Xóa mù chữ cho đồng bào nơi biên giới - Không để ai bị bỏ lại phía sau

Trong số 60 cá nhân tiêu biểu trên toàn quốc được Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Thiên Long tuyên dương trong Chương trình 'Chia sẻ cùng thầy cô' năm 2024, lực lượng BĐBP vinh dự có 4 đồng chí. Họ đại diện cho hàng trăm 'thầy giáo mang quân hàm xanh' đang ngày đêm miệt mài 'ươm mầm tri thức' cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn biên giới. Trước thềm lễ tuyên dương sẽ được tổ chức vào tối 16/11, tại Hà Nội, các cán bộ Biên phòng đã có những lời chia sẻ đầy tâm huyết về 'nghề' giáo.

Thiếu tá Hờ A Thành, nhân viên Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Mường Lèo, BĐBP Sơn La:

Trong 4 cán bộ Biên phòng được tuyên dương trong Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2024, mỗi người có một độ tuổi, đơn vị, địa bàn công tác khác nhau nhưng chúng tôi đều có một điểm chung, đó là luôn khát khao đóng góp công sức nhỏ bé của mình để nâng cao dân trí cho đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới. Với hơn 50 tuổi đời và hơn 23 năm công tác, tôi hiểu hơn ai hết những thiệt thòi, khó khăn của đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng cao, biên giới. Ngay từ những ngày còn đi học, tôi đã được nghe kể về những “thầy giáo mang quân hàm xanh” nên khi vào bộ đội, tôi luôn mong muốn được dạy chữ cho bà con và điều đó đã trở thành hiện thực khi tôi nhận công tác tại Đồn Biên phòng Mường Lèo.

Là người không được đào tạo cơ bản về kỹ năng sư phạm nên khi nhận nhiệm vụ đứng lớp dạy học, tôi phải nỗ lực rất nhiều. Do cơ sở vật chất thiếu thốn, điều kiện học tập còn khó khăn, nhiều học viên không biết tiếng phổ thông và đi học không đều... nên tôi đã nghiên cứu và đưa ra phương pháp dạy học phù hợp. Khó khăn nhất là vận động bà con đi học và duy trì việc học một cách đều đặn, nếu không có lòng kiên trì và yêu nghề thì rất khó vượt qua. Một lần, tôi đi từ đơn vị lên bản dạy chữ, đi được nửa đường thì trời mưa to, xe máy bị thủng săm, không có sóng điện thoại nên đêm đó, tôi phải ngủ lại giữa rừng. Trong quá trình dạy học, có biết bao kỷ niệm vui buồn khó có thể kể hết, điều hạnh phúc nhất đối với tôi là từ việc học xóa mù chữ, bà con đã thay đổi nhận thức và hành động để có cuộc sống tốt hơn.

Thiếu tá Hơ Văn Di, nhân viên Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Hiền Kiệt, BĐBP Thanh Hóa:

Tôi sinh ra, lớn lên và công tác ở huyện vùng cao biên giới Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa, nơi đồng bào còn nhiều phong tục, tập quán còn lạc hậu, trình độ dân trí hạn chế, tỉ lệ mù chữ, nhất là phụ nữ dân tộc Mông còn cao... Đáng chú ý, lợi dụng hiểu biết của người dân còn hạn chế, một số đối tượng đã tuyên truyền kích động, lôi kéo một bộ phận quần chúng vi phạm pháp luật, gây mất an ninh trật tự. Xuất phát từ tình hình đó, tôi đã tham mưu cho chỉ huy đơn vị phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức các lớp xóa mù chữ, xóa tái mù chữ cho nhân dân, kết hợp với tuyên truyền, phổ biến pháp luật và các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội...

Trong quá trình dạy xóa mù chữ, tôi và cán bộ đơn vị đã nỗ lực khắc phục một số khó khăn như: Lớp học cách xa đơn vị hàng chục cây số đường rừng; điều kiện thời tiết ở khu vực biên giới diễn biến thất thường; học viên đa số lớn tuổi, còn rụt rè, khả năng tiếp thu chậm... Khó khăn là vậy, nhưng niềm tin và sự yêu mến của đồng bào dành cho cán bộ Biên phòng đã thôi thúc tôi nỗ lực hết mình để dạy học. Ấn tượng nhất đối với tôi là nữ học viên sinh năm 1965, người dân tộc Mông, vượt qua rào cản về tuổi tác, suốt 3 tháng, chị kiên trì, bền bỉ đến lớp, rèn từng nét chữ và rồi đã biết đọc, biết viết. Đối với tôi, dạy xóa mù chữ cho đồng bào là việc làm thường xuyên và tôi luôn cố gắng để "không ai bị bỏ lại phía sau" do mù chữ.

Đại úy Lò Văn Thoại, nhân viên Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Nậm Lạnh, BĐBP Sơn La:

Cũng như nhiều xã miền núi biên giới khác, trên địa bàn 2 xã do đơn vị phụ trách, đồng bào còn gặp nhiều khó khăn, khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, kinh tế chậm phát triển, tình trạng mù chữ và tái mù chữ khá phổ biến, nhiều tập tục lạc hậu vẫn chưa được đẩy lùi... Những điều đó đã khiến tôi hết sức trăn trở và tôi mong muốn đồng bào phải biết đọc, biết viết mới làm được những việc khác. Tôi đã phối hợp với ban quản lý bản rà soát, lập danh sách các trường hợp tái mù chữ và mù chữ, đồng thời tham mưu cho cấp ủy, chỉ huy đơn vị mở lớp xóa mù chữ và tôi được phân công đứng lớp. Tuy nhiên, khi cái ăn còn chưa no thì việc vận động bà con đến lớp không phải chuyện “một sớm, một chiều”. Sau nhiều nỗ lực, từ chỗ chỉ có vài học viên, đến nay, lớp học đã có 24 học viên trong độ tuổi từ 14-45.

Tôi vẫn nhớ như in những buổi đầu tiên lên lớp, các học viên thuộc nhiều lứa tuổi khác nhau, khả năng tiếp thu cũng không đồng đều; nhiều người vốn lao động chân tay trên nương rẫy nên khi cầm bút phải thực hiện rất nhiều lần mới có thể viết ra được các nét chữ đơn giản và mất rất nhiều thời gian để đánh vần, viết thành từ trên trang giấy. Khó khăn rồi cũng qua đi, đó là khi phần lớn các học viên đã có thể đọc thông, viết thạo và làm các phép tính đơn giản. Điều đáng mừng là các học viên đã nhận thức được việc học chữ không chỉ giúp bà con đọc sách, báo, tiếp cận với các văn bản hành chính, mà còn giúp ích rất nhiều trong cuộc sống và tự tin hơn khi giao tiếp. Thật vinh dự và cảm động biết bao khi bà con dân bản gọi tôi với cái tên trìu mến “thầy giáo Thoại”. Điều đó tiếp thêm động lực để tôi tiếp tục đồng hành, giúp đỡ bà con.

Đại úy Nguyễn Đình Thông, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Tuyên Bình, BĐBP Long An:

Năm 2018, sau khi tốt nghiệp Học viện Biên phòng, tôi về nhận nhiệm vụ tại Đồn Biên phòng Thạnh Trị và đến tháng 7/2020, tôi được điều động về Đồn Biên phòng Tuyên Bình cho đến nay. Đứng chân trên địa bàn có các hộ dân di cư tự do từ Campuchia về Việt Nam sinh sống, đa số hoàn cảnh rất khó khăn, nhiều em nhỏ không được đến trường học tập, điều đó đã đặt ra nhiều thách thức đối với đơn vị và chính quyền địa phương. Với chức trách là Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, tôi được cấp ủy, chỉ huy đơn vị giao trực tiếp phụ trách, tham gia dạy học tại lớp học tình thương mà đơn vị đã tổ chức từ năm 2013.

Là người miền Trung, giọng nói rất “nặng” nên những ngày đầu tiếp xúc với các em nhỏ, tôi cố gắng nói thật chậm và rõ để các em nghe giảng tốt nhất. Bên cạnh nỗ lực hoàn thiện kỹ năng giảng bài, tôi tích cực nghiên cứu tài liệu, giáo trình và phương pháp dạy học cho học sinh tiểu học. Tôi rất may mắn khi mẹ tôi là giáo viên tiểu học, do đó, có gì khó khăn trong quá trình dạy học, tôi đều hỏi ý kiến của mẹ, từ cách truyền đạt sao cho hiệu quả đến các kiến thức mới cập nhật trong sách giáo khoa. Ngoài ra, tôi cũng học hỏi được nhiều kinh nghiệm từ các giáo viên tiểu học trên địa bàn. Học sinh được dạy theo chương trình phổ cập giáo dục tiểu học, đến nay, các em cơ bản đã biết đọc, biết viết và biết làm toán. Ngoài việc dạy chữ, tôi thường xuyên truyền đạt các kiến thức về văn hóa, xã hội, trang bị cho các em kỹ năng sống... Tôi luôn tâm niệm, tuổi trẻ là phải không ngừng đổi mới, sáng tạo, đồng thời luôn khát khao cống hiến để mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng.

Lê Hữu Tình (thực hiện)

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/xoa-mu-chu-cho-dong-bao-noi-bien-gioi-khong-de-ai-bi-bo-lai-phia-sau-post483493.html
Zalo