Xóa nhà tạm, nhà dột nát: Rà soát, tháo gỡ vướng mắc về đất đai
Năm nay, Bắc Giang đặt mục tiêu đến hết tháng 9 cơ bản hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát đối với các hộ đủ điều kiện pháp lý về đất đai và trong tháng 11 hoàn thành toàn bộ chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát. Theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương, ngành liên quan khẩn trương rà roát chính xác từng trường hợp, kịp thời tháo gỡ vướng mắc về đất đai, bảo đảm điều kiện hỗ trợ.
Nhiều vấn đề phát sinh
Theo các chương trình, đề án đang triển khai, những trường hợp được hỗ trợ là hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhà tạm, nhà dột nát, hộ người có công gặp khó khăn về nhà ở, nhà ở xuống cấp cần được sửa chữa, xây mới; đất ở không có tranh chấp, đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, phù hợp với quy hoạch và không nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở.

Cán bộ xã An Lạc (Sơn Động) rà soát thông tin thửa đất của hộ ông Hoàng Văn Hà, thôn Biểng.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, năm nay, thống kê ban đầu, toàn tỉnh có 1.224 trường hợp thuộc các chương trình, đề án xóa nhà tạm, nhà dột nát. Trong đó có 634 trường hợp đủ điều kiện hỗ trợ, các hộ còn lại còn gặp vướng mắc về thủ tục đất đai như: Chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở do nhà xây trên đất trồng cây lâu năm, hằng năm, đất lâm nghiệp… song chưa chuyển mục đích sử dụng đất; đất ở không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng; vi phạm pháp luật về đất đai…
Huyện Sơn Động có số hộ cần xóa nhà tạm, nhà dột nát rất lớn. Toàn huyện có 562 trường hợp cần được hỗ trợ kinh phí xây mới, sửa chữa nhà; trong đó có 178 hộ đủ điều kiện hỗ trợ, còn lại đang gặp vướng mắc. Hộ ông Hoàng Văn Hà, thôn Biểng, xã An Lạc là ví dụ. Vợ ông đã mất, ông đang sống cùng con trai trong căn nhà tường đất rộng gần 30 m2 đã xuống cấp, có thể đổ bất cứ lúc nào. Ông Hà cho biết: “Tôi mong có tiền để sửa chữa hoặc xây nhà mới nhưng nhà tôi đang ở nằm trên đất trồng cây lâu năm nên chưa đủ điều kiện được Nhà nước hỗ trợ”. Tương tự, hộ ông Vũ Bá Tuấn, thôn Thác, xã An Lạc đang ở trong ngôi nhà nhỏ hẹp, xuống cấp nhưng không được xét duyệt do làm nhà trên đất trồng cây lâu năm, không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất ở.
Năm nay, toàn huyện Lục Nam có 191 trường hợp khó khăn về nhà ở; trong đó có 178 hộ đủ điều kiện hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát; 13 trường hợp còn lại nhà đã xuống cấp song không đủ điều kiện hỗ trợ, trong số này có 5 hộ chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Tại các huyện Yên Thế, Lục Ngạn, Lạng Giang và thị xã Chũ,… cũng có nhiều hộ cần được hỗ trợ kinh phí xóa nhà tạm, nhà dột nát song còn vướng mắc thủ tục về đất đai.
Thành lập tổ công tác hỗ trợ thủ tục
Tỉnh xác định việc xóa nhà tạm, nhà dột nát là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Do đó ngay từ đầu năm, lãnh đạo tỉnh quán triệt các địa phương, các ngành liên quan cần tập trung thực hiện các giải pháp xóa nhà tạm, nhà dột nát với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt. Đồng thời triển khai có trọng tâm, trọng điểm, dứt điểm; phân công rõ người, rõ việc, rõ thời gian gắn với đánh giá kết quả.
Tỉnh xác định việc xóa nhà tạm, nhà dột nát là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Do đó, ngay từ đầu năm, lãnh đạo tỉnh quán triệt các địa phương, các ngành liên quan cần tập trung thực hiện các giải pháp xóa nhà tạm, nhà dột nát với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt.
Đầu tháng 1 vừa qua, Ban Chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát năm 2025. Trong đó giao nhiệm vụ cho các địa phương, ngành liên quan chậm nhất đến hết tháng 3 tháo gỡ cơ bản xong các vướng mắc; đến ngày 31/5 phê duyệt và đôn đốc khởi công hết các công trình đủ điều kiện. Đặc biệt, tỉnh yêu cầu các địa phương khẩn trương kiện toàn, thành lập tổ công tác do đồng chí lãnh đạo UBND cấp huyện làm tổ trưởng. Tổ công tác có trách nhiệm rà soát chính xác, phân loại các trường hợp còn vướng mắc về đất đai, kịp thời hỗ trợ người dân hoàn thiện thủ tục pháp lý để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Thực hiện sự chỉ đạo trên, đến nay, phần lớn các địa phương đã thành lập tổ công tác, cơ bản hoàn thành việc rà soát số hộ cần xóa nhà tạm, nhà dột nát. Đồng chí Nguyễn Văn Bằng, Chủ tịch UBND huyện Lạng Giang cho biết, hiện nay tổ công tác của huyện cử cán bộ trực tiếp hỗ trợ các hộ đủ điều kiện thiết lập hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo phương pháp “cầm tay chỉ việc”. Huyện miễn phí tiền đo đạc diện tích thửa đất cho các hộ”.
Hiện tổ công tác của huyện Sơn Động đang khẩn trương hướng dẫn các hộ xây nhà trên đất phù hợp với quy hoạch đất ở hoàn thiện hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất để cấp giấy. Trong tháng 2 năm nay, huyện đã hoàn thiện hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 4 trường hợp cần xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Đồng chí Phí Thanh Bình, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, Sở đã phối hợp với các địa phương rà soát, xác định rõ nguồn gốc đất, hiện trạng, diện tích sử dụng, sự phù hợp với các quy hoạch, vướng mắc liên quan đến đất đai của từng trường hợp để giải quyết. Cụ thể, đối với các hộ chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, các xã, phường, thị trấn đôn đốc các hộ đến trụ sở ủy ban cấp xã để thiết lập hồ sơ đề nghị cấp giấy hoặc hướng dẫn chuyển nhượng quyền sử dụng, chuyển mục đích sử dụng đối với thửa đất phù hợp với quy hoạch.
Các hộ dân sử dụng đất không đúng mục đích, chưa được cấp giấy chứng nhận thì thực hiện ngay việc kê khai, đăng ký, cập nhật biến động về đất đai. Đối với những trường hợp không đủ điều kiện tách thửa, cấp giấy chứng nhận; không có đất ở, đang ở trên đất nông nghiệp, UBND cấp huyện xem xét lập dự án khu dân cư để giao đất cho các hộ theo quy định… Cùng với giải pháp trên, Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn các địa phương xem xét ghi nợ tiền sử dụng đất cho các hộ đủ điều kiện khi cấp giấy chứng nhận. Với những trường hợp chưa thể tháo gỡ vướng mắc, các địa phương cần áp dụng linh hoạt các giải pháp, tích cực vận động nguồn lực xã hội hóa, hỗ trợ cho các hộ sửa chữa, cải tạo phần tường, mái xuống cấp bảo đảm an toàn.