Cố gắng chăm lo tốt bữa ăn cho học sinh trường dân tộc nội trú

Tăng lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng/tháng đồng nghĩa chế độ của học sinh trường dân tộc nội trú (DTNT) cũng tăng theo.

Ông Lê Quang Tùng - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị thăm bếp ăn Trường PT DTNT tỉnh Quảng Trị.

Ông Lê Quang Tùng - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị thăm bếp ăn Trường PT DTNT tỉnh Quảng Trị.

Tuy nhiên, với mức hỗ trợ này, nhiều trường nội trú vẫn phải xoay xở để bảo đảm chất lượng bữa ăn cho học sinh.

Nâng mức hỗ trợ

Cô Nguyễn Thị Đào - Hiệu trưởng Trường PTDTNT THCS Bá Thước (Thanh Hóa) cho biết, năm học này, nhà trường có 250 học sinh. Từ khi mức lương cơ sở tăng lên, nhà trường đã chủ động tăng định suất bữa ăn hằng ngày cho học sinh để đáp ứng nhu cầu thể lực và đủ chất dinh dưỡng.

Theo đó, mỗi bữa ăn chính (trưa - chiều), nhà trường tăng lên mức 20 nghìn đồng/bữa/học sinh, đồng thời chi phí 10 nghìn đồng để ăn sáng/học sinh. Trước kia, khi chưa tăng lương cơ sở, nhà trường tổ chức cho học sinh ăn bữa chính 16 nghìn đồng; ăn sáng khoảng 8 nghìn đồng.

“Với số tiền nêu trên, mỗi bữa cơm của học sinh có 2 món thức ăn mặn và rau xanh, củ, quả luộc, canh các loại. Còn buổi sáng, các em ăn xôi giò, xôi chả hoặc mì tôm thịt....”, cô Đào thông tin.

Năm học 2024 - 20205, Trường THCS&THPT DTNT Hà Tĩnh tăng khẩu phần ăn mỗi học sinh từ 47 nghìn đồng/ngày lên 52 nghìn đồng/ngày. Theo thầy Mai Văn Hải - Phó Hiệu trưởng nhà trường, tăng lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng/tháng đồng nghĩa chế độ của học sinh trường DTNT tăng theo. Điều này phần nào tạo điều kiện thuận lợi để các trường DTNT chăm lo tốt hơn bữa ăn cho học sinh.

“Nhà trường hiện có 114 học sinh dân tộc Lào, Mường, Thái, Chứt… Theo Thông tư liên tịch 109/2009/TTLT-BTC-BGDĐT, phần lớn học sinh được hỗ trợ bằng 80% mức lương tối thiểu của Nhà nước (tương đương hơn 1,8 triệu đồng/học sinh/tháng). Ngoài ra 31 học sinh người dân tộc Chứt được hỗ trợ bằng 100% mức lương tối thiểu theo quy định”, thầy Hải thông tin.

Với số tiền này, mỗi ngày học sinh được chi 52 nghìn đồng cho 3 bữa ăn sáng, trưa và tối. Trong đó, bữa sáng 10 nghìn đồng, bữa trưa và bữa tối là 22 nghìn đồng/bữa. Tiền ăn tăng lên, bữa ăn của học sinh được cải thiện, định lượng các món ăn nhiều hơn, đảm bảo dinh dưỡng, giúp các em nâng cao sức khỏe.

Trường PTDTNT tỉnh Quảng Bình hiện có 465 học sinh, chủ yếu dân tộc Chứt và Bru - Vân Kiều. Thầy Phạm Hồng Việt - Hiệu trưởng Trường PTDTNT tỉnh cho biết, cùng với nâng cao chất lượng dạy học, nhà trường luôn tạo điều kiện chăm lo đời sống vật chất, tinh thần để học sinh an tâm bám trường, lớp.

Ngoài chính sách chung áp dụng theo Thông tư 109/2009/TTLT/BGDĐT-BTC, tỉnh Quảng Bình hỗ trợ thêm 600 nghìn đồng/tháng/học sinh (không quá 10 tháng/năm). Số tiền trên nhằm đảm bảo 3 bữa ăn/ngày, mua sắm đồ dùng học tập, sách vở, đồ sinh hoạt cá nhân cho học sinh. Nhờ đó, đời sống của học sinh được đảm bảo hơn.

Trường PTDTNT tỉnh Quảng Trị có gần 420 học sinh là con em đồng bào các dân tộc chủ yếu Vân Kiều, Pa Cô trên địa bàn huyện Hướng Hóa, Đakrông, Cam Lộ, Vĩnh Linh và Gio Linh (tỉnh Quảng Trị). Trong đó, học sinh 2 huyện Đakrông và Hướng Hóa chiếm số lượng lớn.

Chia sẻ của thầy Nguyễn Thế Long - Hiệu trưởng Trường PTDTNT tỉnh Quảng Trị, các em được trang cấp hiện vật như chăn màn, áo ấm, chiếu cá nhân, quần áo đồng phục. Đồng thời, học sinh có chế độ tiền thưởng khi kết quả học tập từ khá trở lên.

Mặt khác, mỗi em được hưởng học bổng bằng 80% mức lương cơ sở/tháng/12 tháng. Nhà trường đã làm việc với toàn thể phụ huynh để trích một phần từ học bổng 1,5 triệu đồng nhằm tổ chức nấu ăn cho học sinh (3 bữa ăn/ngày, mỗi ngày 50 nghìn đồng), kinh phí còn lại phát cho các em mua sắm vật dụng thiết yếu hằng tháng.

 Bữa ăn tại Trường THCS&THPT DTNT Hà Tĩnh.

Bữa ăn tại Trường THCS&THPT DTNT Hà Tĩnh.

Chắt chiu hạt gạo nuôi học trò

Mặc dù chưa nhận kinh phí theo mức lương mới nhưng Ban Giám hiệu Trường PTDTNT THCS Quan Sơn (Thanh Hóa) vẫn xoay xở để ổn định từng bữa ăn cho học sinh. Theo thầy Hiệu trưởng Lê Duy Dũng, mỗi bữa ăn chính của 1 học sinh là 20 nghìn đồng, mức ăn sáng tăng lên 10 nghìn đồng/bữa (nhà trường tổ chức nấu phục vụ học sinh trong trường).

“Giá cả thực phẩm hiện tăng khá cao. Thịt lợn dao động từ 140 đến 160 nghìn đồng/1 kg, đắt hơn trước kia khoảng 30 nghìn đồng/1kg do ảnh hưởng dịch lợn tai xanh và dịch lợn châu Phi. Đặc biệt, giá rau xanh, củ quả tăng cao, do khan hiếm từ sau đợt bão lũ vừa qua”, thầy Dũng thông tin.

Sau hơn 1 năm dừng tuyển sinh vì thiếu học sinh, năm học 2024 - 2025, Trường THCS&THPT DTNT Hà Tĩnh tiếp tục tuyển trở lại. Tuy nhiên, đây cũng là lần đầu tiên trong gần 10 năm qua số lượng học sinh tại trường chưa đến 120 em. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến triển khai công tác cấp dưỡng tại trường.

Hơn 30 năm làm công tác nấu ăn tại Trường THCS&THPT DTNT Hà Tĩnh, chị Nguyễn Thị Hương - Tổ trưởng nhà bếp cho hay, để xoay xở với mức 54 nghìn đồng/3 bữa ăn cho hơn 100 học sinh không dễ dàng.

“Nếu trước đây số lượng học sinh đông, nhân viên nhà bếp dễ dàng dự toán nguồn nguyên liệu. Năm học mới có khoảng hơn 100 học sinh ăn tại trường, chúng tôi phải tính toán cân đối lại nguồn thực phẩm sao cho vừa đủ lượng và chất cho học sinh.

Một trong những cách mà trường thực hiện đó là cố gắng đàm phán với nhà cung cấp để mua lương thực, thực phẩm mức giá hợp lý nhất. Bên cạnh đó, những khâu không cần thiết sẽ được tiết kiệm một cách tối đa”, chị Nguyễn Thị Hương chia sẻ.

Để “chắt chiu” những bữa ăn đủ chất dinh dưỡng cho học trò, thầy Lê Viết Sơn - Hiệu trưởng Trường THPT DTNT tỉnh Quảng Nam cho biết, Ban Giám hiệu nhà trường phải tính toán, cân đối sao cho phù hợp.

“Nhà trường đóng chân trên địa bàn TP du lịch Hội An nên giá cả sinh hoạt đắt hơn. Việc tổ chức bữa ăn cho học sinh nội trú vì vậy cũng khó khăn. Để “gỡ khó”, nhà trường ký hợp đồng với các nhà cung cấp thực phẩm đảm bảo ổn định giá trong 3 tháng. Sau thời gian 3 tháng, hai bên lại đàm phán lại giá cả. Bữa ăn chưa thể ngon nhưng chúng tôi đảm bảo cung cấp cho học sinh đủ no và dinh dưỡng để phục vụ học tập và các hoạt động khác”, thầy Sơn cho biết.

Mỗi học sinh bán trú của Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Sơn Bua (Sơn Tây, Quảng Ngãi) có 32 nghìn đồng tiền ăn/ngày. Chia sẻ thông tin, thầy Hiệu trưởng Huỳnh Văn Thành cũng cho biết: “Nhà trường cân đối để tổ chức 3 bữa ăn cho học sinh. Bộ phận cấp dưỡng phải tính toán thật khéo để tránh phát sinh các khoản phụ phí như gas, nước rửa chén… Thực ra, với số lượng học sinh đông thì mức chi phí 720 nghìn đồng tiền ăn/tháng vẫn đảm bảo duy trì được chất lượng dinh dưỡng cho bữa ăn bán trú”.

Kinh nghiệm của Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Sơn Bua là chọn nhà cung ứng có hồ sơ năng lực đủ mạnh để ít bị ảnh hưởng bởi biến động giá cả trên thị trường. Ngoài ra, từ sự kết nối của các nhà hảo tâm, nhà trường còn nhận thêm hỗ trợ. Những khoản này, nhà trường để cải thiện bữa ăn cho học sinh như tổ chức liên hoan cuối năm học, vui Trung thu.

Tâm tư trường nội trú

Theo lãnh đạo Trường PTDTNT tỉnh Quảng Trị, sau 15 năm triển khai, nhiều chế độ mà Thông tư 109/2009/TTLT-BTC-BGDĐT đưa ra không còn phù hợp với thực tế hiện nay. Đơn cử, chế độ thưởng cho học sinh theo xếp loại học tập rèn luyện, thông tư quy định mức khen thưởng được chia theo 3 loại: Khá (thưởng 400 nghìn đồng), Giỏi (thưởng 600 nghìn đồng) và Xuất sắc (thưởng 800 nghìn đồng).

Trong khi đó, theo Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT quy định về đánh giá học sinh THCS và THPT thì kết quả học tập của học sinh được đánh giá theo 4 mức: Tốt, Khá, Đạt và Chưa đạt nên không phù hợp với thực tế.

Mặt khác, vật giá tăng cao cũng gây khó khăn trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho các em. Nhà trường cố gắng chia số tiền trên để mua thực phẩm và các chi phí phục vụ bữa ăn. Tuy nhiên, với kinh phí và mức sinh hoạt hiện tại rất khó để đảm bảo dinh dưỡng cho học sinh trong độ tuổi phát triển.

“Do đó, tại các cuộc tiếp xúc cử tri, nhà trường đều đề nghị tỉnh quan tâm, có chế độ, chính sách hợp lý hỗ trợ kinh phí cho học sinh trong vấn đề chăm sóc bữa ăn hằng ngày”, thầy Long đề xuất.

Còn theo cô Hà Thu Dung - Hiệu trưởng Trường THPT DTNT Ngọc Lặc (Thanh Hóa), mặc dù học sinh nội trú được Nhà nước hỗ trợ mỗi tháng đã tăng lên mức 1,8 triệu đồng. Tuy nhiên, tình trạng giá gạo, rau xanh, củ, quả, chất đốt tăng cao đáng kể đang trở thành vấn đề khó khăn cho nhà trường.

Đặc biệt, trong khi mức hỗ trợ của Nhà nước cho học sinh nội trú cấp THPT ngang bằng cấp THCS thể hiện sự thiếu công bằng. Bởi lẽ, nhu cầu sinh hoạt cũng như ăn uống hàng ngày của học sinh THPT cao hơn THCS.

“Nhà trường từng đề xuất lên cấp trên về việc nên tăng mức phụ cấp cho học sinh THPT cao hơn so với học sinh THCS, đặc biệt với học sinh nữ, do nhu cầu sinh hoạt cá nhân. Tuy nhiên, đề xuất của nhà trường chưa được ghi nhận”, cô Dung nói.

Dự lễ khai giảng năm học 2024 - 2025 tại Trường PTDTNT tỉnh, ông Lê Quang Tùng - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị ghi nhận sự nỗ lực cố gắng của nhà trường đã chăm lo tốt nơi ăn, chỗ ở cho các em. Thăm khu bếp ăn và khu vực nội trú của học sinh, ông Tùng đề nghị quan tâm cải thiện hơn về chế độ dinh dưỡng cho học sinh.

Nhóm PV

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/co-gang-cham-lo-tot-bua-an-cho-hoc-sinh-truong-dan-toc-noi-tru-post705674.html
Zalo