Xu hướng hạn chế thanh thiếu niên dùng điện thoại và MXH lan rộng khắp thế giới
Hãng tin Anadolu ghi nhận trong bối cảnh rủi ro mà trẻ em và thanh thiếu niên phải đối mặt khi điện thoại thông minh và mạng xã hội ngày càng phổ biến trở thành tâm điểm toàn cầu, hàng loạt quốc gia không ngần ngại áp đặt hạn chế nghiêm ngặt để bảo vệ thế hệ tương lai.
Ngày nay, thanh thiếu niên dành rất nhiều thời gian cho thiết bị điện tử. Tình trạng này làm dấy lên lo ngại nạn bắt nạt trực tuyến, thông tin sai lệch, quan điểm thù địch, nội dung khiêu dâm, nạn xâm phạm quyền riêng tư, mất an ninh mạng tràn lan mất kiểm soát. Lo ngại này đã thúc đẩy hàng loạt quốc gia triển khai biện pháp mạnh tay.
Tại châu Âu, giới chính trị gia đề xuất nâng độ tuổi giới hạn sử dụng mạng xã hội lên 15 hoặc 16 vì các nền tảng không tuân thủ đúng mức giới hạn 13 tuổi do chính họ đặt ra. Úc cũng đang soạn thảo luật quy định tuổi sử dụng.
Quy định tuổi sử dụng mạng xã hội
Thủ tướng Úc Anthony Albanese mới đây bày tỏ lo ngại mạng xã hội đang khiến trẻ em xa rời cuộc sống thực, gia đình lẫn bạn bè. Ông chuẩn bị công bố dự luật về thực thi giới hạn tuổi sử dụng vào cuối năm nay. Hiện giới chức nước này đang thảo luận nhóm tuổi chịu giới hạn.
Song song với dự luật tuổi sử dụng, Úc còn đưa ra dự luật cho phép chính phủ gây sức ép với các nền tảng mạng xã hội buộc họ ngăn chặn thông tin sai lệch.
Hạn chế dùng điện thoại
Làn sóng ban hành lệnh cấm liên quan đến điện thoại bắt đầu từ cuối những năm 1980 - đầu những năm 1990 ở Bắc Mỹ. Nhiều học khu ban hành luật cấm học sinh dùng điện thoại di động hay máy nhắn tin trong trường.
Tại Mỹ, thời gian gần đây, quan chức tư pháp 42 tiểu bang thúc giục quốc hội yêu cầu các nền tảng mạng xã hội phải ra cảnh báo về tác động sức khỏe tâm thần với trẻ em.
Bên kia Đại Tây Dương, một số nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) ban hành lệnh cấm sử dụng điện thoại thông minh trong trường để đối phó nạn nghiện thiết bị điện tử và bắt nạt trực tuyến.
Tại Ý, một bản kiến nghị cấm trẻ em sử dụng điện thoại thông minh cũng như tạo tài khoản mạng xã hội làm dấy lên tranh luận sôi nổi.
Tại Hà Lan, chính sách loại bỏ điện thoại khỏi trường mở rộng từ trung học sang tiểu học nhằm tránh cho học sinh mất tập trung.
Mạng lưới Giáo dục Wallonia-Brussels (WBE) quản lý các trường nói tiếng Pháp tại Bỉ sau đó ra quyết định tương tự Hà Lan.
Ở Hy Lạp, học sinh được phép mang điện thoại đến trường nhưng không được phép lấy ra khỏi cặp.
Ở Ireland đang có tranh luận về việc cấm học sinh dưới 16 tuổi dùng điện thoại thông minh.
Hạn chế mạng xã hội với nhiều lý do
Gần đây Brazil tạm thời chặn X vì nền tảng mạng xã hội này tuân thủ luật chống thông tin sai lệch của họ.
Ấn Độ vào năm 2020 cấm hàng loạt ứng dụng như TikTok hay WeChat do lo ngại về an ninh quốc gia và quyền riêng tư.
Mỹ cấm cài đặt TikTok trên thiết bị công. Anh, Pháp, Bỉ cùng nhiều nước châu Âu khác cũng ban hành lệnh cấm với TikTok và các nền tảng tương tự.
Tại Iran, quyền truy cập mạng xã hội như Facebook, X, YouTube bị hạn chế vì lý do đạo đức và an ninh quốc gia.
Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) cũng hạn chế truy cập WhatsApp, Skype, Facetime một phần.
Tại Ai Cập, người dùng mạng xã hội có hơn 5.000 người theo dõi phải đăng ký với cơ quan quản lý truyền thông và tuân thủ luật truyền thông.