Xóa bỏ cục bộ, kết nối lợi thế

Hợp nhất TPHCM với Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu thành không gian phát triển thống nhất, với quy hoạch, đầu tư và lợi ích được điều phối chung trên nền tảng pháp lý đủ mạnh để dẫn dắt vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Cục bộ địa phương, kiềm hãm phát triển

3 địa phương này vốn dĩ là tam giác phát triển năng động nhất cả nước. TPHCM là trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ, đổi mới sáng tạo; Bình Dương là trung tâm công nghiệp, sản xuất hiện đại và thu hút vốn FDI lớn nhất sau TPHCM; còn Bà Rịa - Vũng Tàu giữ vai trò cửa ngõ cảng biển, trung tâm năng lượng và du lịch biển.

Mỗi nơi đều có thế mạnh, nhưng các thế mạnh ấy đang phát triển song song chứ chưa tạo thành chuỗi giá trị liền mạch. Hệ quả là những lãng phí từ đầu tư hạ tầng chồng chéo, tắc nghẽn kết nối, đến việc thiếu phối hợp trong điều hành chính sách.

Thực tế phát triển trong thời gian qua cho thấy rõ hệ quả của tư duy cục bộ, và sự thiếu vắng một thể chế điều phối chung hiệu quả. Một thí dụ điển hình là tuyến Quốc lộ 13 - trục giao thông huyết mạch kết nối TPHCM và Bình Dương.

Bình Dương từ sớm đã xác định đây là tuyến chiến lược phục vụ phát triển công nghiệp, và đã chủ động mở rộng toàn tuyến trong phạm vi tỉnh mình. Tuy nhiên, đoạn qua địa bàn TPHCM chỉ dài khoảng 5km lại chưa được mở rộng tương xứng, bởi thành phố không xem đây là ưu tiên cấp thiết so với hàng chục dự án hạ tầng khác trong nội đô.

Kết quả là một “nút thắt cổ chai” ngay cửa ngõ giao thương giữa hai trung tâm lớn, làm triệt tiêu hiệu quả đầu tư và làm chậm dòng chảy logistics toàn vùng.

Câu chuyện tương tự cũng xảy ra ở trục kết nối giữa TPHCM và Bà Rịa - Vũng Tàu. Là một địa phương sở hữu cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải, có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải lớn bậc nhất khu vực, Bà Rịa - Vũng Tàu lẽ ra đã có thể phát huy vai trò là cửa ngõ xuất nhập khẩu chiến lược của toàn vùng kinh tế phía Nam.

Thế nhưng, hệ thống kết nối từ TPHCM (trung tâm sản xuất, tiêu dùng và logistics lớn nhất cả nước) đến cụm cảng này, lại đang ở tình trạng quá tải và thiếu đồng bộ. Quốc lộ 51 thường xuyên tắc nghẽn, trong khi các dự án đường sắt kết nối cảng, hoặc các hành lang vận tải đa phương thức vẫn chưa hình thành.

Kết quả là dòng hàng hóa từ TPHCM xuống cảng Cái Mép - Thị Vải phải mất nhiều giờ đồng hồ di chuyển, phát sinh chi phí logistics cao, làm giảm sức cạnh tranh xuất khẩu của cả vùng. Trong khi đó, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu vẫn buộc phải phụ thuộc vào cảng Cát Lái vốn đã quá tải, khiến ùn tắc lan rộng.

Điều nghịch lý là một cảng biển hiện đại đang chờ đợi hàng hóa, trong khi một thành phố công nghiệp đang bế tắc đầu ra, bởi giữa 2 địa phương thiếu một trục kết nối thực sự hiệu quả về cả hạ tầng lẫn điều phối chính sách.

Câu chuyện đó một lần nữa phơi bày giới hạn của mô hình phát triển bị chia cắt bởi địa giới hành chính. Khi không có ai chịu trách nhiệm cho toàn chuỗi từ nơi sản xuất đến nơi xuất khẩu, thì cũng không ai đủ động lực để đầu tư kết nối toàn chuỗi đó. Và khi thể chế vùng còn thiếu hoặc chưa đủ mạnh để gắn kết lợi ích giữa các địa phương, thì những sáng kiến liên kết chỉ dừng lại ở khẩu hiệu, thiếu thực lực để triển khai đến cùng.

Xóa bỏ cục bộ, kết nối lợi thế

Chính vì vậy, việc hợp nhất TPHCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu không chỉ nhằm tạo ra một siêu đô thị về quy mô dân số hay GDP, quan trọng hơn là để tháo gỡ những “nút thắt thể chế” đã kìm hãm liên kết vùng suốt nhiều năm.

Khi các tuyến đường huyết mạch không còn dừng lại ở ranh giới địa phương; khi quyết định đầu tư được xây dựng trên tư duy vùng chứ không bị giới hạn bởi ngân sách từng tỉnh; và khi lợi ích được chia sẻ trong một quy hoạch tích hợp, đó mới là lúc chúng ta thật sự kiến tạo được một không gian phát triển thống nhất, hiệu quả, lan tỏa và bền vững.

Việc xóa bỏ ranh giới địa phương cũng sẽ tạo điều kiện cho một thể chế điều phối thống nhất, thay vì để 3 tỉnh cùng quy hoạch cảng, khu công nghiệp hay hạ tầng mà thiếu tính kết nối. Khi đó, hiệu quả đầu tư công sẽ tăng lên rõ rệt, không còn tình trạng mạnh ai nấy làm, hay đầu tư lãng phí.

Việc thu hút đầu tư chiến lược từ nhà máy sản xuất quy mô lớn đến trung tâm tài chính quốc tế cũng sẽ thuận lợi hơn, vì nhà đầu tư không còn phải làm việc riêng rẽ với từng địa phương, mà có thể tiếp cận một hệ sinh thái quy mô lớn, đồng bộ và có thể dự báo được.

Tuy nhiên, điều đáng nói nhất không nằm ở việc gom địa giới, mà nằm ở việc phá vỡ giới hạn trong tư duy phát triển. Trong nhiều năm, sự cục bộ địa phương đã khiến các chính sách phát triển vùng bị chia cắt, các dòng vốn không thể vận hành trơn tru, các chiến lược dài hạn bị bóp méo bởi các mục tiêu ngắn hạn của từng tỉnh.

Trong một không gian kinh tế tích hợp, phát triển không còn là cuộc chạy đua giành giật lợi ích, mà là một quá trình hợp tác để mỗi khu vực đều phát huy lợi thế riêng trong tổng thể chung và ít xung đột hơn.

Tất nhiên, việc hợp nhất 3 địa phương không tránh khỏi những lo ngại và lực cản. Tâm lý “mất vai trò”, “bị nhập”, hay nỗi sợ mất bản sắc địa phương là có thật. Nhưng điều cần được nhấn mạnh: hợp nhất không phải là xóa bỏ, mà để nâng tầm.

Các địa danh vẫn còn, bản sắc văn hóa không mất đi, nhưng không gian phát triển sẽ rộng hơn, cấu trúc quản lý sẽ hợp lý hơn, và cơ hội lan tỏa lợi ích sẽ công bằng hơn. Quan trọng hơn cả việc hợp nhất không gian, là việc thiết kế một thể chế mới đủ năng lực để vận hành hiệu quả trên phạm vi địa lý rộng lớn, với các trung tâm chức năng đa dạng và lợi ích đan xen giữa các địa phương.

Một chính quyền đô thị vùng không thể hoạt động hiệu quả nếu vẫn duy trì mô hình quản lý theo địa giới cũ, với cơ chế phân quyền rời rạc, ngân sách phân tán và thiếu điều phối tập trung.

Khi chúng ta dám vượt lên trên ranh giới của địa phương để xây dựng một siêu đô thị vùng thống nhất, dám thay đổi cách tổ chức không gian kinh tế và thể chế điều phối, đó chính là bước cải cách chiến lược, giúp Việt Nam phát triển bền vững và dài hạn hơn. Không gian càng mở, tầm nhìn càng xa, xóa bỏ cục bộ, là bước chuyển từ tư duy cát cứ sang hợp lực phát triển.

TS. Huỳnh Thanh Điền Đại học Nguyễn Tất Thành

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/xoa-bo-cuc-bo-ket-noi-loi-the-post124091.html
Zalo