Xứ dừa Bến Tre đang viết tiếp một phong trào 'Đồng khởi mới'
Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bến Tre đang tiếp tục ra sức thi đua, tăng tốc trong phong trào 'Đồng khởi mới'.
Để làm nên đại thắng mùa Xuân 1975, Bắc - Nam sum họp một nhà là cả một quá trình chiến đấu, hy sinh đầy gian khổ, mất mát của quân - dân ta dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng, Bác Hồ, sự đoàn kết, đồng lòng của toàn dân.
Ở chiến trường Miền Nam, phong trào Đồng khởi 1960 tại Bến Tre là minh chứng cho sức mạnh của toàn dân tộc, đánh dấu bước phát triển của cách mạng miền Nam chuyển từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công. Đây là một mốc rất quan trọng, là một hiện tượng lịch sử độc đáo, sáng tạo của cách mạng miền Nam nói chung và Bến Tre nói riêng, góp phần rất lớn vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Các bà, các cô có mặt trong phong trào "Đồng Khởi" ở Bến Tre năm 1960.
Phong trào Đồng khởi làm nên thương hiệu xứ dừa
Phong trào Đồng khởi Bến Tre diễn ra từ ngày 17/1/1960, rất khí thế ở các xã Định Thủy - Phước Hiệp - Bình Khánh, huyện Mỏ Cày (nay là huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre). Lực lượng ta đã đứng lên bao vây đồn bốt, bắt, trừng trị những tên ác ôn và thu nhiều vũ khí của kẻ thù. Sau đó, phong trào Đồng khởi đã sôi sục, lan rộng ra các địa phương khác của tỉnh Bến Tre như Giồng Trôm, Thạnh Phú, Ba Tri… và giành được nhiều thắng lợi.

Các dì, các cô trong “ Đội quân tóc dài” năm xưa chụp ảnh lưu niệm.
Từ phong trào Đồng khởi Bến Tre, các cuộc nổi dậy chống chính quyền tay sai lan rộng khắp các tỉnh miền Nam. Đến cuối năm 1960, ở nhiều nơi, quân dân ta đã giành được quyền làm chủ. Thắng lợi của cuộc Đồng khởi ở Bến Tre 1960 đã phá vỡ bộ máy kìm kẹp của địch, là mũi đột phá, mở màn cho cao trào mới của cách mạng miền Nam chuyển từ thế phòng ngự, gìn giữ lực lượng sang thế tiến công và liên tiếp tiến công địch, giành thắng lợi.
Theo ông Trần Ngọc Tam, Phó Bí Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, phong trào Đồng khởi Bến Tre nổ ra và thắng lợi trong điều kiện hết sức khó khăn, dù tỉnh Bến Tre lúc ấy chỉ có 18 Chi bộ với 182 đảng viên nhưng đã lãnh đạo quần chúng nhân dân làm nên cuộc Đồng khởi “long trời, lở đất”.
Để phong trào Đồng khởi đảm bảo thắng lợi, điểm mấu chốt là phải tin, dựa vào lực lượng quần chúng, phát động quần chúng nổi dậy: đồng lòng, đồng loạt, kết hợp đấu tranh chính trị với vũ trang. Với nhiều hình thức nghi binh, nghi trang của Tiểu đoàn 502 trong điều kiện tỉnh chưa có lực lượng vũ trang tập trung. Đồng thời, kết hợp với cơ sở nội tuyến, bứt hàng, bứt rút đồn bốt của địch. Sau hội nghị của Tỉnh ủy Bến Tre, công tác chuẩn bị được tiến hành rất khẩn trương. Nghị quyết được truyền đạt rộng rãi đến nhân dân thông qua cán bộ đảng viên nên ta đã dành được thế chủ động bất ngờ.
Phong trào Đồng khởi đã khẳng định đường lối chính trị, quân sự đúng đắn của Đảng ta, chủ nghĩa yêu nước Việt Nam; đó là thắng lợi của đức hy sinh, bản lĩnh dám nghĩ, dám làm, năng lực vận động quần chúng, tổ chức lực lượng của các cấp ủy Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Đặc biệt tại Bến Tre, việc cài cắm lực lượng ta vào các tổ chức nội tuyến đã phát huy hiệu quả làm cho địch không kịp trở tay. Đại tá Phan Văn Thậm, tức ông Tư Định (86 tuổi, ở xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre), nguyên Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bến Tre - nhân chứng lịch sử trong phong trào Đồng khởi chia sẻ: "Nhiều đồng chí thời bấy giờ hoạt động rất khó khăn, phải bố trí phân tán ở các ấp, cài cắm làm nội tuyến trong hàng ngũ địch, nhưng anh em vẫn hoạt động tích cực. Đây cũng là cơ sở vô cùng quan trọng để lãnh đạo nhân dân nổi dậy khi có điều kiện. Cơ sở nội tuyến nhận sự chỉ đạo thường xuyên của Chi bộ, mọi hoạt động đều đảm bảo bí mật và an toàn".
Trong phong trào “Đồng khởi” ở Bến Tre bùng nổ còn có sự ra đời của “đội quân tóc dài’- là tổ chức quần chúng thu hút đông đảo các bà, các cô tham gia do nữ tướng Nguyễn Thị Định sáng lập và chỉ huy đã đấu tranh chính trị kết hợp vũ trang với danh nghĩa là “tản cư ngược” để tránh cuộc hành quân càn quét của địch. Phong trào đấu tranh của “Đội quân tóc dài” đã làm cho địch hoang mang, khiếp sợ và dùng mọi hình thức để hòng đàn áp phong trào đấu tranh đó.
Bà Phan Thị Thanh (77 tuổi ở thị trấn Bình Đại, huyện Bình Đại) chia sẻ: “Tôi là con trong một gia đình cách mạng, từ chỗ nuôi chứa cách mạng rồi được các ông, các chú giáo dục. Tôi rất yêu thương những người "nằm hầm, ngủ đất" nên khi lớn lên quyết định đi chiến đấu. Hồi đó tuy còn nhỏ nhưng không sợ chết, như bao người khác chấp nhận hy sinh nên không có tính toán gì và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.
Phong trào Đồng khởi ở Bến Tre vào năm 1960 đã lan rộng đến các tỉnh, thành Nam bộ, nhiều phụ nữ trong "Đội quân tóc dài" còn đến tận Sài Gòn (nay là TP. Hồ Chí Minh) để tiếp tục đấu tranh làm cho quân thù một phen khiếp vía.
Bến Tre đẩy mạnh phong trào thi đua “Đồng khởi mới”, vững vàng bước vào kỷ nguyên vươn mình.
Đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xứ dừa luôn tự hào và phát huy truyền thống quê hương cách mạng Anh hùng, phong trào Đồng khởi 1960, cùng chung sức, chung lòng thực hiện phong trào “Đồng khởi mới” trong việc xây dựng, phát triển vùng quê này ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Ngành chế biến dừa phục vụ xuất khẩu tại Bến Tre.
Trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, thủy sản là thế mạnh của Bến Tre với diện tích gần 80 nghìn ha vườn dừa chuyên canh (lớn nhất cả nước) bờ biển dài 65 km, hơn 47.000 ha diện tích nuôi thủy sản. Diện tích trồng dừa tăng nhanh qua từng năm, năng suất dừa của tỉnh thuộc vào nhóm cao, với 9.863 trái/ha/năm, cao hơn mức bình quân của các nước thuộc Hiệp hội Dừa châu Á - Thái Bình Dương.
Năm 2024, xuất khẩu ngành dừa của Bến Tre đạt trên 450 triệu USD, chiếm hơn 25% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao gần đây tại địa phương rất được quan tâm, nhân rộng được trên 2.600 ha, đạt năng suất khoảng 60 - 70 tấn/ha, thu nhập mỗi ha gần 01 tỷ đồng.

Ngành du lịch của tỉnh Bến Tre phát triển mạnh những năm gần đây.
Đặc biệt ở Bến Tre đã và đang thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, năng lượng để tạo thu nguồn ngân sách. Đến nay, toàn tỉnh có trên 6.800 doanh nghiệp, trong đó hơn 4.200 doanh nghiệp đang hoạt động với tổng vốn đăng ký gần 56 nghìn tỷ đồng. Bến Tre đang triển khai quyết liệt kế hoạch xây dựng 100 doanh nghiệp dẫn đầu, với 22 doanh nghiệp hiện tại đã được xác định là nhóm dẫn đầu và 50 doanh nghiệp thuộc nhóm nguồn dẫn đầu. Những doanh nghiệp này đóng vai trò “đầu tàu”, dẫn dắt phát triển chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực như dừa, thủy sản, bưởi da xanh, sầu riêng...
Từ năm 2021, Tỉnh ủy Bến Tre còn có Nghị quyết số 04, phát triển tỉnh về hướng Đông giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, được xem là những bước đi đầu tiên trong chiến lược lấn biển và phát triển không gian kinh tế hướng Đông. Qua đó, tỉnh đã cấp chủ trương đầu tư và triển khai 19 dự án điện gió với tổng công suất 1.007,7MW. Hiện tại, có 9 dự án đã hoàn tất lắp đặt, với tổng đạt 374MW, nhân rộng gần 4000 ha tôm công nghệ cao...
Năm qua 2024, lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu của tỉnh vượt mốc 1,75 tỷ USD, tăng trưởng hơn 20% so với năm 2023, đứng thứ 3 ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Hệ thống hạ tầng nông thôn, điện đường, trường trạm của Bến Tre đã được đầu tư đồng bộ, đạt chuẩn, góp phần xây dựng tỉnh sớm đạt nông thôn mới.
Đến nay, toàn tỉnh đã có 118/132 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt trên 89,39%, vượt so với 80% và về đích trước 1 năm so chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh đề ra đến năm 2025. Các huyện huyện Châu Thành, Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc đã thực hiện đạt các yêu cầu theo Bộ tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao tỉnh Bến Tre giai đoạn 2021 - 2025. Huyện Mỏ Cày Bắc và Châu Thành đủ điều kiện đề nghị xét, công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2024; huyện Chợ Lách đủ điều kiện đề nghị xét, công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2024.

Ông Nguyễn Văn Bảy - nông dân tỷ phú ở xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre.
Từ phong trào thi đua “Đồng khởi mới”, đã xuất hiện nhiều nhân tố điển hình trong lao động sản xuất, làm giàu cho gia đình và đóng góp xây dựng quê hương, nổi bật như, ông Nguyễn Văn Bảy, nông dân tỉ phú ở xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm (tỉnh Bến Tre) sản xuất mô hình hơn 1 ha vườn cây ăn trái đa canh như: dừa, bưởi da xanh, cam, quít, cau theo hướng hữu cơ có nguồn thu nhập hơn 1 tỷ đồng năm. Khu vườn của ông nhiều năm qua không bị ảnh hưởng do hạn, mặn cho trái quanh năm.
Ông Bảy chia sẻ: “Nông dân thời nay khỏe lắm, nếu chăm chỉ, cần cù trong lao động, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất thì sẽ đạt hiệu quả, thoát nghèo khó mà còn vươn lên làm giàu. Nông dân chúng tôi hiện không chỉ làm ra sản phẩm để phục vụ nhu cầu trong nước mà phải hướng đến xuất khẩu để có thu nhập cao hơn”.
Hay, ông Lê Văn Sấm, nông dân tỷ phú nuôi tôm công nghệ cao ở xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú - đạt danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc” trong 100 nông dân tiêu biểu của cả nước. Hiện tại, ông đã nuôi trên 50 ha tôm công nghệ cao là nông dân nuôi tôm có quy mô lớn nhất tỉnh Bến Tre cho lãi trên 40 tỷ đồng/năm.
Ông Lê Văn Sấm cho biết: “Nuôi tôm công nghệ cao đòi hỏi phải có nguồn vốn đầu tư lớn, kỹ thuật nuôi phải nắm vững thì mới đạt hiệu quả. Gần đây, do đầu ra con tôm thuận lợi nhất là xuất khẩu nên nuôi tôm công nghệ cao có lãi khá, gia đình tiếp tục nhân rộng mô hình”.
Theo Hội Nông dân tỉnh Bến Tre, trong 5 năm qua, tổng số hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp của tỉnh trên 335.900 lượt hộ, chiếm tỷ lệ 51,48% so với hộ đăng ký. Toàn tỉnh có 2.300 nông dân được công nhận “ Nông dân tỷ phú”. Chất lượng và hiệu quả phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi ngày càng nâng lên, nhiều hộ có vốn sản xuất, kinh doanh hàng chục tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Trúc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, dù là địa phương còn nhiều khó khăn do tác động của biến đổi khí hậu, nhất là xâm nhập mặn hàng năm nhưng Bến Tre rất nỗ lực và phải tăng tốc hơn nữa về phát triển kinh tế làm sao năm nay phải đạt mức tăng trưởng trên 8% theo chỉ đạo của Chính phủ. Đây là việc rất khó nhưng Bến Tre phải thực hiện phải “dồn lực”; trong đó tập trung đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, thu hút các dự án đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, tạo mọi nguồn lực, tháo gỡ khó khăn để cộng đồng doanh nghiệp làm ăn hiệu quả đóng góp nguồn ngân sách địa phương...

Các đại biểu dự kỷ niệm 50 năm giải phóng tỉnh Bến Tre.
Hôm nay, quê hương xứ dừa đã thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, từng bước đổi thay; đời sống người dân ổn định và phát triển. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bến Tre đang tiếp tục ra sức thi đua, tăng tốc trong phong trào “Đồng khởi mới”, tích cực lao động, sản xuất, sắp xếp, kiện toàn bộ máy các cơ quan Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể vững mạng để vững vàng cùng với cả nước bước vào kỷ nguyên mới với niềm tin và khác vọng.
Bà Đỗ Thị Hoàng Yến, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre cho biết, hiện nay Bến Tre đang tập trung thực hiện chủ trương của Trung ương tổ chức sắp xếp cơ quan hành chính cấp xã, bỏ cấp huyện, tỉnh Bến Tre sáp nhập với tỉnh Trà Vinh, Vĩnh Long.
Dù tên gọi có thể khác đi nhưng tinh thần “Đồng khởi”, truyền thống Anh hùng, nghĩa tình, kiên trung của nhân dân xứ dừa tiếp tục được bồi đắp và lan tỏa. Bến Tre-quê hương Đồng khởi không chỉ là lịch sử mà là hồn cốt của các lớp thế hệ người dân Bến Tre; trong ngôi nhà chung của tỉnh mới dấu ấn “Đồng khởi” không phai mờ theo năm tháng mà là biểu tượng quan trọng góp phần lan tỏa tinh thần “Đồng khởi” ở tỉnh mới tạo nên sức bật sự đồng thuận và niềm tin để cùng nhau xây dựng vùng đất giàu đẹp, văn minh, nghĩa tình.