Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'
Suốt thời gian dài, tệ nạn nghi kỵ 'cầm đồ thuốc độc' ở miền núi Quảng Ngãi trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng, gây hoang mang, chia rẽ mối đoàn kết cộng đồng, nhiều người bị nghi ngờ có 'đồ độc' phải bỏ làng vào rừng hoặc tự tử, thậm chí bị đánh đập dã man cho đến chết.
Những năm qua, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, hủ tục này đang dần được ngăn chặn và đẩy lùi, góp phần mang lại cuộc sống bình yên cho người dân vùng cao Quảng Ngãi.
Kẻ chết, người tù tội vì hủ tục
Nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” là hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, tồn tại bao đời nay ở các huyện vùng cao của tỉnh Quảng Ngãi. Các nạn nhân bị nghi ngờ có “đồ độc” sẽ phải bỏ làng vào rừng sinh sống hoặc tự tử, thậm chí nhiều trường hợp bị đánh đập dã man cho đến chết. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến chia rẽ, bất an trong một số cộng đồng dân cư của đồng bào dân tộc ở vùng núi Quảng Ngãi.
Mười năm trước, thôn Gò Da (xã Sơn Ba, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi) nằm vắt vẻo trên đỉnh núi Cà Tu được nhiều người biết đến với vụ án mạng đau lòng khiến 2 phụ nữ thương vong. Hung thủ gây án mạng là Đinh Văn Bẻo và Đinh Văn Hút ở cùng thôn vốn quen biết nhau.
Nguyên nhân vụ án mạng được cho là do hủ tục nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc”, các đối tượng đã xuống tay với hai người phụ nữ cùng thôn. Cho đến nay, Đinh Văn Bẻo đã chấp hành xong án phạt tù, trong khi Đinh Văn Hút vẫn còn đang thi hành án tù giam.
Cũng bởi nghi ông Phạm Văn Lối (ở thôn Làng Tốt, xã Ba Lế, huyện Ba Tơ) “cầm đồ thuốc độc”, ba năm trước Phạm Văn Soi, Phạm Văn Cua và Phạm Văn Nghề (đều ở thôn Làng Tốt) đã sát hại ông Lối rồi vứt thi thể xuống sông Liên.
Vụ án gây rúng động trong cộng đồng, khiến người dân hoang mang. Cả ba đối tượng Phạm Văn Soi, Phạm Văn Cua và Phạm Văn Nghề đều bị phạt tù, đến nay vẫn đang thi hành án.
Tương tự, vì nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” mà ông Phạm Văn Chín (trú xã Ba Lế, huyện Ba Tơ) cùng 5 người khác đã sát hại ông Phạm Văn Giai. Trở về gia đình sau thời gian chấp hành án phạt tù về tội giết người, ông Phạm Văn Chín vẫn ám ảnh, day dứt về những gì đã xảy ra.
“Trước đây, vì nghi kỵ một người “cầm đồ thuốc độc” nên tôi đã cùng một số người trong làng giết chết người đó. Tôi bị xử tù nhưng cải tạo tốt nên được về trước thời hạn. Bây giờ sợ lắm rồi, không còn tin vào nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” nữa”, ông Chín nói.
Theo quan niệm của người đồng bào, “đồ độc” gồm các tạp vật, khi muốn hại người khác thì dùng “đồ độc” đụng vào người hoặc đem chôn gần bị hại và nguyền rủa. Do vậy, từ lâu trong thôn làng, mỗi khi có người bị bệnh, hay con vật bị chết người trong làng đều nghi bị “đồ độc”.
Ðẩy lùi, xóa bỏ hủ tục
Từng tham gia chiến trường các huyện miền Tây Quảng Ngãi và là một đảng viên, nhưng bà Hồ Thị Phương (trú xã Trà Phong, huyện Trà Bồng) bị một số hộ dân trong làng nghi có “đồ độc”. Suốt một thời gian dài bà luôn phải sống trong ám ảnh, lo sợ và bị xa lánh.
“Con gà, con vịt trong làng chết cũng đổ thừa. Người nào đau, bị cảm cũng đổ thừa. Hồi đó ban đêm tôi ngủ không được, tôi khóc miết vì mình trong sạch, không có gì hết mà bị vu oan. Tôi phải báo công an mời các hộ dân lên giải quyết ở thôn, ở xã. Có công an vào cuộc minh oan, không có ai còn nghi ngờ tôi nữa”, bà Phương kể lại.
Theo thống kê, từ năm 2003-2014, trên địa bàn các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi đã xảy ra 164 vụ nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” làm 7 người chết, 14 người bị thương, khởi tố 4 vụ với 12 bị can. Trước thực trạng trên, ngày 13/3/2014, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi ban hành Chỉ thị 30 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng nhằm ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tệ nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” trên địa bàn các huyện miền núi của tỉnh.
Qua 10 năm thực hiện, Chỉ thị số 30 đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân. Tệ nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” đã giảm đáng kể so với trước.
Từ năm 2014 đến nay, trên địa bàn các huyện miền núi Quảng Ngãi xảy ra 57 vụ nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc”. Lực lượng chức năng, chính quyền địa phương trong tỉnh đã giải quyết thông qua công tác vận động, hòa giải 55/57 vụ, chỉ có 2 vụ khởi tố hình sự với 5 bị can”.
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Ba Tơ Nguyễn Văn Huy cho rằng, tệ nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” tồn tại lâu đời, ăn sâu vào trong tiềm thức của đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi. Việc xóa bỏ nhổ tận gốc hủ tục này ngay là rất khó. Do vậy, công tác vận động, tuyên truyền, thậm chí là răn đe cần được tiến hành thường xuyên, liên tục, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành đoàn thể, có như vậy mới ngăn ngừa, đẩy lùi được hủ tục nghi kỵ cầm đồ thuốc độc.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ngãi Đặng Ngọc Huy cho biết, việc ngăn chặn, hạn chế, tiến tới đẩy lùi tệ nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” là một nhiệm vụ chính trị quan trọng.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ngãi Ðặng Ngọc Huy cho biết, việc ngăn chặn, hạn chế, tiến tới đẩy lùi tệ nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” là một nhiệm vụ chính trị quan trọng.
Theo đó, cần tuyên truyền, giáo dục phòng chống mê tín dị đoan, nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc”; phân tích rõ tác hại của tệ nạn này, phát huy những phong tục, các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, tiến tới xóa bỏ tập tục lạc hậu, phản khoa học.
Bên cạnh đó, phát huy tốt vai trò người có uy tín trong đồng bào thiểu số. Thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng cho người có uy tín về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kỹ năng tuyên truyền, vận động và giải quyết những mâu thuẫn... nhằm đẩy lùi, tiến tới xóa bỏ tệ nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” ở địa phương.
Lực lượng công an các cấp, nhất là ở miền núi Quảng Ngãi, cần tích cực nắm tình hình để kịp thời ngăn chặn, xử lý không để xảy ra hậu quả nghiêm trọng, gây mất trật tự, an toàn xã hội…