Thủ tướng tiếp CEO Tập đoàn Marubeni của Nhật Bản
Tập đoàn Marubeni đã đầu tư vào Việt Nam 80 năm và Marubeni tại Việt Nam hiện có khoảng 7.500 nhân viên, tổng doanh thu hằng năm khoảng 3 tỉ USD.
Chiều ngày 14-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Masayuki Omoto, Tổng Giám đốc Tập đoàn Marubeni (Nhật Bản) đang thăm, làm việc tại Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, hoạt động hiệu quả của Marubeni thời gian qua đã đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam - Ảnh: VGP
Tại cuộc gặp, ông Masayuki Omoto đánh giá cao việc Việt Nam đang triển khai nhiều quyết sách chiến lược, môi trường kinh doanh ngày càng cải thiện, tạo thuận lợi hơn nữa cho các nhà đầu tư, đặc biệt là cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, sắp xếp địa giới hành chính sẽ giúp nâng cao hiệu quả hoạt động, đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn quá trình cấp phép, ra quyết định.
Nhấn mạnh Việt Nam là thị trường rất quan trọng về chiến lược và Marubeni sẽ tiếp tục đóng góp hơn nữa cho sự phát triển của Việt Nam, ông Masayuki Omoto cho biết Marubeni có kế hoạch mở rộng hoạt động tại Việt Nam trong thời gian tới với đầu tư chất lượng cao.
Đồng thời, chú trọng đào tạo nhân lực, trong đó có dự án Nhà máy điện khí Ô Môn II, dự án điện khí LNG Quảng Ninh, các dự án trang trại điện gió, điện mặt trời, dự án Khu công nghiệp Thành phố Amata Hạ Long, các dự án xây dựng các nhà máy chế biến hàng hóa để xuất khẩu và các dự án đô thị thông minh tại Hà Nội và TP.HCM…
Chia sẻ về những nỗ lực đổi mới, cải cách gần đây của Việt Nam, đặc biệt là cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy, Thủ tướng tin rằng Marubeni cũng như các nhà đầu tư nước ngoài sẽ cảm nhận được những thay đổi tích cực và thụ hưởng thành quả từ điều này.

Thủ tướng hoan nghênh kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam của Marubeni trong thời gian tới - Ảnh: VGP
Thủ tướng đánh giá quan hệ Việt Nam – Nhật Bản đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất từ trước tới nay, hai nền kinh tế có thế mạnh bổ trợ, Việt Nam có dân số trẻ, nguồn nhân lực dồi dào, nằm ở khu vực Đông Nam Á là tâm điểm tăng trưởng với thị trường rộng lớn; đây là cơ hội cho các nhà đầu tư Nhật Bản nói chung và Marubeni nói riêng.
Cho biết đã có cơ chế và khuôn khổ pháp lý khả thi cho các dự án điện lớn như LNG, điện gió ngoài khơi, đồng thời các vướng mắc pháp lý liên quan dự án điện khí Ô Môn II đã được giải quyết, Thủ tướng đề nghị Marubeni tiếp tục coi Việt Nam là cứ điểm chiến lược với các khoản đầu tư chiến lược, theo tinh thần "nhìn xa trông rộng, nghĩ sâu làm lớn", đặc biệt là mở rộng hoạt động trong lĩnh vực năng lượng như điện khí, điện gió ngoài khơi để phục vụ tăng trưởng GDP, phát triển trí tuệ nhân tạo, cơ sở dữ liệu lớn trong nước… và xuất khẩu điện sang các nước ASEAN.
Cùng với đó, hợp tác với Tập đoàn Than – Khoáng sản triển khai các hoạt động kinh doanh, xuất khẩu than sang Nhật Bản; hợp tác sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, xây dựng thương hiệu, chế biến, xuất khẩu các mặt hàng nông sản thế mạnh của Việt Nam như cà phê, lúa gạo, thực phẩm chất lượng cao; đầu tư, phát triển các khu công nghiệp. Thủ tướng gợi ý Marubeni có thể mở các nhà máy sản xuất mì ăn liền, bánh mochi, dược phẩm tại Việt Nam để phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu của tập đoàn, đào tạo nguồn nhân lực, thúc đẩy hợp tác khoa học công nghệ, chuyển đổi số…
Marubeni là tập đoàn đầu tư và thương mại hàng đầu tại Nhật Bản, hiện có 130 chi nhánh và văn phòng tại 68 quốc gia trên toàn thế giới, hoạt động trong hầu hết các lĩnh vực kinh tế với doanh thu hằng năm khoảng 70 tỉ USD.
Marubeni trong thời gian qua tập trung vào các lĩnh vực quan trọng như xuất nhập khẩu hàng hóa (than đá, thủy sản, cà phê, ngũ cốc, các sản phẩm hóa dầu); thành lập công ty liên doanh và hoạt động sáp nhập, mua bán; xây dựng các nhà máy nhiệt điện (đã xây dựng 11 nhà máy với tổng công suất là 4.000 MW, trong đó có Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2 với công suất là 1.200 MW) và các nhà máy công nghiệp, các nhà máy chế biến thực phẩm và dệt may.