Xóa nhòa nỗi ám ảnh 'mình dây' của các nữ vận động viên thể dục dụng cụ

Siêu sao thể dục dụng cụ người Mỹ Simone Biles đã có màn trở lại đầy ngoạn mục tại giải U.S. Classic 2023. Là lần tái xuất kể từ Thế vận hội 2021, khi cô quyết định rút khỏi thi đấu vì lý do sức khỏe tinh thần, Biles đã đánh dấu hành trình thi đấu mới bằng một chiến thắng thuyết phục. Tuy nhiên, lý do lớn hơn để người ta háo hức là sự trở lại của Biles là bằng chứng cho thấy những lối mòn trong văn hóa của thể dục dụng cụ nữ đã không còn.

 Simone Biles thi đấu trên xà đơn tại giải U.S. Classic 2023

Simone Biles thi đấu trên xà đơn tại giải U.S. Classic 2023

Áp lực giữ dáng

Ở tuổi 26, Biles bị nhiều bình luận viên gọi là "già" để thi đấu thể dục dụng cụ. Các vận động viên thể dục dụng cụ thường có tuổi đời rất trẻ và tuổi nghề ngắn, bởi bộ môn này yêu cầu gắt gao về tỷ lệ sức mạnh dựa theo cân nặng. Trước đây, các huấn luyện viên thường chú tâm nhiều hơn vào trọng lượng cơ thể.

Do đó, họ gây áp lực khiến các vận động viên phải ăn ít hơn để cơ thể trở nên nhẹ cân hơn, tạo ra hình mẫu cơ thể giống những đứa trẻ chưa dậy thì. Trong các chương trình bình luận trên truyền hình trước kia, người ta vẫn thường ca ngợi những cơ thể nhỏ bé và gầy gò như cơ thể một đứa trẻ và coi đó là chuẩn mực cho thể dục dụng cụ.

Nadia Comaneci, vận động viên người Romania từng giành được điểm 10 tuyệt đối tại Thế vận hội 1976 ở tuổi 14, đã bị nhận xét rằng cô lớn quá nhanh để có thể tham gia thi đấu thể dục dụng cụ. Đó là vào Thế vận hội 1980, khi cô cao hơn và có thân hình của một thiếu nữ chứ không phải là một cô bé.

Năm 1994, một nhà phân tích đã lên tiếng trên sóng truyền hình để bảo vệ cho đương kim vô địch xà ngang Olympic, Tatiana Lysenko: "Nhiều khán giả có thể sẽ thốt lên: Ôi, cô ấy thật là mập mạp! Nhưng không, cô ấy là một cô gái trẻ có thân hình cân đối. Thực sự rất khó để đánh giá kích thước của họ trên truyền hình".

Những áp lực giữ dáng đặt lên các nữ vận động viên mang tính không lành mạnh và quan trọng hơn, về lâu dài, các biện pháp đó có thể gây ảnh hưởng đến kinh nguyệt của các vận động viên (không có hoặc có nhưng không đều), khiến cho mức năng lượng trong cơ thể của họ thấp hơn bình thường và giảm mật độ xương.

Jennifer Sey từng bị huấn luyện viên phạt vì ăn hết một chiếc bánh mì vòng cho bữa tối. Những biện pháp ép cân khắc nghiệt đã khiến cô bị suy dinh dưỡng và không có kinh nguyệt cho đến khi 20 tuổi. Ảnh: Jen Sey

Jennifer Sey từng bị huấn luyện viên phạt vì ăn hết một chiếc bánh mì vòng cho bữa tối. Những biện pháp ép cân khắc nghiệt đã khiến cô bị suy dinh dưỡng và không có kinh nguyệt cho đến khi 20 tuổi. Ảnh: Jen Sey

Điều này có thể dẫn đến gãy xương do căng thẳng, thường là các rãnh nứt ở phần vỏ xương và nhiều chấn thương nghiêm trọng khác. Jennifer Sey, nhà vô địch thể dục dụng cụ quốc gia Mỹ năm 1986, đã mô tả việc sống bằng chế độ ăn kiêng với táo và rau diếp. Sey cũng từng phải thi đấu với một bên mắt cá chân bị gãy trong hai năm.

Mattie Larson, người từng giành huy chương Bạc thế giới năm 2010, nói rằng cô đã từng thi đấu mà chỉ ăn 2 miếng chocolate Toblerone vào ngày hôm đó. "Tôi luôn cảm thấy như mình sẽ ngất đi khi kết thúc buổi tập", Larson nói. "Khoảng 15-16 tuổi, tôi bắt đầu uống nhiều thuốc nhuận tràng mỗi ngày. Thật điên rồ khi trọng tâm luyện tập của tôi dường như không phải thể dục dụng cụ nữa", Larson nói.

Cô đã từng bị chấn thương nhiều lần. Trong một lần tham gia trại huấn luyện, cô đã bị thương nặng ở cả hai chân và "phải hoàn thành khóa huấn luyện với việc đi lại bằng tay và hai đầu gối".

Bài học từ những sai lầm trong quá khứ

Chủ kênh podcast chuyên về thể dục dụng cụ Jessica O'Beirne nhận định rằng, nhiều huấn luyện viên đã rút ra được bài học từ những sai lầm trong quá khứ: "Một trong những thay đổi lớn nhất là việc mọi người giờ đã hiểu tầm quan trọng của dinh dưỡng.

Nếu không có chế độ dinh dưỡng tốt, vận động viên sẽ bị gãy xương liên tục và cơ thể sẽ không thể chịu được những áp lực từ việc thi đấu liên tục. Những vận động viên có khả năng thi đấu tốt đều là những người có cơ thể phát triển bình thường. Dù Biles chưa được 1m45 nhưng cơ thể của cô ấy là của một người trưởng thành bình thường".

Giờ đây, ở nhiều nước, các vận động viên thể dục dụng cụ còn tập tạ. Các đối thủ của Biles tại U.S. Classic cũng phá vỡ khuôn mẫu cơ thể thiếu niên của vận động viên thể dục dụng cụ. Họ là Jade Carey, 23 tuổi, từng giành huy chương Vàng Olympic và Jordan Chiles, 22 tuổi, người đã giành được 3 huy chương tại giải vô địch thế giới năm ngoái.

Giống như Biles, Carey và Chiles có khả năng tự bật cơ thể lên không trung cao hơn để thực hiện nhiều cú xoay người, nâng cao độ khó trong bài thi và đạt điểm cao hơn.

Tuy nhiên, vẫn có những chuyên gia trong môn thể thao này còn giữ quan điểm rằng các nữ vận động viên phải gầy. O'Beirne kể lại, một quan chức cấp cao trong Liên đoàn Thể dục dụng cụ Mỹ đã đề cập đến một vận động viên đang lên và nhận xét rằng, cô ấy có "vẻ ngoài quốc tế".

Đây là cụm từ lâu nay được sử dụng để chỉ cơ thể gầy. Nhưng giờ đây, các vận động viên đã có thể tiếp xúc nhiều hơn với thế giới bên ngoài.

"Niềm tự hào về cơ thể ở các vận động viên giờ là điều mà chúng ta không tìm thấy trong quá khứ. Mạng xã hội đã giúp họ theo một cách nào đó, bởi họ nhận ra rằng, cơ thể của họ rất hấp dẫn và họ sẽ đăng những tấm ảnh chụp bản thân lên mạng xã hội. Trước đây, họ sẽ bị coi thường và thậm chí là bị đuổi khỏi đội với ngoại hình như vậy. Nhưng giờ mọi chuyện đã khác", Beirne nói.

Nguồn: CNN

Minh Trang

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/xoa-nhoa-noi-am-anh-minh-day-cua-cac-nu-van-dong-vien-the-duc-dung-cu-20230828183355152.htm
Zalo