Xóa nhà tạm, nhà dột nát trên toàn quốc: Chỉ bàn làm, không bàn lùi
Với quyết tâm 'chỉ bàn làm, không bàn lùi' Mặt trận các địa phương đang tập trung mọi nguồn lực đẩy nhanh tiến độ, để đến ngày 31/10 cơ bản hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước.

Các lực lượng tại chỗ và người dân xã Biên Sơn (huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) giúp người dân xây dựng nhà ở. Ảnh: Văn Chức.
Tăng tốc về đích xóa nhà tạm trong tháng 10/2025
Thực hiện Phong trào thi đua Chung tay xóa nhà tạm nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025 do Thủ tướng Chính phủ và Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam phát động, các tỉnh, thành phố trên toàn quốc đang quyết tâm cao, nỗ lực lớn để hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025.
Phong trào Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát không chỉ đơn thuần là nhiệm vụ an sinh xã hội, mà còn là hành động đầy ý nghĩa, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đặc biệt là các gia đình chính sách, hộ nghèo và cận nghèo.
Để hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát vượt kế hoạch đặt ra, trong phiên họp của Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước với các bộ, ngành, địa phương (ngày 10/3) Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu các địa phương phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn, đã nói là phải làm, đã cam kết phải thực hiện, phải phân công, phân cấp, phân nhiệm bảo đảm 5 rõ “rõ người, rõ việc, rõ kết quả, rõ tiến độ, rõ trách nhiệm”. Với tinh thần “chỉ bàn làm, không bàn lùi” cả hệ thống chính trị quyết tâm đến ngày 31/10/2025 cơ bản hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước.
Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành địa phương tăng cường công tác thông tin truyền thông, tạo động lực, truyền cảm hứng cho nhân dân, kêu gọi tinh thần tự giác, ý thức tự lực, tự cường vươn lên đối với những người được hưởng thụ. Đa dạng hóa nguồn lực thực hiện chương trình với tinh thần: Ai có gì giúp nấy, có công giúp công, có của giúp của, có nhiều giúp nhiều, có ít giúp ít. Đặc biệt các thành phố lớn, địa phương đầu tàu về kinh tế như Hà Nội, TPHCM, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương… cần hỗ trợ cho các địa phương còn khó khăn trong thực hiện Chương trình.
Thủ tướng cũng đề nghị UBTƯ MTTQ Việt Nam chỉ đạo hệ thống Mặt trận các địa phương tổ chức tiếp nhận, phân bổ, quản lý, sử dụng nguồn lực hỗ trợ theo đúng quy định pháp luật, bảo đảm đúng đối tượng, tránh thất thoát, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời, Mặt trận các cấp tăng cường công tác giám sát việc phân bổ, xây dựng bảo đảm hoàn thành mục tiêu chương trình đặt ra.
Ông Đỗ Văn Chiến - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy MTTQ, các đoàn thể Trung ương, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam khẳng định, UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ tiếp tục tiếp nhận Quỹ Vì người nghèo để hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát và phân bổ đến các tỉnh. Đồng thời, tăng cường công tác vận động huy động nguồn lực, giám sát việc phân bổ, xây dựng bảo đảm mục tiêu chương trình đặt ra. Khi cả hệ thống chính trị vào cuộc chúng ta chắc chắn sẽ làm được. Vì khó khăn như tỉnh Điện Biên mà trong 8 tháng, MTTQ Việt Nam đã làm được 5.000 căn nhà thì với quyết tâm rất cao, chúng ta sẽ xóa được hết nhà tạm, nhà dột nát vào năm 2025, góp phần vào công tác xóa đói giảm nghèo. Trong các khó khăn của người nghèo, nghèo về nhà ở là điều cần quan tâm đầu tiên vì an cư thì mới lạc nghiệp, sau đó là các sinh kế khác.
Giúp người dân an cư, lạc nghiệp
Hơn 20 năm, nơi sinh sống của gia đình ông Chang Bùa Thào ở bản Lùng Cúng (xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) là căn nhà xiêu vẹo được quây lại bởi các miếng vách thủng lỗ chỗ. Những tấm lợp cũ đã cũ mục rữa không đủ che nắng, mưa. Mỗi khi trời mưa, gió lớn, những cây cột mục nghiêng ngả, nhà dột khắp nơi. Một mái nhà vững chãi để ở là mong mỏi lớn nhất của cả gia đình.
Đầu năm nay, niềm vui đến khi gia đình được nhận kinh phí hỗ trợ 60 triệu đồng để làm nhà mới. Từ số tiền hỗ trợ ý nghĩa này, vợ chồng ông Thào đã nỗ lực đối ứng kinh phí để xây dựng ngôi nhà kiên cố với tổng số tiền gần 200 triệu đồng. Nhìn căn nhà mới đang dần hoàn thiện, ông Thào phấn khởi cho biết: Nếu không có sự hỗ trợ từ Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam thì không biết khi nào gia đình mới xây được căn nhà mới. Có nơi ở ổn định rồi từ nay gia đình tôi sẽ cố gắng phấn đấu làm ăn để thoát nghèo.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Mù Cang Chải Hảng A Ký cho biết, trong năm 2025, toàn huyện đặt mục tiêu xóa 771 nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, gia đình chính sách, người có công với kinh phí gần 42 tỷ đồng. Tính đến giữa tháng 4/2025, các xã đã khởi công 767/771 nhà ở cho hộ nghèo, gia đình chính sách, người có công. Toàn huyện phấn đấu hoàn thành kế hoạch xóa nhà tạm, nhà dột nát trước ngày 30/5/2025.
Theo ông Giàng A Tông - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Yên Bái, thời điểm này, các địa phương đang tập trung mọi nguồn lực nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Với vai trò chủ trì hiệp thương, MTTQ các cấp đã phân công trách nhiệm cụ thể với các tổ chức thành viên để vận động cán bộ, hội viên, đoàn viên và nhân dân cùng tham gia góp công, góp sức giúp các gia đình có hoàn cảnh khó khăn xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Để đẩy nhanh tiến độ triển khai, cấp ủy, chính quyền, MTTQ các cấp tỉnh Yên Bái đang tích cực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, linh hoạt để tháo gỡ vướng mắc về đất ở, hỗ trợ về vốn giúp người dân xây dựng nhà ở. Bên cạnh nguồn kinh phí 60 triệu đồng hỗ trợ của Nhà nước, chính quyền địa phương hướng dẫn người dân vay thêm từ Ngân hàng Chính sách xã hội hoặc từ các chương trình mục tiêu quốc gia. Đối với các hộ gia đình nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn không có khả năng làm nhà, chính quyền, MTTQ các cấp và các đoàn thể trực tiếp giúp đỡ xây dựng nơi ở mới. Sau khi được hỗ trợ làm mới hoặc sửa chữa, các ngôi nhà đều bảo đảm diện tích sử dụng tối thiểu 30m2 với tiêu chí "3 cứng” có tuổi thọ từ 20 năm trở lên.
“Năm 2025 tỉnh Yên Bái quyết tâm xóa 2.208 nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo, người có công trên địa bàn. Đến nay, các địa phương đã khởi công hơn 98% số nhà tạm, nhà dột nát và sẽ phấn đấu hoàn thành trong tháng 6/2025” - ông Giàng A Tông cho biết.
Với mục tiêu cán đích nhiệm vụ xóa nhà tạm, nhà dột nát trong tháng 10/2025, Mặt trận các địa phương đang tích cực triển khai với nhiều mô hình hỗ trợ linh hoạt kêu gọi sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và người dân. Ông Nguyễn Hoàng Tùng - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lạng Sơn cho biết, theo thống kê toàn tỉnh có hơn 4.400 nhà tạm sẽ được xây mới, sửa chữa. Đến nay, tỉnh đã hoàn thành hơn 1.000 căn nhà. Để hoàn thành số lượng nhà còn lại, Ban Chỉ đạo tỉnh đang tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc giúp người dân xây dựng, sửa chữa nhà ở. Tại tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn các huyện đều thành lập tổ công tác để trực tiếp hỗ trợ các đối tượng thụ hưởng. Mỗi tổ công tác đảm nhận từ 2 nhà xây mới và 3 - 4 nhà sửa chữa.
Sau gần 1 năm phát động, phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn đã đạt nhiều kết quả tích cực. Tính đến nay, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lạng Sơn đã tiếp nhận được trên 170 tỷ đồng, trong đó đã chi gần 154 tỷ đồng để tiến hành xây và sửa chữa nhà cho đối tượng thụ hưởng. Tỉnh phấn đấu sẽ hoàn thành nhiệm vụ xóa bỏ 100% nhà tạm, nhà dột nát vào tháng 9/2025.
Ông Đinh Đức Cảnh - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Giang: Thu hút sự tham gia hưởng ứng của đông đảo nhân dân
Với mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, tỉnh Bắc Giang đã đẩy mạnh việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ gia đình người có công bằng nguồn xã hội hóa. Do vậy, chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát đã thu hút sự tham gia hưởng ứng của đông đảo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân. Toàn tỉnh cũng đã khởi công 682/813 nhà, hoàn thành và bàn giao 241 nhà. Ngoài triển khai Chương trình vận động, hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh, MTTQ các cấp còn đẩy mạnh triển khai hỗ trợ xây nhà đại đoàn kết. Đến nay, toàn tỉnh đã có trên 200 nhà được khởi công xây dựng tiêu biểu như: Huyện Hiệp Hòa 64 nhà; TP Bắc Giang 62 nhà; huyện Tân Yên 47 nhà; huyện Lạng Giang 27 nhà.