Xóa mù về trí tuệ nhân tạo

Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là lựa chọn bắt buộc, là con đường duy nhất để đưa đất nước phát triển và nâng cao đời sống người dân.

Mục tiêu cao nhất của quá trình này là quản trị xã hội tốt hơn và ứng dụng vào sản xuất, tăng năng suất lao động. Vì vậy, yêu cầu đặt ra ngay từ bây giờ là phải xóa mù về trí tuệ nhân tạo (AI), xóa mù công nghệ nhằm nâng cao năng lực số cho tất cả người dân, góp phần hình thành xã hội năng động, sáng tạo, tiến bộ.

Hiện thực hóa lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chính phủ đã phát động phong trào “Bình dân học vụ số”. Phong trào có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển đất nước; thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong công cuộc phát triển quốc gia số, chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số, đưa Việt Nam phát triển nhanh, toàn diện và bền vững.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Mỗi đảng viên, cán bộ, công chức phải tiên phong, gương mẫu trong thực hiện phong trào, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cần được cập nhật, nâng cao kỹ năng số, dùng nền tảng số hiệu quả. Học sinh, sinh viên được trang bị kiến thức số phục vụ học tập và bảo vệ bản thân. Người lao động biết dùng thiết bị thông minh để tăng năng suất. Người dân biết dùng các dịch vụ số thiết yếu, dịch vụ công trực tuyến an toàn.

 Đội hình "Bình dân học vụ số" phường Phù Đổng (TP. Pleiku) họp triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số. Ảnh: M.N

Đội hình "Bình dân học vụ số" phường Phù Đổng (TP. Pleiku) họp triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số. Ảnh: M.N

Thực tế cho thấy, AI, trợ lý ảo đã và đang được ứng dụng mạnh mẽ, hỗ trợ hữu hiệu trong giải quyết công việc hàng ngày của cán bộ, công chức, viên chức. Tại các cơ quan, ban, ngành, nhiều người đã phát huy tinh thần học hỏi, tiên phong trang bị kiến thức về AI và áp dụng vào công việc như: hỗ trợ viết mail, báo cáo, thông cáo; quản lý nhân sự, lịch làm việc và các cuộc họp; tìm kiếm và tổng hợp thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, phân tích dữ liệu và tạo báo cáo, biểu đồ, sơ đồ tư duy; quản lý dự án…

Tại các cơ quan báo chí-truyền thông, việc ứng dụng AI, trợ lý ảo đang trở thành xu hướng phổ biến, ứng dụng thường xuyên ở loại hình phát thanh, truyền hình hay trong khâu biên tập, xuất bản. Nhận thức rõ tầm quan trọng của công nghệ, nhiều địa phương đã tổ chức các lớp bồi dưỡng năng lực số, kiến thức cũng như kỹ năng ứng dụng AI cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Nhằm lan tỏa phong trào, hướng đến tất cả người dân có thể sử dụng thành thạo các thiết bị thông minh, các ứng dụng công nghệ vào cuộc sống, từ ngày 1-4, nền tảng “Bình dân học vụ số” do Bộ Công an phối hợp cùng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội vận hành chính thức đi vào hoạt động. Đây là nơi cung cấp các khóa học về AI, công nghệ, phổ cập thông tin về chuyển đổi số, kiến thức về an toàn thông tin trong không gian mạng cho người dân.

Nền tảng có giao diện khá thân thiện, dễ sử dụng. Người dùng chỉ cần có một chiếc điện thoại thông minh, sử dụng ứng dụng VNeID để quét mã QR đăng nhập vào nền tảng. Sau đó, dựa trên nhu cầu cá nhân có thể đăng ký các khóa học về công nghệ, cách sử dụng AI.

Đồng thời, người dân cũng dễ dàng tìm hiểu thêm các thông tin về Luật Căn cước, Đề án 06, kiến thức an toàn thông tin, tài liệu về Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22-12-2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia ngay trên nền tảng này.

Tại Gia Lai, phong trào “Bình dân học vụ số” được các cấp bộ Đoàn tiên phong triển khai nhân Tháng Thanh niên. Các cơ sở Đoàn đã thành lập thành nhiều đội hình “đi từng ngõ, gõ từng nhà” hướng dẫn người dân trực tiếp sử dụng các thiết bị công nghệ thông minh để theo dõi tin tức chính thống, cách nhận diện tin giả, nhận diện cách thức, thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng cũng như giúp bà con cài đặt và hướng dẫn sử dụng ứng dụng VNeID, ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt…

Chỉ tính riêng trong Tháng Thanh niên, các tổ chức cơ sở Đoàn trong tỉnh đã triển khai 25 đội hình thanh niên tình nguyện “Bình dân học vụ số”, tổ chức 25 chương trình tập huấn, phổ cập kỹ năng số cho 990 người dân. Ngoài ra, hơn 1.700 tổ công nghệ số cộng đồng được thành lập ở các xã, phường trong tỉnh cũng là “trợ thủ” đắc lực trong việc tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Tuy nhiên, cùng với việc hoàn thiện chính sách, hạ tầng số, nền tảng số và sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng thì yếu tố quan trọng nhất quyết định thành bại của quá trình xóa mù AI chính là tinh thần chủ động vượt khó của mỗi người.

Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phải không ngừng tự trau dồi, học hỏi, cập nhật những kiến thức mới, kỹ năng mới liên quan đến công nghệ thông tin, AI, trợ lý ảo... phục vụ cho công việc. Mỗi học sinh, sinh viên cần trang bị cho mình những công cụ AI, trợ lý học tập hiệu quả.

Và để không bị thụt lùi, mỗi người dân cũng phải chủ động cập nhật các kiến thức, kỹ năng mới liên quan đến công nghệ và tích cực ứng dụng vào sản xuất kinh doanh cũng như đời sống hàng ngày một cách thành thạo để bắt nhịp cùng với thời đại, hòa mình vào sự phát triển chung của đất nước.

KHÔI NGUYÊN

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/xoa-mu-ve-tri-tue-nhan-tao-post318467.html
Zalo