Xóa nghèo từ tư duy

Khoảng 5 năm trở lại đây, thôn Đội 5 là một trong những điểm sáng về công tác giảm nghèo ở xã Ngọc Linh (Vị Xuyên, Hà Giang).

Năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo của cả thôn lên tới 67%, nhưng đến tháng 6-2024 đã giảm xuống dưới 20%. Đặc biệt, hơn 60% hộ dân của thôn có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm, có hơn 10 hộ thu nhập trên 300 triệu đồng/năm. Điều đáng mừng, từ đầu năm 2024 đến nay, thôn Đội 5 có 6 hộ tự nguyện viết đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo.

Những thông tin trên thật đáng biểu dương, bởi với một xã vùng cao của huyện miền núi còn nhiều khó khăn, nhưng cấp ủy, chính quyền địa phương đã tìm ra hướng đi đúng để khơi thông nguồn lực, phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có trong phát triển kinh tế-xã hội. Mặt khác, những hộ dân tự nguyện viết đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo, cũng có nghĩa là họ sẽ không còn được thụ hưởng một số chính sách ưu đãi của Nhà nước.

 Tiết mục văn nghệ mừng Đảng, mừng Xuân Quý Mão 2023 tại xã Ngọc Linh, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Ảnh: vixuyen.hagiang.gov.vn

Tiết mục văn nghệ mừng Đảng, mừng Xuân Quý Mão 2023 tại xã Ngọc Linh, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Ảnh: vixuyen.hagiang.gov.vn

Điều đáng trân trọng hơn là lòng tự trọng, không trông chờ, ỷ lại; là tinh thần tự lực, vượt khó vươn lên, không cam chịu nghèo khó của bà con. Cũng nhờ tinh thần ấy mà mỗi một hộ dân thoát nghèo, địa phương sẽ có thêm nguồn lực để đầu tư phát triển, thực hiện an sinh xã hội.

Thực tế cho thấy, tỷ lệ hộ nghèo là một trong những tiêu chí đang làm khó nhiều địa phương, nhất là khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa trong tiến trình xây dựng nông thôn mới. Có nơi chậm tiến độ xây dựng nông thôn mới vì không đạt tiêu chí về tỷ lệ hộ nghèo. Có nơi, dù về đích nông thôn mới nhưng lãnh đạo địa phương không khỏi trăn trở, nguyên do là việc đạt được các tiêu chí không bền vững, trong đó có tiêu chí về tỷ lệ hộ nghèo. Bà con chưa đủ khả năng để vươn lên thoát nghèo hoặc chưa thể thoát nghèo bền vững, nhưng vì để hoàn thành tiêu chí này nên đã được lãnh đạo “động viên” xin ra khỏi diện hộ nghèo.

Không ai mong muốn bản thân, gia đình mình gặp khó khăn hay rơi vào cảnh túng thiếu, nghèo khó. Mọi sự hỗ trợ đều đáng quý, nhưng dù chủ trương có đúng, tiềm năng, lợi thế của địa phương có nhiều, nguồn lực hỗ trợ có lớn bao nhiêu, nếu người dân vẫn mang tâm lý trông chờ, ỷ lại, hoặc không muốn thoát nghèo để tiếp tục được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước thì mọi nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các cấp cũng không có nhiều ý nghĩa.

Để giúp bà con thoát nghèo, nhất là làm thế nào để thoát nghèo bền vững, chưa bao giờ là nhiệm vụ dễ dàng đối với từng địa phương. “Tặng bà con cần câu chứ không cho con cá” là quan điểm đúng đắn, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta trong hỗ trợ giảm nghèo từ nhiều năm nay. Nhưng để những chiếc “cần câu” phát huy hiệu quả, quan trọng nhất vẫn phải là ý thức tự vươn lên và phải xóa nghèo từ trong tư duy, nhận thức của mỗi người dân.

MINH MẠNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/xoa-ngheo-tu-tu-duy-801621
Zalo