'Xóa tư cách chức vụ': Hình thức kỷ luật mang dấu ấn Việt Nam

Dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) có nhiều điểm mới, trong đó quy định 'xóa tư cách chức vụ, chức danh' đã đảm nhiệm. Đây là một hình thức kỷ luật độc đáo, mang đậm dấu ấn Việt Nam - TS Nguyễn Sĩ Dũng nhấn mạnh khi trả lời Viettimes.

TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

“Xóa tư cách chức vụ”: Sáng kiến mang dấu ấn riêng Việt Nam

-Thưa ông, một trong những điểm nhấn đáng chú ý của Dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) (CBCC) đang được lấy ý kiến, là làm rõ hơn hình thức kỷ luật mới đối CBCC: “xóa tư cách chức vụ, chức danh đã đảm nhiệm”. Ý kiến của ông về vấn đề này thế nào?

-Tôi cho rằng đây là một điểm mới rất đáng chú ý và có nhiều ý nghĩa cả về mặt pháp lý lẫn xã hội. Trong đời sống công vụ, một người khi có chức thì mới có danh - vì vậy người ta mới gọi chung là “chức danh”. Chức là vị trí quyền lực được giao phó trong một giai đoạn cụ thể, còn danh là sự ghi nhận, sự nể trọng, và nhiều khi là di sản để lại sau khi chức đã hết. Có người rời chức đã lâu, nhưng danh vẫn còn, đôi khi còn mãi trong tâm thức công chúng.

Chính vì vậy, hình thức kỷ luật “xóa tư cách chức vụ, chức danh đã đảm nhiệm” không chỉ đơn thuần là một chế tài hành chính, mà là một hình thức xử lý có tính biểu tượng rất cao. Nó tước bỏ sự ghi nhận chính thức của Nhà nước đối với một quá khứ từng được vinh danh, và đó là một hình phạt rất lớn về uy tín, danh dự.

Tuy nhiên, cũng vì mang tính chất nặng nề như vậy, hình thức kỷ luật này đòi hỏi phải được áp dụng một cách hết sức thận trọng, chính xác và công bằng. Nếu không đủ chặt chẽ về căn cứ và quy trình, việc tước danh không những không làm giảm uy tín của người bị xử lý, mà ngược lại - trong con mắt một bộ phận công chúng, có thể khiến họ “càng bị tước danh thì càng thêm nổi danh”. Điều này có thể phản tác dụng, vừa làm giảm hiệu lực răn đe của chính sách, vừa gây tranh cãi không cần thiết trong xã hội.

Tôi ủng hộ việc luật hóa hình thức kỷ luật này như một biện pháp để nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong bộ máy công vụ. Nhưng song song, cần có cơ chế giám sát độc lập, quy trình minh bạch và bảo đảm quyền bảo vệ của người bị xem xét xử lý, để công lý được thực thi mà không bị hoài nghi.

 Toàn văn dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) đang được Bộ Nội vụ lấy ý kiến. Ảnh chụp màn hình.

Toàn văn dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) đang được Bộ Nội vụ lấy ý kiến. Ảnh chụp màn hình.

-Việc xử lý CBCC sau khi nghỉ hưu là một vấn đề quan trọng để đảm bảo trách nhiệm giải trình. Tuy nhiên, việc “xóa tư cách chức vụ” mang tính biểu tượng hơn là có tác động thực tế đến lợi ích của người bị kỷ luật. Ở nhiều nước, nếu cán bộ có sai phạmsau khi nghỉ hưu, nghỉ việc, họ có thể bị tước quyền lợi hưu trí, cấm đảm nhiệm các chức vụ trong tương lai hoặc bị truy tố theo pháp luật hình sự, chứ chưa thấy nước nào có quy định như ta. Phải chăng đây là sáng kiến độc đáo của chúng ta trong kỷ luật nghiêm minh CBCC?

-Có thể nói, hình thức “xóa tư cách chức vụ, chức danh đã đảm nhiệm” là một sáng kiến mang dấu ấn riêng của Việt Nam. Dù mang tính biểu tượng, nhưng nó có sức nặng rất lớn trong văn hóa chính trị Á Đông, nơi danh dự và thể diện được coi là giá trị cốt lõi. Nó không trực tiếp tước đoạt lợi ích vật chất, nhưng lại tác động mạnh mẽ đến uy tín và địa vị xã hội của người bị xử lý. Và trong nhiều trường hợp, đó mới là điều người ta sợ nhất.

Ở một số nước, đúng là có áp dụng những hình thức mạnh hơn, như tước quyền lợi hưu trí hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ trong tương lai. Tuy nhiên, những biện pháp này cũng đặt ra không ít vấn đề pháp lý và đạo lý. Tước quyền lợi hưu trí, nếu không được quy định thật chặt chẽ, có thể đụng chạm đến các quyền con người. Cần nhớ rằng lương hưu không phải là phần thưởng, mà là kết quả của quá trình đóng góp và tích lũy suốt cả đời làm việc. Đối với nhiều người, đặc biệt là người cao tuổi, đây là nguồn sống chính. Việc tước bỏ có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, đời sống và nhân phẩm của họ - điều mà bất kỳ Nhà nước pháp quyền nào cũng cần cân nhắc rất thận trọng.

Tương tự, việc cấm người vi phạm đảm nhiệm chức vụ trong khu vực tư cũng có thể đụng đến quyền tự do nghề nghiệp - một quyền hiến định. Trừ khi đó là chức vụ trong các ngành nghề đặc biệt có điều kiện, thì mọi hạn chế cần phải được cân nhắc trên cơ sở bảo vệ lợi ích công một cách hợp lý, không tùy tiện.

Chính vì vậy, việc Việt Nam lựa chọn hình thức “xóa tư cách chức vụ” có thể xem là một giải pháp trung dung – vừa thể hiện sự nghiêm minh của kỷ luật, vừa tránh được việc đi quá giới hạn các quyền cơ bản của con người. Tất nhiên, để sáng kiến này phát huy tác dụng, rất cần những thiết kế pháp lý đi kèm: quy trình xử lý phải thật chặt chẽ, công khai, công bằng và có cơ chế giám sát hiệu quả. Như vậy mới thực sự củng cố được niềm tin của người dân vào sự liêm chính của nền công vụ.

“Xóa tư cách chức vụ” của cán bộ do bầu cử, có phải xin ý kiến tổ chức bầu cử?

-Một CBCC đảm nhiệm chức vụ 2 nhiệm kỳ liên tiếp, khi đã nghỉ hưu bị phát hiện sai phạm và bị xử lý kỷ luật xóa tư cách chức vụ, chức danh đã đảm nhiệm ở nhiệm kỳ có sai phạm, hay xóa cả ở nhiệm kỳ trước đó không mắc sai phạm, theo ông?

-Theo tôi, việc xóa tư cách chức vụ, chức danh nên chỉ áp dụng đối với nhiệm kỳ gắn với sai phạm cụ thể - tức là chỉ “xóa danh” ở nhiệm kỳ có vi phạm đã được xác minh rõ ràng, chứ không nên mở rộng sang nhiệm kỳ trước đó, nếu người đó thực hiện nhiệm vụ đúng đắn, không có sai sót nào bị kết luận.

Bởi lẽ, mỗi nhiệm kỳ là một giai đoạn công tác với trách nhiệm và kết quả khác nhau. Nếu trong một nhiệm kỳ, người cán bộ đã hoàn thành tốt trọng trách, không có vi phạm, thì cần tôn trọng và ghi nhận phần đúng đó. Không nên “đánh đồng” cả hai nhiệm kỳ, bởi như thế sẽ dẫn đến bất công và không đúng với tinh thần cá thể hóa trách nhiệm - một nguyên tắc rất quan trọng trong pháp quyền hiện đại.

Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận một cách thực tế rằng: “Danh” là thứ rất đặc biệt - một khi đã bị kỷ luật xóa tư cách ở một nhiệm kỳ, thì danh dự của người đó về cơ bản đã không còn trọn vẹn. Dư luận xã hội thường không phân biệt rạch ròi từng nhiệm kỳ, mà sẽ nhìn nhận tổng thể con người ấy qua vụ việc đã bị xử lý. Do đó, tác động của hình thức kỷ luật này là rất lớn, không chỉ về pháp lý mà cả về tinh thần, danh tiếng và di sản cá nhân.

Chính vì vậy, việc xem xét kỷ luật theo hình thức “xóa tư cách chức vụ, chức danh” cần hết sức khách quan, minh bạch và thận trọng. Mỗi quyết định xử lý không chỉ là xử lý một cá nhân, mà còn là một thông điệp về công lý, về cách Nhà nước ứng xử với công bộc - và rộng hơn, về niềm tin mà xã hội đặt vào thể chế.

 Ngày 23/1/2017, ông Vũ Huy Hoàng bị "xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2011-2016" . Ông được coi là quan chức đầu tiên bị xử lý bằng hình thức này.

Ngày 23/1/2017, ông Vũ Huy Hoàng bị "xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2011-2016" . Ông được coi là quan chức đầu tiên bị xử lý bằng hình thức này.

-Theo ông, các chức danh bầu cử khi đã nghỉ việc, hoặc nghỉ hưu mà trong nhiệm kỳ đảm nhiệm chức vụ bị phát hiện sai phạm nghiêm trọng thì có bị xử lý kỷ luật xóa tư cách chức vụ, chức danh đã đảm nhiệm không? Có phải xin ý kiến của tổ chức, cá nhân đã bầu người đó không?

-Về nguyên tắc, mọi cán bộ, công chức - dù được bổ nhiệm hay do bầu cử - nếu vi phạm pháp luật hoặc kỷ luật trong thời gian đương chức, thì đều phải chịu trách nhiệm một cách công bằng và bình đẳng trước pháp luật. Vì vậy, theo tôi, những người giữ chức danh do bầu cử mà sau này bị phát hiện sai phạm nghiêm trọng, cũng cần phải bị xem xét xử lý kỷ luật, bao gồm cả việc xóa tư cách chức vụ, chức danh đã đảm nhiệm - nếu hành vi vi phạm đủ nghiêm trọng và có căn cứ rõ ràng.

Tuy nhiên, do đây là các chức danh có tính chính trị - được trao thông qua lá phiếu tín nhiệm của tập thể hoặc của Nhân dân – nên việc xử lý kỷ luật về danh nghĩa cũng cần thực hiện với sự thận trọng và tôn trọng đúng quy trình. Cụ thể, tôi cho rằng cần có sự trao đổi, lấy ý kiến hoặc thông báo chính thức đến tổ chức, cá nhân đã bầu ra người đó, nhất là trong trường hợp cơ quan bầu cử vẫn còn hoạt động hoặc có thẩm quyền liên quan. Đây là một bước thể hiện sự tôn trọng tính chính danh của chức vụ đã được trao bởi cộng đồng, đồng thời giúp tăng thêm tính đồng thuận và minh bạch trong quy trình xử lý.

Tuy nhiên, sự tham vấn đó không có nghĩa phải “xin phép” để xử lý, mà là để bảo đảm hài hòa giữa yếu tố pháp lý và yếu tố chính trị, giữa tinh thần thượng tôn pháp luật và nguyên tắc dân chủ đại diện. Tựu trung, dù là ai, giữ chức vụ gì, nếu có sai phạm thì vẫn phải chịu trách nhiệm. Và khi luật đã quy định rõ, thì việc thực thi cần nhất quán, công bằng, không phân biệt đối tượng.

“Dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung”: Miễn trách nhiệm, nếu có sai sót

-Thưa ông, dự thảo Luật lần này đã loại bỏ các hình thức kỷ luật “hạ bậc lương” và “giáng chức” đối với công chức, thay vào đó bổ sung hình thức “xóa tư cách chức vụ, chức danh đã đảm nhiệm” như vừa phân tích ở trên. Liệu bỏ hình thức "giáng chức", "hạ bậc lương" có thiệt thòi cho CBCC mà sai phạm của họ chưa đến mức độ cách chức và chịu trách nhiệm hình sự?

-Tôi cho rằng đây là một điểm cần được cân nhắc hết sức thận trọng. Bởi việc loại bỏ các hình thức kỷ luật như “giáng chức” hay “hạ bậc lương” sẽ làm mất đi những mức độ xử lý trung gian - vốn rất cần thiết trong hệ thống kỷ luật công vụ để phân hóa mức độ vi phạm và tạo điều kiện sửa sai cho cán bộ, công chức.

Trên thực tế, không phải sai phạm nào cũng đến mức phải cách chức hay truy cứu trách nhiệm hình sự. Có những vi phạm là do thiếu sót, hạn chế về năng lực, hoặc do hoàn cảnh khách quan tác động - khi đó, các hình thức như giáng chức hay hạ bậc lương sẽ vừa đủ nghiêm khắc để răn đe, vừa đủ mềm dẻo để người vi phạm có cơ hội sửa chữa và phấn đấu trở lại.

Kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy điều đó. Ở nhiều nước có nền công vụ phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức hay Canada, hình thức giáng chức hoặc điều chuyển sang vị trí thấp hơn vẫn được áp dụng như một biện pháp quản lý kỷ luật hiệu quả. Những hình thức này không chỉ nhằm xử phạt, mà còn là công cụ để bố trí lại nhân sự phù hợp hơn với năng lực và tính cách của người công chức. Thậm chí, trong một số trường hợp, việc giáng chức được kết hợp với kế hoạch đào tạo lại, hỗ trợ tâm lý, để cán bộ có thể phục hồi uy tín nghề nghiệp.

Ngay cả tại Singapore - nơi có kỷ luật công vụ nổi tiếng nghiêm minh - các hình thức xử lý cũng được xây dựng theo hướng phân tầng, có độ linh hoạt, và luôn đi kèm với yêu cầu minh bạch trong quy trình, bảo đảm quyền được xem xét công bằng của người bị xử lý.

Do đó, thay vì loại bỏ hoàn toàn, chúng ta có thể cân nhắc giữ lại các hình thức này với điều kiện áp dụng chặt chẽ hơn. Ví dụ, chỉ áp dụng khi có căn cứ rõ ràng, được hội đồng kỷ luật phê chuẩn và có quy trình giám sát độc lập. Làm như vậy sẽ giúp hệ thống kỷ luật của chúng ta vừa nghiêm minh, vừa nhân văn - đúng với tinh thần trị người để dùng người, chứ không phải trị để loại trừ.

 Ông Nguyễn Văn Vịnh bị xóa tư cách Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai giai đoạn 2010 – 2013.

Ông Nguyễn Văn Vịnh bị xóa tư cách Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai giai đoạn 2010 – 2013.

Một điểm mới nữa là dự thảo đề xuất bổ sung trường hợp miễn trách nhiệm đối với CBCC khi hành vi được cơ quan có thẩm quyền xác định là “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung”. Đây là quy định bảo vệ những CBCC dám nghĩ, dám làm mà không lo cái "vòng kim cô" - "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng trong hoạt động công vụ". Nhưng sẽ là kẻ hở để CBCC thoát tội khi được "gán mác": "Dám nghĩ, dám làm". Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

-Tôi cho rằng đây là một chủ trương đúng và cần thiết trong bối cảnh cải cách hành chính, đổi mới thể chế và chuyển đổi số đang đòi hỏi đội ngũ cán bộ, công chức phải năng động hơn, sáng tạo hơn và dám chịu trách nhiệm hơn trong thực thi công vụ.

Thực tế cho thấy, nhiều cán bộ có tâm, có tầm nhưng lại bị ràng buộc bởi tâm lý “an toàn là trên hết”. Cái "vòng kim cô" của cụm từ “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” khiến không ít người e ngại, không dám chủ động hành động, dù biết rõ việc đó là đúng, là cần thiết, là vì lợi ích chung. Nếu không có một cơ chế bảo vệ hợp lý, thì sẽ rất khó khuyến khích tinh thần “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” - vốn là điều kiện thiết yếu cho một nền công vụ kiến tạo và đổi mới.

Tuy nhiên, như anh nói rất đúng, đây cũng là một lĩnh vực rất nhạy cảm. Nếu không được quy định chặt chẽ và vận hành minh bạch, thì cơ chế này có thể bị lạm dụng, trở thành cái “lá chắn” để một số người thoát trách nhiệm thật sự, hoặc đẩy trách nhiệm cho tập thể, cho cấp trên, hoặc cho cái mác “vì lợi ích chung”. Khi đó, thay vì khuyến khích cái tốt, chúng ta lại vô tình mở đường cho những quyết định tùy tiện, vô trách nhiệm.

Do đó, để quy định này phát huy hiệu quả, theo tôi, cần phải có một hệ tiêu chí rõ ràng và minh bạch để xác định thế nào là “dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung”. Đồng thời, cần có cơ chế đánh giá độc lập, không để việc xác định này chỉ nằm trong tay một nhóm nhỏ có thể dễ bị chi phối bởi quan hệ cá nhân hoặc lợi ích cục bộ.

Ngoài ra, miễn trách nhiệm không đồng nghĩa với miễn hoàn toàn mọi hệ quả. Cần phân biệt rạch ròi giữa sai sót trong quá trình đổi mới với hành vi cố ý làm sai, có động cơ vụ lợi. Chỉ nên miễn trách nhiệm đối với những hành vi có thiện chí, minh bạch, có hồ sơ đầy đủ, và xuất phát từ mục tiêu phục vụ lợi ích công - chứ không phải cái cớ để “làm liều rồi hợp thức hóa”.

Tóm lại, đây là một bước đi đúng hướng - nhưng phải được thiết kế với tư duy chính sách rất cẩn trọng. Có như vậy, chúng ta mới vừa khuyến khích được người tốt dám làm, vừa không tạo “kẽ hở” cho người xấu lách luật.

-Xin cám ơn ông!

Ngoài ông Vũ Huy Hoàng, một số cán bộ lãnh đạo khác đã bị kỷ luật bằng hình thức "xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm" sau khi nghỉ hưu, bao gồm:

Ông Nguyễn Văn Vịnh: Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai giai đoạn 2010–2013. Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xóa tư cách chức vụ này do những vi phạm, khuyết điểm trong công tác mà Trung ương đã thi hành kỷ luật về Đảng.

Ông Doãn Văn Hưởng: Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai giai đoạn 2014–2015 và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai giai đoạn 2011–2013. Ông bị xóa tư cách ở cả hai chức vụ này do các vi phạm tương tự.

Ông Nguyễn Thanh Dương: Nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai giai đoạn 2011–2019. Ông bị xóa tư cách chức vụ này do những vi phạm trong công tác.

Ông Lê Ngọc Hưng: Nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai giai đoạn 2014–2020. Ông cũng bị xóa tư cách chức vụ này vì các vi phạm đã được xác định.

Lê Thọ Bình

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/xoa-tu-cach-chuc-vu-hinh-thuc-ky-luat-mang-dau-an-viet-nam-post184113.html?utm_source=web_vt&utm_medium=home_noibat_vt&utm_campaign=noibat
Zalo