Xu hướng giảm sinh ở Việt Nam

Duy trì vững chắc mức sinh thay thế là mục tiêu đầy thách thức nhưng chỉ có đạt được mục tiêu này, đất nước mới có thể phát triển bền vững.

Học sinh tại một trường tiểu học ở TP HCM trong lễ khai giảng

Học sinh tại một trường tiểu học ở TP HCM trong lễ khai giảng

NHỮNG THÁCH THỨC CỦA XU HƯỚNG GIẢM SÂU MỨC SINH

Suốt 45 năm kiên trì và đẩy mạnh kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam đã đạt được mục tiêu giảm sinh vào năm 2005, khi mức sinh giảm xuống xấp xỉ 2,1 con/bà mẹ (mức sinh thay thế) và được duy trì cho đến nay. Việc sinh đẻ đã chuyển từ hành vi mang tính tự nhiên, bản năng sang hành vi có kế hoạch, văn minh; từ bị động sang chủ động; từ số lượng nhiều, chất lượng thấp sang số lượng ít, chất lượng cao; từ sinh đẻ ít trách nhiệm sang sinh đẻ có trách nhiệm đầy đủ hơn. Đây thực sự là một trong những biến đổi xã hội sâu sắc nhất ở Việt Nam gần 80 năm qua, có tác động sâu rộng, tích cực đến chất lượng cuộc sống của mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng và sự phát triển bền vững của đất nước.

Tuy nhiên, mức sinh của Việt Nam đang có xu hướng giảm sâu dưới “mức thay thế”. Trong 19 năm, từ khi đạt mức sinh thay thế (2005) đến năm 2023, đã có 15 năm, mức sinh thấp hơn “mức thay thế”. Đặc biệt, toàn bộ khu vực thành thị và Nam Bộ, khoảng 25 năm nay đã đạt và giảm sâu dưới mức thay thế. Năm 2023, bình quân mỗi phụ nữ tính đến hết tuổi sinh đẻ khu vực thành thị chỉ còn 1,7 con; ở nông thôn là 2,07 con/phụ nữ; ở Đông Nam Bộ là 1,47 con; ở đồng bằng sông Cửu Long là 1,54 con.

Trong bối cảnh đô thị hóa, hiện đại hóa, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ngày càng được khẳng định, xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, mức sinh sẽ tiếp tục giảm, nếu không có những chính sách mới ứng phó, ngăn chặn xu hướng này. Mức sinh ở một số vùng, một số tỉnh của Việt Nam đã giảm sâu nhưng tính bình quân trên phạm vi cả nước thì vẫn xoay quanh “mức sinh thay thế”. Vì vậy, thách thức nghiêm trọng của vấn đề này chưa bộc lộ hết. Tuy nhiên, bài học kinh nghiệm của các nước đã phát triển có văn hóa tương đồng, có thể cảnh báo những thách thức do xu hướng giảm sâu mức sinh gây ra, cả ở tầm vĩ mô và tầm vi mô.

Trước hết, ở tầm vĩ mô, nhiều nước có mức sinh thấp, kéo dài đang gánh chịu hậu quả dân số giảm, thiếu lao động, tỷ lệ người già cao, tăng trưởng kinh tế chậm lại, thậm chí tăng trưởng âm,... Ở Nhật Bản, năm 1960, đạt mức sinh thay thế, sau đó giảm liên tục, năm 2022 chỉ còn 1,26 con/phụ nữ. Vì vậy, dân số nước này đã giảm từ 128,1 triệu năm 2010 xuống 125,1 triệu năm 2022 và dự báo, năm 2100 chỉ còn 50 triệu, nghĩa là chỉ bằng 40% tổng dân số hiện nay. Điều này đồng nghĩa với cơ sở vật chất - kỹ thuật tạo ra hiện nay, trong tương lai sẽ chỉ sử dụng hết 40% công suất, gây lãng phí nghiêm trọng. Nhiều cơ sở y tế, giáo dục,… sẽ bị đóng cửa. Vì có mức sinh thấp, kéo dài nên Nhật Bản đang thiếu lao động. Nhiều tỉnh, tỷ lệ thiếu hụt lao động ở mức hơn 20%, thậm chí là hơn 30%. Hiện nay, Nhật Bản phải nhập khẩu lao động; năm 2022, số lao động nước ngoài làm việc ở đây là 2,04 triệu người! Dự báo, năm 2040, Nhật Bản thiếu khoảng 11 triệu lao động. Ở Hàn Quốc, Bộ trưởng Tư pháp Hàn Quốc, ông Han Dong-hoon đã phát biểu trước công chúng vào tháng 7/2023: “Không có người nhập cư, Hàn Quốc không có tương lai”.

Mức sinh thấp là một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến già hóa dân số và dân số già. Mức sinh giảm, tỷ lệ trẻ em trong tổng dân số giảm nên tỷ lệ người trong độ tuổi lao động và người cao tuổi tăng lên dẫn đến già hóa dân số. Nhật Bản thuộc nhóm nước có tỷ lệ người già cao nhất thế giới. Hiện nay, Nhật Bản có hơn 36 triệu người trên 65 tuổi, chiếm hơn gần 30% tổng dân số; tỷ lệ này sẽ đạt tới 37% vào năm 2050 (Việt Nam mới có 7,7% vào năm 2019).Tình trạng dân số nói trên góp phần chấm dứt giai đoạn “phát triển thần kỳ” của Nhật Bản.

Ở tầm vi mô, mức sinh quá thấp (1 con), kéo dài sẽ dẫn đến “hội chứng 4-2-1”, nghĩa là 4 ông bà nội, ngoại; 2 bố mẹ và 1 đứa con. “Con một” khi còn nhỏ được 6 người chăm sóc (bố mẹ và ông bà nội ngoại); lớn lên lại có trách nhiệm chăm sóc 6 người. Được nhiều người chăm sóc và phải chăm sóc nhiều người đều bất lợi cho sự phát triển của “con một” nói riêng và chất lượng cuộc sống của gia đình nói chung. Số liệu thống kê thể hiện rõ xu hướng, mức sinh càng thấp, tỷ lệ trẻ thừa cân/béo phì càng cao. Năm 2020, thành phố Hồ Chí Minh có mức sinh thấp nhất cả nước (1,56 con/phụ nữ) cũng là địa phương cõ tỷ lệ trẻ thừa cân/béo phì lên tới 14,7% - gấp đôi tỷ lệ này của toàn quốc! Thực tế ở nước ta cũng cho thấy, nhiều bố mẹ một con trở nên “trắng tay”, khi con cái bị tai nạn hoặc bệnh tật dẫn đến tử vong. Bên cạnh đó, ở nhiều địa phương của nước ta, mức sinh giảm, thấp kéo theo số học sinh tiểu học, trung học cơ sở giảm mạnh dẫn đến phải ghép các trường của hai xã/phường thành một trường mới.

ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP ĐỂ DUY TRÌ MỨC SINH THAY THẾ

Nhằm duy trì vững chắc mức sinh thay thế, cần quán triệt sâu sắc quan điểm của Nghị quyết 21-NQ/TW khóa XII về “Công tác dân số trong tình hình mới”: “Dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác dân số là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết vừa lâu dài; là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân”.

Từ thực tế ở nước ta và kinh nghiệm quốc tế về vấn đề này, có thể nêu những giải pháp trọng tâm trong thời gian tới như sau:

Một là, đẩy mạnh nghiên cứu, truyền thông về xu hướng giảm sâu mức sinh ở nước ta.

Hơn 60 năm qua, mục tiêu chủ yếu của chính sách dân số ở nước ta là giảm sinh. Vì vậy, các nghiên cứu thường hướng đến phát hiện nguyên nhân và hậu quả của mức sinh cao. Với những dấu hiệu mức sinh đã giảm sâu, để có căn cứ khoa học và thực tiễn phục vụ truyền thông hiệu quả và hoạch định chính sách dân số phù hợp, cần thực hiện các nghiên cứu làm rõ thực trạng, phát hiện đầy đủ nguyên nhân, hậu quả của tình trạng mức sinh thấp và giải pháp cho vấn đề này, nhất là kinh nghiệm quốc tế.

Sử dụng đa dạng kênh truyền thông, truyền đạt thông điệp “Sinh đủ 2 con” và “Chung tay nuôi, dạy trẻ”. Tạo những diễn đàn để người dân, nhất là các bạn trẻ thảo luận về hậu quả trước mắt và lâu dài của kết hôn muộn, sinh đẻ ít đối với cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội. Từ đó, có thái độ và hành vi hợp lý trong lĩnh vực hôn nhân và sinh sản.

Hai là, đổi mới chính sách, pháp luật liên quan đến mức sinh.

Nghị quyết 21-NQ/TW khóa XII yêu cầu: “Rà soát, điều chỉnh hoặc bãi bỏ một số quy định về xử lý vi phạm trong công tác dân số; đồng thời đề cao tính gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện chính sách dân số, xây dựng gia đình văn hóa, hạnh phúc”. Đối với lĩnh vực sinh sản, có thể bãi bỏ quy định “mỗi cặp vợ chồng sinh một hoặc hai con” và xử lý vi phạm sinh con thứ 3 trở lên. Có cơ sở để khẳng định rằng, việc bãi bỏ những quy định này không làm dân số “bùng nổ”. Hiện nay, hầu hết phụ nữ sinh con ở độ tuổi dưới 35. Đây là thế hệ sinh ra và lớn lên sau Đổi mới, trong thời kỳ đẩy mạnh Kế hoạch hóa gia đình, thế hệ Internet nên có xu hướng sinh ít con. Hơn nữa, thực tế, đã gần 20 năm, nước ta đã duy trì được “mức sinh thay thế”; mô hình “gia đình nhỏ, 1 hoặc 2 con” đã trở nên phổ biến. Ngay từ năm 2003, khi Điều 10 Pháp lệnh Dân số quy định mỗi cặp vợ chồng và cá nhân có quyền: “Quyết định về thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh…” thì từ năm 2004 mức sinh vẫn giảm liên tục. Năm 2008 khi Pháp lệnh sửa đổi Điều 10 của Pháp lệnh Dân số quy định “mỗi cặp vợ chồng sinh một hoặc hai con” thì mức sinh vẫn dưới mức thay thế, chỉ có 2,08 con/phụ nữ. Trung Quốc sau khi bỏ “chính sách 1 con” mức sinh cũng không tăng trở lại. Trong bối cảnh và kinh nghiệm nêu trên, việc bãi bỏ kiểm soát mức sinh là hoàn toàn cần thiết.\

Ba là, đảm bảo an sinh xã hội cho người cao tuổi.

Già hóa dân số là hậu quả trực tiếp của mức sinh thấp nhưng già hóa dân số cũng là một trong những nguyên nhân của tình trạng này. Năm 2021, chỉ có gần 46% người cao tuổi có thu nhập thường xuyên (lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hưu trí xã hội) với mức hưởng còn thấp. Đa số người cao tuổi mắc bệnh mãn tính và chủ yếu sống cùng con. Bối cảnh này, nếu không có sự hỗ trợ từ phía nhà nước, xã hội, thì các gia đình trẻ sẽ gặp khó khăn lớn trong việc đảm đương “vai trò kép” vừa phụng dưỡng cha mẹ già, vừa chăm sóc trẻ nhỏ. Do đó, họ sẽ lựa chọn sinh ít con. Rõ ràng, già hóa dân số lại trở thành một trong những nguyên nhân dẫn đến mức sinh thấp. Vì vậy, tăng cường an sinh xã hội cho người cao tuổi là một trong những giải pháp nâng cao mức sinh, đảm bảo “duy trì mức sinh thay thế”. Điều này trước hết đòi hỏi nâng cao tỷ lệ người cao tuổi có thu nhập thường xuyên. Cần hạ tiêu chuẩn về tuổi được hưởng trợ cấp xã hội. Ngay từ năm 1967, khi GDP bình quân đầu người của thế giới chỉ có 664 USD nhưng Công ước quốc tế về “trợ cấp tàn tật, tuổi già và tiền tuất” đã đề nghị các Chính phủ trợ cấp cho những người từ 65 tuổi trở lên. Trong khi đó, năm 2022, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đạt mức 4.163 USD nhưng vẫn duy trì quy định của Luật Người cao tuổi, đủ 80 tuổi trở lên mới được hưởng chính sách trợ cấp xã hội hằng tháng. Mặt khác, tuổi thọ bình quân theo giới, theo địa phương rất khác nhau. Năm 2019, tuổi thọ của phụ nữ ở Thành phố Hồ Chí Minh là 79,3; trong khi đó, tuổi thọ của nam giới ở Lai Châu chỉ có 62,9 năm nhưng hai nhóm dân cư này đều có chuẩn chung để được hưởng trợ cấp xã hội là 80 tuổi. Vì vậy, cần phân biệt “chuẩn về tuổi được hưởng trợ cấp xã hội” trên cơ sở tuổi thọ trung bình của các tỉnh.

Bốn là, Nhà nước cần hỗ trợ khi gia đình nuôi con nhỏ.

Nếu việc sinh con không chỉ mang lại lợi ích cho cặp vợ chồng, cho gia đình mà còn mang lại lợi ích cho xã hội, cung cấp nguồn nhân lực cho xã hội, “là yếu tố quan trong hàng đầu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” thì đương nhiên, việc nuôi dạy trẻ em không thể chỉ là trách nhiệm của gia đình. Đặc biệt là khi “chi phí nuôi dạy con” ngày càng lớn so với thu nhập của vợ chồng trẻ. Vì vậy, nhà nước, gia đình và xã hội cần “chung tay nuôi, dạy trẻ”, cần đa dạng hóa các hình thức chia sẻ “chi phí nuôi, dạy con” với các cặp vợ chồng, như: Trợ cấp một lần, trợ cấp hằng năm; giảm thuế thu nhập cá nhân; miễn, giảm nghĩa vụ đóng góp trong cộng đồng khi nuôi con nhỏ; miễn giảm học phí,…

Năm là, phát triển hệ thống dịch vụ hỗ trợ gia đình.

Ngày nay, đa số phụ nữ, nhất là phụ nữ trẻ tham gia hoạt động kinh tế, xã hội. Khi con nhỏ và nếu phải chăm sóc thêm người cao tuổi, công việc của họ tăng gấp đôi, gấp ba. Vì vậy, phát triển hệ thống dịch vụ đa dạng hỗ trợ gia đình, đặc biệt là hệ thống nhà trẻ; mở rộng dịch vụ giáo dục sau giờ học chính khóa; nhà dưỡng lão; mua sắm và chế biến thực phẩm,… làm giảm “gánh nặng nội trợ” là hoàn toàn cần thiết để phụ nữ nói riêng và cặp vợ chồng nói chung có thể yên tâm “sinh đủ 2 con”.

Sáu là, cặp vợ chồng nuôi con nhỏ được hưởng chế độ làm việc linh hoạt.

Đa dạng hóa chế độ nghỉ việc có lương khi mang thai, sinh đẻ, con ốm; cặp vợ chồng đang nuôi con nhỏ cần được hưởng chế độ làm việc linh hoạt, như: Giảm giờ làm, đi muộn, về sớm; nghỉ không lương, làm việc tại nhà,… Tại Hàn Quốc, lao động nữ được hưởng chế độ nghỉ thai sản 90 ngày; lao động nam có vợ sinh con cũng được hưởng chế độ nghỉ phép 10 ngày. Thời gian nghỉ chăm con lên tới 1 năm cho cả lao động nam và nữ. Người lao động có thể chọn thời điểm thích hợp để nghỉ chăm sóc con cho đến trước khi con cái họ lên 8 tuổi.

Bảy là, hỗ trợ sinh sản, chữa trị vô sinh, hiếm muộn.

Hằng năm, nước ta có hơn 1 triệu cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn (chiếm tỷ lệ khoảng 7,7%). Do vậy, hỗ trợ cả kỹ thuật và tài chính cho việc chữa trị vô sinh, hiếm muộn là nhu cầu lớn, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc và là giải pháp nâng cao mức sinh.

Khi mức sinh giảm sâu, nhiều Chính phủ mới có chính sách quyết liệt nhằm đưa mức sinh tăng lên. Sự muộn màng của chính sách đã hạn chế hiệu quả khuyến sinh. Đây là bài học sâu sắc và đắt giá. Vì vậy, ngay từ bây giờ, Việt Nam nên khởi động xây dựng môi trường xã hội thuận lợi cho việc sinh đẻ và nuôi dạy trẻ em. Trong đó, nhà nước, xã hội, doanh nghiệp, gia đình cùng chia sẻ “chi phí nuôi, dạy con” với cặp vợ chồng trẻ. Tạo điều kiện để các cặp vợ chồng trẻ bình đẳng trong chăm sóc con; phụ nữ hài hòa được giữa công việc và chăm sóc trẻ. Duy trì vững chắc mức sinh thay thế là mục tiêu đầy thách thức nhưng chỉ có đạt được mục tiêu này, đất nước mới có thể phát triển bền vững./.

GS. TS. NGUYỄN ĐÌNH CỬ

Nguồn Tuyên Giáo: https://www.tuyengiao.vn/xu-huong-giam-sinh-o-viet-nam-155406
Zalo