Xu hướng chứng khoán 8/4, chờ tin đàm phán Việt - Mỹ
Thị trường chứng khoán (VN-Index) đã trải qua hai phiên giảm điểm cực mạnh, trước chính sách áp thuế của Mỹ lên đến 46% với Việt Nam. Do đó, xu hướng thị trường sẽ phụ thuộc vào tin tức từ bàn đàm phán Việt - Mỹ có tích cực hay không.
Chứng khoán Việt Nam vừa trải qua cú sốc mạnh nhất từ khi lên sàn - bốc hơi 88 điểm với thanh hoản trên 40.000 tỷ đồng trên toàn thị trường. Đây chắc chắn là dấu mốc không thể nào quên với nhà đầu tư cổ phiếu.

Bảng nhiệt VN-Index phiên 4/4.
Phiên cuối tuần (4/4), chứng khoán có sự hồi phục trở lại và đà lao dốc có phần giảm tốc khi vươn từ 1.162 điểm lên 1.210 điểm, tỷ lệ tương đương 1,56% so với mở cửa.
Phiên hồi phục của thị trường có sự phân hóa rõ ràng với công đỡ thị trường thuộc về nhóm cổ phiếu ngân hàng và nhóm có vốn hóa lớn như VIC tăng 3,74%, SHB 2,99%, STB 2,33%, VCI 1,93%, LPB 6,98%, SSB 2,67%...
Không phải tất cả cổ phiếu ngân hàng đạt sắc xanh, song phần lớn cổ phiếu thuộc nhóm này có sự hồi phục mạnh và vươn đến sấp xỉ vùng tham chiếu như VCB của Vietcombank, BID của BIDV, MBB của Ngân hàng Quân đội... Sự hồi phục này ghánh cả thị trường, giúp chỉ số VN-Index không bị giảm sâu.
Tâm điểm thị trường hiện vẫn rơi vào nhóm cổ phiếu chịu ảnh hưởng bởi lệnh áp thuế của Mỹ. Trong đó, nhóm cổ phiếu ngành thủy sản như MPC, VHC, FMC, ANV, ASM... giảm hết biên độ với lực bán tháo cực lớn.
Nhóm cổ phiếu ngành dệt may cũng chịu chung số phận như thủy sản khi Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Các cổ phiếu lớn như TCM, TNG, GIL... bị bán tháo cực mạnh. Đây là những doanh nghiệp có thị trường chủ yếu ở Mỹ. Hoặc như GIL là doanh nghiệp chuyên sản xuất các đơn hàng cho đối tác thương mại điện tử như Amazon cũng chịu ảnh hưởng rất lớn từ thuế quan.
Đáng chú ý, nhóm cổ phiếu ngành bất động sản cũng phản ứng tiêu cực trên thị trường. Trên bảng điện tử, ngoài cổ phiếu họ nhà Vin như VIC, VHM hay cổ phiếu HBC thì hầu hết đều nằm sàn.
Các mã như KBC, KSB, DIG, CII, NVL, HTN... đều rơi vào tình trạng giảm hết biên độ và trắng bên mua.
Lý giải cho sự sụt giảm của các nhóm ngành, nhà đầu tư Nguyễn Anh Tuấn (Hà Nội) cho rằng: Tình hình sẽ phụ thuộc vào cuộc đàm phán Việt - Mỹ về thuế quan. Trong trường hợp thuận lợi, các nhóm ngành có tỷ lệ nguyên liệu trong nước cao, nguyên liệu nhập từ Mỹ và sản xuất tại Việt Nam có thể sẽ chịu mức thuế quan dễ chịu hơn. Còn đối với nhóm doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu nhiều từ Trung Quốc hoặc các doanh nghiệp Trung Quốc sản xuất tại Việt Nam có thể bị mức thuế cao hơn. Còn với trường hợp Mỹ từ chối cắt giảm thuế quan thì có thể thị trường sẽ trải qua những biến động lớn.
Đối với nhóm ngành bất động sản, giới phân tích đánh giá, đây là kênh đầu tư được nhiều người yêu thích và sẽ chịu tác động mạnh. Đầu tiên là nhóm bất động sản khu công nghiệp, sau đó đến bất động sản nhà ở. Vì vậy, nhóm cổ phiếu này phản ứng tiêu cực là điều dễ hiểu.
Về xu hướng thị trường, chuyên gia nhận định, VN-Index đã trải qua phiên hồi phục từ cú sốc thuế quan. Tuy nhiên, đà hồi phục chưa thực sự bền vững khi chỉ số hoảng loạn của nhà đầu tư vẫn bao trùm. Sắc đỏ chiếm ưu thế với thanh khoản dâng cao. Do đó, nhà đầu tư cần thận trọng, theo dõi sát tin tức đàm phán Việt - Mỹ về tình hình thuế quan để tạo dựng vị thế tốt trên thị trường.