Xóm Quéo nỗ lực xóa nghèo
Xóm Quéo (xã Phục Linh, Đại Từ) nằm dưới chân núi Chúa, địa bàn rộng, dân cư ở không tập trung, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 70%, có xuất phát điểm thấp... Nhưng nhờ có tinh thần đoàn kết, không ngừng nỗ lực vươn lên, 7 năm qua, xóm Quéo liên tục đạt danh hiệu xóm văn hóa cấp huyện, số hộ nghèo giảm mạnh qua các năm.
Ngày gia đình bà Trần Thị Quyên ở xóm Quéo được các nhà hảo tâm hỗ trợ xây dựng nhà Đại đoàn kết, chúng tôi được mời đến tham dự Lễ khởi công. Đây là một trong ba hộ nghèo còn lại của xóm có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở.
Không thể diễn tả hết niềm vui mừng, sự xúc động của vợ chồng bà Quyên, điều đó lan tỏa sang tất cả những người tham dự buổi khởi công xây dựng nhà Đại đoàn kết hôm đó. Ai cũng phấn khởi vì xuân này, ông bà sẽ được đón Tết trong căn nhà “kín trên, bền dưới”.
Bà Quyên xúc động nói: Vợ chồng tôi đều ngoài 70 mươi tuổi, sức khỏe yếu, các con hoàn cảnh cũng nhiều khó khăn, cứ ngỡ đời mình không còn cơ hội được ở trong ngôi nhà mới khang trang, sạch đẹp. Nhưng như một giấc mơ, gia đình tôi được các cấp, ngành, nhà hảo tâm, bà con lối xóm quan tâm, giúp đỡ để có được ngôi nhà mới. Tôi rất cảm ơn!
Không chỉ là lễ khởi công xây dựng nhà ở, mà trong xóm Quéo, gia đình nào có việc hiếu, hỷ, hoạn nạn… các hộ dù bận rộn đến mấy cũng cắt cử nhau đến giúp đỡ, động viên, chia sẻ vui, buồn. Nhờ có sự đoàn kết, yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau mà xóm Quéo từ một xóm nghèo đã vươn lên bằng chính nội lực của mình để xây dựng xóm văn hóa, đạt chuẩn nông thôn mới.
Chị Vũ Thị Hằng, Trưởng xóm Quéo, cho biết: Xóm có 106 hộ, 430 khẩu thì hơn 70% số dân là người dân tộc Sán Chỉ. Kinh tế của người dân chủ yếu dựa vào cây lúa, chè và trồng rừng. Muốn thoát nghèo không còn cách nào khác là phải nâng cao giá trị kinh tế trên 1ha đất canh tác. Chúng tôi đã tích cực tuyên truyền người dân tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật, tích cực đưa các giống lúa, chè mới cho năng suất, chất lượng cao vào vào gieo trồng. Đồng thời vận động nhân dân sản xuất lúa, chè theo tiêu chuẩn VietGAP.
Cả xóm có 20ha chè kinh doanh, trong đó có 5ha được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; hơn 19ha lúa chủ yếu được cấy bằng các giống lúa lai nên năng suất đạt tới 2,5 tạ/sào.
Những năm gần đây, người dân phát triển thêm nghề chăn nuôi gà, lợn ở quy mô gia trại, trang trại; có hộ nuôi tới hơn 1 vạn con gà; gần trăm đầu lợn, như gia đình anh Trân Văn Đường, Trần Xuân Trường… Xóm có 1 trang trại chăn nuôi lợn đạt quy mô cấp tỉnh.
Nhờ đó, đời sống kinh tế người dân dần ổn định và từng bước nâng cao. Trước kia, xóm có tới vài chục hộ nghèo, nay chỉ còn 4 hộ; số hộ khá giả chiếm khoảng 5% tổng số hộ.
Kinh tế dần phát triển, người dân có điều kiện đóng góp công sức, tiền của xây dựng các công trình phúc lợi. Từ năm 2017, xóm Quéo đã bê tông hóa toàn bộ các tuyến đường nội xóm, liên xóm; hệ thống kênh mương cũng được cứng hóa, đảm bảo việc tưới - tiêu nước cho đồng ruộng 4 mùa tươi tốt.
Vừa qua, xóm đã mở rộng gần 600m đường lên 6m, 23 hộ dân ảnh hưởng sẵn sàng hiến đất, tài sản trên đất, tiêu biểu là gia đình Trần Văn Thi đã sẵn sàng phá bỏ hơn 100m tường rào để xây lùi vào trong…
Chúng tôi sải bước trên con đường bê tông ra thăm cánh đồng xóm Quéo. Cánh đồng bằng phẳng tạo cảm giác mênh mông như không có bờ thửa ngăn cách giữa các chân ruộng. Nhiều nông dân tất bật chăm sóc cây trồng vụ đông.
Gặp vợ chồng anh Trần Văn Trạm, chúng tôi bắt chuyện làm quen. Anh Trạm vui vẻ cho biết: Gia đình tôi chỉ có 2 người con đều đã thoát ly đi làm ở công ty. Hai vợ chồng trông vào 1 mẫu ruộng, nếu chỉ để ăn no ngày 3 bữa thì nguồn lương thực phải nói là dôi dư. Nên để lương thực trở hàng hàng hóa thì phải nâng cao chất lượng thóc gạo. Chính vì vậy, gia đình tôi cấy bằng các giống lúa tốt như J02, BC15… và chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP. Những lúc nông nhàn, tôi tranh thủ đi cắt tỉa cây rừng, dọn thực bì cho những hộ trồng rừng kiếm thêm thu nhập.
Sự chịu thương, chịu khó, đoàn kết vươn lên bằng chính thế thuần nông đã giúp người dân xóm Quéo dần thoát nghèo, góp phần xây dựng quê hương ngày càng khởi sắc.