Xóa bỏ định kiến về kinh tế tư nhân, hình thành các chuỗi giá trị thuần Việt

'Kinh tế tư nhân cần được nâng đỡ để trở thành những xương sống, những 'gương mặt' cạnh tranh mạnh trên thế giới, trong đó Nhà nước đóng vai trò kiến tạo - không chỉ về thể chế, mà cả về định hướng và đồng hành trong quá trình phát triển', PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nêu quan điểm.

Kinh tế tư nhân là động lực chính cho tăng trưởng

Với hơn 940.000 doanh nghiệp và 5 triệu hộ kinh doanh, khu vực kinh tế tư nhân đang được kỳ vọng sẽ là "mỏ vàng" cho phát triển. Thế nhưng, hàng loạt rào cản – từ khó tiếp cận đất đai, tín dụng đến gánh nặng thủ tục – vẫn đang níu chân tư nhân trên hành trình lớn mạnh. Thậm chí, tâm lý "không muốn lớn, không dám lớn" vẫn phổ biến, đặc biệt trong khối kinh doanh cá thể. Khơi thông những điểm nghẽn này là điều kiện bắt buộc, nếu Việt Nam muốn giới doanh nhân thật sự "bung sức" cho chặng đường phía trước.

Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo, trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia, là lực lượng tiên phong thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng xanh, tuần hoàn, bền vững.

Kinh tế tư nhân không chỉ là một bộ phận cấu thành, mà là lực lượng nền tảng, quyết định trong nền kinh tế thị trường hiện đại.

Kinh tế tư nhân không chỉ là một bộ phận cấu thành, mà là lực lượng nền tảng, quyết định trong nền kinh tế thị trường hiện đại.

Cùng với kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân giữ vai trò nòng cốt để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, đưa đất nước thoát khỏi nguy cơ tụt hậu, vươn lên phát triển thịnh vượng.

PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh, kinh tế tư nhân không chỉ là một bộ phận cấu thành, mà là lực lượng nền tảng, quyết định trong nền kinh tế thị trường hiện đại. Đây cũng là khu vực chủ yếu sáng tạo ra của cải vật chất, năng lực phát triển cho con người - từ khoa học, công nghệ đến việc hình thành lực lượng sản xuất tiên tiến.

Không chỉ dừng ở phạm vi quốc gia, kinh tế tư nhân còn góp phần định hình hệ thống kinh tế toàn cầu. Kinh tế thị trường với lực lượng quyết định là kinh tế tư nhân có sứ mệnh giải quyết vấn đề phát triển của nhân loại. PGS.TS Trần Đình Thiên khẳng định vai trò thiết yếu của Nhà nước trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện và dẫn dắt khu vực tư nhân phát triển mạnh mẽ, đủ sức vươn ra toàn cầu.

Khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam tới nay đã có những tập đoàn mạnh, chứng minh khả năng có thể phát triển quy mô lớn, quản trị rủi ro tốt. Tuy nhiên, kinh tế tư nhân Việt Nam từng đối mặt với nhiều định kiến như: chỉ là đối tượng ưu tiên sau cùng so với doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, chưa được nhìn nhận là đối tác tin cậy trong tham gia thực hiện những chính sách trọng yếu của quốc gia (về hạ tầng, y tế, giáo dục). Thậm chí, họ là đối tượng cần kiểm soát giới hạn quy mô phát triển.

Tuy nhiên, với Nghị quyết số 68-NQ/TW, từ quan điểm chỉ đạo, cho đến các giải pháp đều đang hướng tới xóa bỏ triệt để các định kiến còn tồn tại về kinh tế tư nhân, chuyển từ kiểm soát sang thúc đẩy, phụng sự, hỗ trợ.

Kinh tế tư nhân cần được nâng đỡ để trở thành những xương sống, những "gương mặt" cạnh tranh mạnh trên thế giới. Nhà nước phải thực sự đóng vai trò kiến tạo – không chỉ về thể chế, mà cả về định hướng và đồng hành trong quá trình phát triển.

TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương đánh giá, lâu nay nhiều doanh nghiệp có chung nỗi lo là nguy cơ kinh doanh trái quy định. Điều này khiến doanh nghiệp có thể bị xử phạt hành chính và cả bị xử lý hình sự nữa. Khi đã bị truy cứu hình sự, họ không chỉ mất tài sản mà mọi sự nghiệp đều dang dở. Nên người kinh doanh rất sợ.

Nhưng nội dung của Nghị quyết 68 nhấn mạnh việc sửa đổi các quy định về pháp luật hình sự, dân sự, tố tụng hình sự, tố tụng dân sự để đảm bảo nguyên tắc khi xử lý các sai phạm, vụ việc về dân sự kinh tế thì ưu tiên áp dụng các biện pháp về dân sự kinh tế, hành chính trước, cho phép các doanh nghiệp, doanh nhân được chủ động khắc phục sai phạm, thiệt hại. Đây là điều mà ai cũng mong chờ.

Nghị quyết cũng nêu rõ trường hợp thực tiễn áp dụng pháp luật có thể dẫn đến xử lý hình sự hoặc không xử lý hình sự thì kiên quyết không áp dụng xử lý hình sự. Trường hợp đến mức xử lý hình sự thì ưu tiên các biện pháp khắc phục hậu quả kinh tế trước và là căn cứ quan trọng để xem xét các biện pháp xử lý tiếp theo.

"Điều này rất quan trọng với doanh nhân. Khi người kinh doanh sai phạm thì ưu tiên xử lý kinh tế trước sau đó mới xét đến có phạt tù hay không. Hay nói cách khác là pháp luật vẫn tạo cơ hội cho người ta có cơ hội được làm lại", TS Nguyễn Đình Cung nói.

Tạo ra nội lực bằng các chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị thuần Việt

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, nguyên Trưởng khoa Tài chính Quốc tế, Học viện Tài chính, cho rằng nếu không phát triển được vai trò của kinh tế tư nhân, đất nước sẽ khó có sự vươn mình.

"Thực tế mà nói bây giờ chúng ta muốn vươn mình được thì chúng ta phải có những sản phẩm thuần Việt, tức là có sự phát triển của những doanh nghiệp đầu đàn, cả những doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân để họ tạo ra được những sản phẩm mang thương hiệu quốc gia và có tầm ảnh hưởng quốc tế. Rồi những doanh nghiệp ấy có vai trò như là hạt nhân, kết nối các doanh nghiệp nhỏ và vừa, để từ đó chúng ta có cái gọi là chuỗi sản xuất thuần Việt, chuỗi giá trị thuần Việt và có được cái gọi là "nội lực của riêng mình".

Vì như chúng ta thấy hiện nay, đến 70% hàng xuất khẩu là hàng của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Nhưng FDI thì đa phần khai thác trong nhiều năm, đến khi thấy không còn hiệu quả nữa, có thể do lương cao, do máy móc cũ đi rồi, mức độ sản phẩm cạnh tranh không còn nữa họ bỏ đi. Lúc bấy giờ mình làm gì?

Đó chính là những trăn trở đòi hỏi chúng ta phải tạo ra cơ chế để những doanh nghiệp lớn của Việt Nam, là những hạt nhân hay những 'sếu đầu đàn' có thể quy tụ được các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo ra chuỗi sản xuất thuần Việt, chuỗi giá trị thuần Việt, có những sản phẩm mang thương hiệu quốc gia ảnh hưởng trên trường quốc tế được thì lúc đó chúng ta mới có thể vươn mình được.

Và trong quá trình ấy, Chính phủ phải là người tạo ra khuôn khổ pháp lý, tạo điều kiện cho DN lớn dần lên, để chúng ta có thể tạo dựng được những sản phẩm hàng hóa thuần Việt, những chuỗi liên kết của người Việt", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh phân tích.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, cần có thêm nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ đồng bộ, thiết thực để môi trường kinh doanh thuận lợi, giúp doanh nghiệp tiếp cận hiệu quả hơn với các nguồn lực từ tài chính, đất đai đến công nghệ và nhân lực.

Chính sách hỗ trợ này, theo ông Thịnh, không nên dồn vào một số tập đoàn lớn, mà cần có các biện pháp phù hợp để thúc đẩy cả doanh nghiệp vừa và nhỏ - lực lượng đang đóng góp quan trọng vào GDP, tạo việc làm và đảm bảo an sinh xã hội. Đặc biệt, ông Thịnh nhấn mạnh, phải hiện thực hóa các cơ chế, chính sách thành hành động cụ thể.

"Chúng ta nhiều lần khẳng định có cơ chế hỗ trợ, nhưng nếu các cơ chế đó chỉ nằm trên giấy, sẽ làm suy giảm niềm tin của doanh nghiệp đối với bộ máy quản lý Nhà nước", ông Thịnh cảnh báo. Ngoài ra, theo ông, cần giảm thiểu tối đa chi phí chính thức và phi chính thức, đơn giản hóa thủ tục tiếp cận thị trường và đảm bảo cạnh tranh công bằng, minh bạch giữa các khu vực kinh tế.

"Đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân chính là một trong những động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng và hướng tới phát triển bền vững. Trong bối cảnh nền kinh tế đang bước vào giai đoạn tăng tốc, đây là yếu tố sống còn để Việt Nam vượt qua bẫy thu nhập trung bình và trở thành nền kinh tế phát triển, có sức cạnh tranh cao", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhận định.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng, theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, doanh nghiệp cần tập trung vào đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ tiên tiến và đẩy mạnh quá trình số hóa nhằm tối ưu hóa quy trình sản xuất, giảm chi phí và nâng cao năng lực cạnh tranh. Đồng thời, các chiến lược tiếp thị mạnh mẽ như khuyến mãi, quảng bá sản phẩm, và chăm sóc khách hàng sau bán hàng cần được đẩy mạnh để không chỉ gia tăng độ nhận diện mà còn thúc đẩy tiêu dùng nội địa.

Bên cạnh đó, việc phát triển sản phẩm thân thiện với môi trường, đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn "xanh" không chỉ mang lại lợi thế cạnh tranh mà còn mở ra cơ hội xuất khẩu lớn đến các thị trường khó tính, nơi yêu cầu sản phẩm phải đạt chất lượng và tiêu chuẩn bảo vệ môi trường cao. Các doanh nghiệp phải nhanh chóng thích ứng với xu hướng này để không chỉ đảm bảo sự phát triển bền vững mà còn đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng chung của đất nước.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/xoa-bo-dinh-kien-ve-kinh-te-tu-nhan-hinh-thanh-cac-chuoi-gia-tri-thuan-viet-169250509144956969.htm
Zalo