Xoài cát Mũi Né còn đó những khó khăn

Mũi Né nổi tiếng với bãi biển xanh mát, đồi cát bay; không chỉ thu hút du khách bởi cảnh đẹp thiên nhiên mà còn bởi những đặc sản độc đáo, trong đó có xoài cát Mũi Né. Dẫu rằng xoài này không phải giống bản địa, nhưng nhiều người yêu thích nhờ vào chất lượng vượt trội.

Vườn xoài cát. Ảnh: Ngọc Lân.

Vườn xoài cát. Ảnh: Ngọc Lân.

Năng suất trồng xoài ở Mũi Né từ năm 2024 đến nay đạt, tương đối ổn định. Bởi sự đơm hoa kết trái không bị ảnh hưởng của gió bấc và sương muối vào thời điểm cuối năm. Xoài cát Mũi Né có chất lượng khá tốt, giá bán tại vườn lại không cao, dao động từ 30.000 đến 50.000 đồng/kg (tùy kích cỡ) vào thời điểm nghịch vụ. Người trồng chia sẻ: Với mức giá trung bình khoảng 40.000 đồng/kg, thì thu về khoảng 32 triệu đồng. Có vườn bán mức giá chỉ 30.000 đồng/kg, nguồn thu càng thấp thêm. Đây là khoản thu thấp, giảm mạnh so với các vụ ở các năm trước - giá bán cao nên đạt khoản thu cao hơn.

Ông Trần Chí Tạo - Chủ tịch Hội Nông dân phường Mũi Né (Phan Thiết) cho biết: Xoài cát Mũi Né được đánh giá cao nhờ màu vàng tươi bắt mắt, vỏ mỏng, thịt dày, hạt lép. Xoài còn có mùi thơm dịu, phảng phất và vị ngọt thanh đặc trưng. Đây là một trong những đặc sản mà du khách thường mua về làm quà khi đến Mũi Né; kể cả người dân địa phương cũng ưa chuộng. Tuy nhiên, xoài cát trồng vùng đất Mũi Né không phải giống xoài bản địa – chủ yếu là giống xoài Hòa Lộc (Tiền Giang) hoặc Cao Lãnh (Đồng Tháp) – nên sản phẩm không thể đăng ký OCOP.

Một số hộ trồng xoài ở Mũi Né phản ánh: Việc khai thác titan trong khu vực để lại hậu quả nghiêm trọng là nhiều ao chứa nước ngọt để tưới cho cây đều bị khô cạn. Lượng nước còn lại trong các ao chỉ đạt khoảng 10%, thậm chí có những ao bị khô hoàn toàn. Điều này khiến nông dân gặp khó khăn lớn trong việc cung cấp nước tưới cho cây trồng, dẫn đến giảm sút năng suất và chất lượng xoài. Người dân mong muốn cơ quan chức năng cũng có giải pháp hỗ trợ người trồng khắc phục tình trạng thiếu nước.

Năm 2024, diện tích trồng xoài tại Mũi Né còn khoảng 40 ha với 99 hộ canh tác, giảm 5 ha so với năm trước. Theo ông Tạo, nguyên nhân khiến diện tích đất trồng xoài giảm là do thiếu nước tưới từ ao dự trữ nên ảnh hưởng năng suất, giá đầu ra xoài thấp. Cùng với đó, là việc đô thị hóa ít nhiều làm thu hẹp đất nông nghiệp. Tất cả những nguyên nhân ấy làm diện tích đất trồng xoài giảm.

Từ thông tin trên cho thấy xoài cát Mũi Né đang đối mặt nhiều khó khăn. Thời gian qua, sự nỗ lực của người trồng, cây xoài không chỉ giúp người dân mang lại thu nhập đáng kể mà còn góp phần tạo nên thương hiệu nông sản đặc sắc ở Mũi Né. Để khắc phục những khó khăn, thiết nghĩ Hội Nông dân phường Mũi Né và các cơ quan chức năng cần phối hợp để đưa ra các giải pháp thiết thực như cải thiện hệ thống nước tưới, tìm kiếm giống xoài chịu hạn tốt hơn hỗ trợ nông dân trong việc ứng dụng kỹ thuật canh tác hiện đại và quảng bá sản phẩm đi xa hơn.

TRANG MINH

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/xoai-cat-mui-ne-con-do-nhung-kho-khan-127263.html
Zalo