Xóa bỏ vùng xám trách nhiệm, từng bước đẩy lùi vấn nạn hàng giả
Hàng trăm tấn sữa giả và thực phẩm chức năng giả bị thu giữ chỉ trong hơn một tháng qua đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về lỗ hổng trong hệ thống quản lý. Nhưng đằng sau các thủ đoạn ngày càng tinh vi là một vấn đề sâu xa hơn: vùng xám trách nhiệm giữa các cơ quan chức năng, nơi pháp luật chưa đủ rõ và sự phối hợp chưa đủ mạnh. Đã đến lúc phải hành động mạnh mẽ để xóa bỏ vùng xám đó, nếu không muốn hàng giả tiếp tục lộng hành.
Thiếu phân định trách nhiệm – Lỗ hổng lớn trong quản lý an toàn thực phẩm
Hơn một tháng qua, Bộ Công an liên tiếp triệt phá nhiều vụ án nghiêm trọng buôn bán, sản xuất sữa giả và thực phẩm chức năng giả với quy mô lớn. Hàng trăm tấn sản phẩm vi phạm cùng hàng nghìn nhãn hiệu bị làm giả đã bị thu giữ. Các sản phẩm này chủ yếu được tiêu thụ qua sàn thương mại điện tử, gắn mác "nhập khẩu cao cấp" nhưng thực chất được sản xuất từ nguyên liệu trôi nổi, nhắm đến những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất như người cao tuổi và trẻ em. Theo Trung tướng Nguyễn Ngọc Lâm, Thứ trưởng Bộ Công an, có một điểm chung trong các vụ vi phạm này:
"Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm còn thiếu đồng bộ, chưa quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý, chưa đáp ứng mục tiêu kiểm soát chặt chẽ theo Luật An toàn thực phẩm. Đặc biệt, một số quy định tại Nghị định 15/2018 hướng dẫn thi hành luật còn kẽ hở, tạo điều kiện cho các đối tượng lợi dụng để sản xuất, buôn bán hàng giả, sử dụng các thủ đoạn tinh vi nhằm lừa dối người tiêu dùng và trốn tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng. Công tác quản lý nhà nước về cấp chứng nhận đạt chuẩn, kiểm nghiệm và hậu kiểm để kiểm soát chất lượng hàng giả còn nhiều tồn tại, thậm chí có tình trạng buông lỏng, móc nối với các đối tượng vi phạm. Điều này dẫn đến thực trạng hàng giả lưu thông trên thị trường trong thời gian dài mà không qua bất kỳ quy trình kiểm tra trực tiếp nào, chỉ được phát hiện khi cơ quan điều tra vào cuộc."
Bộ Y tế vào cuộc: Sửa ngay các quy định, khép kín quy trình kiểm soát
Thực tiễn điều tra không chỉ cho thấy mức độ tinh vi của các hành vi vi phạm, mà còn phơi bày những 'khe hở' trong hệ thống quản lý – xuất phát từ việc chưa phân định rõ ràng trách nhiệm giữa các cơ quan chức năng.Trước thực trạng đó, Bộ Y tế – với vai trò là cơ quan chủ trì trong quản lý an toàn thực phẩm – đã thể hiện rõ tinh thần quyết tâm hành động. Thứ trưởng Bộ Y tế, ông Đỗ Xuân Tuyên khẳng định:
"Bộ Y tế sẽ phối hợp với các bộ, ngành tiếp tục hoàn thiện và sửa đổi Luật An toàn thực phẩm. Trước ngày 20/5, Bộ sẽ trình dự thảo sửa đổi Nghị định 15/2018 theo hướng tiếp thu đầy đủ kiến nghị của Bộ Công an. Có 8 nội dung cần sửa đổi, bổ sung nhằm đảm bảo kiểm soát chặt chẽ hơn ở cả khâu tiền kiểm và hậu kiểm."
Không chỉ sửa luật – Cần xóa bỏ vùng giao thoa, chồng chéo trách nhiệm
Trong bối cảnh hàng giả ngày càng len lỏi sâu hơn vào môi trường thương mại điện tử, chỉ sửa đổi một nghị định là chưa đủ. Thách thức hiện nay không chỉ là kiểm soát các sản phẩm, mà là phải xóa bỏ vùng xám về trách nhiệm – tức những khoảng trống pháp lý và sự chồng chéo trong phân định nhiệm vụ giữa các cơ quan. Từ góc độ quản lý thị trường và giám sát chuỗi lưu thông, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh:
"Các bộ, ngành và lực lượng chức năng cần tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin, sớm xây dựng cơ chế phối hợp hiệu quả trong quản lý, giám sát, truy xuất nguồn gốc và xử lý vi phạm trên các nền tảng thương mại điện tử. Khi sửa đổi pháp luật, cần lồng ghép các quy định xử lý hoạt động liên quan đến tính chuyên ngành của từng bộ, đồng thời phân định rõ trách nhiệm giữa Luật An toàn thực phẩm và Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Hiện nay vẫn còn sự giao thoa về trách nhiệm giữa các bên. Vì vậy, cần quy định rõ trách nhiệm cụ thể hoặc thiết lập một đầu mối chịu trách nhiệm chính, để đảm bảo hiệu quả quản lý."
Nguyên tắc “6 rõ” và mệnh lệnh hành động từ Thủ tướng Chính phủ

Thủ tướng yêu cầu kiểm điểm nghiêm khắc, làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, đồng thời đề xuất nhiệm vụ, giải pháp, trách nhiệm của các cơ quan, các địa phương, lực lượng chức năng để ngăn chặn, đẩy lùi và chấm dứt tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả
Tại cuộc làm việc ngày 14/5, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh việc khẩn trương rà soát lại chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, không để bất kỳ khoảng trống pháp lý nào bị lợi dụng. Trên hết, phải hành động với quyết tâm cao, thực hiện nghiêm nguyên tắc "6 rõ": rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền, rõ sản phẩm. Chỉ khi hệ thống trách nhiệm được thiết lập đồng bộ, cơ chế phối hợp vận hành thông suốt, các chế tài mới đủ sức phát huy tác dụng – tạo nên hàng rào kiểm soát vững chắc, xóa bỏ vùng xám trách nhiệm và từng bước đẩy lùi vấn nạn hàng giả.