Nhiều HTX áp dụng công nghệ cao vào khai thác, chế biến như là giải pháp phát triển bền vững.

Theo ông Lê Hải Đăng, Giám đốc HTX Cá ngừ công nghệ cao Phú Yên (TP Tuy Hòa), từ khi thành lập đến nay, HTX không ngừng cải tiến công nghệ khai thác và bảo quản để tăng độ tươi ngon cho cá cũng như bảo đảm sức khỏe cho thuyền viên. HTX cũng đầu tư thay thế tàu nhỏ bằng tàu lớn có gắn thiết bị định vị, quản lý hành trình và đặc biệt sử dụng công nghệ cấp đông trên tàu với khoang chứa bảo quản cá ngừ từ 70-80 tấn. Công nghệ vừa giúp HTX khai thác hiệu quả, vừa có sản phẩm chất lượng tốt, lại bảo vệ được môi trường biển.

Theo Liên minh HTX tỉnh, kinh tế xanh đang là xu hướng của thời đại, mang tầm vóc toàn cầu. Kinh tế tập thể, HTX cũng như các thành phần kinh tế khác không nằm ngoài xu hướng này. Các HTX ở tỉnh muốn phát triển bền vững, phải thay đổi phương thức sản xuất theo hướng tuần hoàn và bảo vệ môi trường. Điều này vừa là thách thức, vừa mang lại nhiều cơ hội cho các HTX. Một trong những cơ hội đó là tăng giá trị các sản phẩm HTX, đa dạng sản phẩm hàng hóa, củng cố tính bền vững của chuỗi giá trị nông sản...

Còn bà Lương Thị Trúc Hồ, Giám đốc HTX Nông lâm nghiệp kinh doanh dịch vụ Đồng Tròn (huyện Tây Hòa) cho biết: Trong quá trình thuần hóa giống cây nông lâm nghiệp và giống hoa các loại, HTX dùng phương pháp thân thiện với môi trường kết hợp với công nghệ tiên tiến.

Cụ thể, các giá thể đất được làm từ mùn, trấu và phân hữu cơ theo tỉ lệ chuẩn kết hợp với công nghệ tưới để cung cấp một lượng nước phù hợp với nhu cầu sinh trưởng, phát triển của cây. Điều này giúp giảm lượng nước tưới so với bơm tưới vòi ào ào như cũ cũng như tăng độ phì nhiêu cho đất khi không sử dụng phân hóa học. Cây nhờ vậy thích nghi tốt với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng địa phương nên tỉ lệ sống cao khi tới tay khách hàng.

HTX cũng đang hướng tới chủ động nguồn vật liệu nhân giống bằng phương pháp vô tính từ cây đầu dòng. Hiện, HTX có vườn mít với 10 loại mít làm vườn đầu dòng để tạo ra các giống cây mít chất lượng cao.

MINH DUYÊN

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/82/325210/xu-huong-kinh-te-xanh-tai-cac-hop-tac-xa.html
Zalo