Xôn xao vụ vỡ nợ 'tín dụng đen' ở làng ven biển

Nghe tin những người đứng đầu đường dây 'tín dụng đen' tuyên bố vỡ nợ, hàng trăm người dân hò hét, mang loa đến nhà những người này đòi tiền. Sự việc xảy ra tại xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An).

Hàng trăm người dân tập trung đến cổng nhà những người đứng đầu đường dây “tín dụng đen” để đòi trả tiền.

Hàng trăm người dân tập trung đến cổng nhà những người đứng đầu đường dây “tín dụng đen” để đòi trả tiền.

Tối 18-10, sau khi nghe tin vỡ nợ “tín dụng đen”, hàng trăm người dân tập trung trước nhà của bà Bùi Thị Nh. (1968, xã Quỳnh Long), là một trong những người đứng đầu đường dây cho vay vốn với lãi suất cao tại xã Quỳnh Long. Người dân mang loa tới trước cổng nhà bà Nh. phát nhạc đám ma, hò hét ầm ĩ. Tiếp đó, người dân tiếp tục kéo đến nhà Trần Thị H. (1967, trú xã Quỳnh Long), là một đầu mối khác trong đường dây… Đây là đường dây huy động vốn do một nhóm người có họ hàng với nhau tại xã Quỳnh Long đứng đầu. Ban đầu, nhóm người này trả tiền lãi suất rất lớn, cao hơn ngân hàng, trả lãi đều đặn nên dần dần người dân tin tưởng gửi tiền. Trong số những người tham gia không ít người trong số này có hoàn cảnh khó khăn.

Bà Bùi Thị Trọn (74 tuổi, trú xã Quỳnh Long) cho biết, bà có gửi 150 triệu đồng cho bà Trần Thị H. để lấy lãi suất, lo cho cuộc sống hàng tháng. Mỗi tháng, bà Trọn đều đặn nhận tiền lãi được 2,1 triệu đồng. Không ngờ, khi đường dây tuyên bố vỡ nợ, bà Trọn như chết đứng… Tương tự, bà Nguyễn Thị Mơi (70 tuổi, trú xã Quỳnh Thuận), cả gia đình sống bằng nghề làm muối, dành dụm được 90 triệu đồng cũng gửi vào quỹ “tín dụng đen” này. Ngoài ra, gia đình con gái bà cũng gom được hơn 1 tỷ đồng, trong lúc chờ xây nhà cũng gửi vào đây để kiếm chút lãi. Kể từ khi nghe tin đường dây tín dụng đen bị vỡ, bà Mơi bỏ công, bỏ việc để tìm đến nhà người vay tiền nhưng cũng ra về tay không. Trong số những nạn nhân của vụ vỡ nợ này, người ít thì vài chục triệu, người nhiều hàng tỷ đồng. Trong đó, ông Bùi Hạm (1963, xã Quỳnh Long) dồn hết gia sản, mạnh dạn vay mượn thêm bên ngoài đầu tư vào đường dây này 9 tỷ đồng.

Theo người dân địa phương, đường dây “tín dụng đen” này có dấu hiệu liên kết với nhau để lừa đảo. Trong đó, những đầu mối huy động vốn từ người dân đều là chị em ruột hoặc là anh em họ hàng với nhau cả. Trước khi tuyên bố vỡ nợ, họ ráo riết gọi điện rồi tìm đến nhiều nhà dân để huy động. Gửi bao nhiêu tiền họ cũng nhận. Những người nhận tiền gửi của người dân với mức lãi suất 1,5%/tháng. Đây là mức lãi suất cao hơn hẳn so với ngân hàng. Thời gian đầu, các cá nhân này đều chi trả tiền lãi cho người dân đầy đủ. Các đối tượng huy động vốn này với vỏ bọc giàu sang, thường xuyên “làm việc thiện” nên nhiều người tin tưởng gửi tiền vào.

Theo ông Trần Văn Nguyện- Chủ tịch UBND xã Quỳnh Long, thông tin đường dây “tín dụng đen” vỡ nợ đã gây chấn động cả xã. Chính quyền địa phương đã phải cử lực lượng chức năng để đảm bảo ANTT. Qua nắm tình hình ban đầu thì có hàng trăm hộ dân trên địa bàn xã đã gửi tiền vào đường dây “tín dụng đen này” với số tiền ước tính hàng trăm tỷ đồng. Ngoài ra, còn có nhiều nạn nhân khác ở khắp các xã khác trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu. Hiện vụ việc đã được Công an huyện Quỳnh Lưu tiếp nhận, điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

DƯƠNG HÓA

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/xon-xao-vu-vo-no-tin-dung-den-o-lang-ven-bien-post303102.html
Zalo