'Xin hãy tin em' và bi kịch mất niềm tin của diễn viên Lệ Hằng
Đời người, bi kịch nhất là sống mà đánh mất hết niềm tin. Không còn ai tin vào mình. Và cùng cực nhất là chính mình cũng không thể tin bản thân mình nữa. Mất đi niềm tin, thật khó để biết cuộc đời sẽ trôi về đâu.
Hoài "Thát-chơ" là cô sinh viên tỉnh lẻ nổi tiếng Đại học Tổng hợp. Cô có tính cách ngổ ngáo, nghịch ngợm, lại hay tụ tập với đám con trai uống rượu, trốn học. Tuy vậy, ẩn sau vẻ ngoài gai góc đó, Hoài là cô gái lương thiện, sống thẳng thật, và rất giàu tình thương. Cô cưu mang một đứa trẻ mồ côi, giúp em giữ tiền và còn dạy em học.
Một lần tình cờ, Hoài gặp Phong "lãng tử" - chàng sinh viên chơi vĩ cầm đang theo học tại Nhạc viện Hà Nội. Vẻ đẹp trai của Phong đã làm cô say nắng. Hai người cuốn nhau ngay từ cái nhìn đầu tiên và bắt đầu hẹn hò sau đó. Dần dần, Phong cảm hóa được Hoài và khiến cô trở nên thay đổi so với trước. Hoài đi nhẹ nói khẽ và trở nên nữ tính dịu dàng. Nhưng cũng chính lúc này, Phong dần nhận ra con người thật của người mình yêu. Vô tình tại tiệc sinh nhật chị của Phong, con người cũ của Hoài lộ ra... Và rồi, tình yêu như mơ kết thúc.
Đó là tóm tắt về nội dung của phim "Xin hãy tin em" và cũng là mô tả chân dung, khái quát số phận tình yêu của nữ chính Hoài "Thát-chơ".
Còn hôm qua, báo đưa tin, Lệ Hằng - nữ diễn viên thủ vai Hoài "Thát-chơ" gây "sốt" năm xưa - bị khởi tố ở tuổi 48 vì mua bán ma túy.
Cả phim và đời, 2 người phụ nữ - Hoài "Thát-chơ" và diễn viên Lệ Hằng - đều không có được cái kết hạnh phúc.
Trong phim, chỉ vì Phong không yêu được con người thật của Hoài nên cuộc tình chấm dứt. Hay do Phong cứng nhắc và cố chấp cho rằng Hoài đã lừa dối anh? Đó là câu hỏi mà đạo diễn trẻ Đỗ Thanh Hải đặt ra cho khán giả ngày đó.
Nhưng cũng có thể, chính trong cái kết đó đạo diễn đã muốn nhắn gửi với công chúng màn ảnh rằng: Đừng cố gắng trở thành người khác để được yêu mà hãy yêu người hiểu và trân trọng con người thật của mình.
Cũng đừng chỉ nhìn vào vẻ đẹp hay những nét tính cách bên ngoài của người khác mà vội vàng đánh giá. Bản chất bên trong mới quyết định suy nghĩ và hành động của mỗi người.
Lệ Hằng được đạo diễn Đỗ Thanh Hải chọn vào vai Hoài "Thát-chơ" khi chưa tròn tuổi 20 và đang là sinh viên năm đầu của Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội.
Vai diễn của cô lúc ấy gây tiếng vang lớn đến mức, ra ngoài đường, gặp cô gái nào "hổ báo" cũng đều gọi là Hoài "Thát chơ". Lối diễn tinh tế, tự nhiên và duyên dáng của cô đã khắc họa rõ nét một Hoài ngông cuồng, hoang dã nhưng bên trong lại rất yếu đuối.
Tính đến thời điểm hiện tại, bộ phim "Xin hãy tin em" và hình ảnh nhân vật Hoài "Thát chơ" cùng bản hit "Mong ước kỷ niệm xưa" của nhạc sĩ Xuân Phương vẫn in đậm trong trí nhớ của những khán giả yêu phim truyền hình Việt thuộc thế hệ 7X, 8X.
Sau phim "Xin hãy tin em", Lệ Hằng bén duyên với nhiều bộ phim truyền hình khác nhưng đều là những vai các cô gái cá tính, "chị đại", tội phạm nữ. Dấu ấn của Lệ Hằng với điện ảnh phải kể đến các vai diễn như Bảo trong "Những ngọn nến trong đêm", Thanh "sói" trong "Cổ cồn trắng", Ban trong "Chuyện phố phường", Túy trong "Phi đội chuồn chuồn"…
Tuy nhiên, chính Lệ Hằng cũng thừa nhận Hoài "Thát-chơ" là 1 "cái bóng" quá lớn khiến cô bị "chết" vai, không thể tìm được thành công ở tạo hình mới.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Sân khấu và Điện ảnh, Lệ Hằng trở thành diễn viên của Nhà hát Tuổi trẻ. Nhưng cho tới năm 2007, mức lương của cô vẫn chỉ là 500 ngàn đồng/tháng. Toàn bộ tiền sinh hoạt của Lệ Hằng đều do ông xã cung cấp.
Tuy nhiên, chồng và gia đình chồng của Lệ Hằng vẫn rất ủng hộ chị theo đuổi đam mê nghệ thuật. Chính vì có được sự hậu thuẫn vững chắc của chồng và gia đình nên Lệ Hằng từng đưa con gái mới 4 tuổi đi đóng phim cùng mình.
Tưởng rằng với nền tảng gia đình thuận lợi như thế thì Lệ Hằng sẽ ở lại với sân khấu và màn ảnh nhỏ, để chinh phục các vai diễn mới. Nhưng không, năm 2012, cô tuyên bố giải nghệ.
Để rồi tới hôm qua, tin diễn viên Lệ Hằng bị khởi tố vì mua bán ma túy đã làm bất ngờ không ít khán giả thế hệ 7x, 8x, trong đó có tôi. Càng xót xa hơn khi báo chí chọn bức ảnh chị của hôm nay nhìn thật nhói lòng.
Thực sự là dù không có quan hệ gì, cũng không phải hâm mộ lắm nhưng chứng kiến cảnh một gương mặt xinh xắn, cá tính, đã được thấy trên màn ảnh, đã ít nhiều gieo vào tâm hồn gã trai mới lớn nét đẹp của cái gọi là sự rung động, tình yêu, lòng nhân... thì thấy thật buồn.
Mười năm thôi, đời một người đã có thể thay đổi đến mức đó sao? Đã có những gì xảy ra với Hoài "Thát-chơ" vậy Lệ Hằng?
Trong phim Hoài đã không có được niềm tin của Phong. Còn ngoài đời, có niềm tin nào bị đánh mất không mà phải đi đến bước đường này vậy Lệ Hằng?
"Xin hãy tin em". Tất nhiên bối cảnh của thập niên 90 hay của lúc này không thể nào đem ra so sánh với câu hỏi nhức nhối của Chí Phèo gần 1 thế kỷ trước: "Ai cho tao lương thiện?". Nhưng có gì đó khó cắt nghĩa cứ khiến tôi ám ảnh và muốn liên hệ 2 câu nói này với nhau.
Lệ Hằng quê Tuyên Quang nhưng lấy chồng về ở khu phố Khâm Thiên (Hà Nội). Tôi không biết gì về cuộc đời chị ngoài những hình ảnh trên phim ảnh để mà suy diễn, phán đoán. Nhưng vụ việc của chị lúc này làm tôi nhớ đến quãng thời gian sinh viên của mình tại Trường Đại học Văn Hóa Hà Nội, một ngôi trường có diện tích nhỏ trên Đê La Thành, khá gần với Ô Chợ Dừa và Khâm Thiên.
Ngày đó, cách đây đã hơn 20 năm, khu Trại Nhãn (thuộc địa bàn này) nổi tiếng quy tụ các tay anh chị và hút chích. Ngoài thường xuyên chiếm mất sân bóng của sinh viên bọn tôi, thì thỉnh thoảng họ lại "đột kích" phòng KTX và đuổi tất cả ra ngoài để "hành lạc".
Thời ấy, “chơi đồ” mà ít tiền thì toàn chích là chính, nên nhìn họ giơ cái kim tiêm lên là đám sinh viên sợ xanh mặt, chạy nhanh còn kịp. Không chỉ có thế, những tay đó còn lôi kéo, thậm chí đe dọa để "mở rộng tổ chức".
Vì thế, đã có những sinh viên đi theo tiếng gọi của "nàng tiên trắng". Nhẹ thì “báo nhà”, phải thôi học. Nặng thì có người sốc thuốc ra đi khi tóc còn xanh. Lớp tôi có một cậu như thế. Cậu này tôi không bao giờ quên vì ngày thi vào Đại học Văn hóa Hà Nội ngồi cạnh tôi cả 3 môn. Một sinh viên lúc bình thường rất hiền lành ít nói.
Khâm Thiên xưa kia vốn đã có tiếng là khu phố của khách làng chơi và những cô gái "ăn sương". Cùng với Đê La Thành, đó là một vệt của những tệ nạn.
“Xin hãy tin em”. Tôi không biết trong 26 năm từ ngày bộ phim ra đời đến nay, có bao nhiêu cô gái, chàng trai ở khu vực này hay ngang qua khu vực này đã phải thốt lên câu nói nghe thì như khẳng định mà giống van xin này.
Bi kịch nhất của đời một con người là sống mà mất hết niềm tin. Không còn ai tin vào mình. Và cùng cực nhất là chính mình cũng không thể tin bản thân mình nữa. Mất đi niềm tin, thật khó để biết cuộc đời sẽ trôi về đâu.
Nếu có ước muốn trong cuộc đời này
Hãy nhớ ước muốn cho thời gian trở lại
Cho bao khát vọng, đam mê cháy bỏng
Sẽ còn mãi trong tim mọi người
Để tình yêu... ước mơ mãi không phai...
Nếu có ước muốn trong cuộc đời này
Hãy nhớ ước muốn cho thời gian trở lại
Bên nhau tháng ngày, cho nhau những hoài niệm
Để nụ cười còn mãi lắng trên hàng mi, trên bờ môi
Và trong những... kỷ niệm xưa...
Ở đâu đó, sau khi phải trả giá vì những hành động mất kiểm soát mà nguồn gốc sâu xa là niềm tin bị mất đi, trong đầu ai đó sẽ vọng về những lời ca này. Ước gì được trở lại. Ước gì được làm lại. Chỉ cần được sống với đam mê và những niềm vui bình dị, trong sáng thôi.
Cuộc sống ngày càng vội vã, thực dụng với nhiều hấp lực từ tham vọng vật chất, địa vị, danh tiếng. Ai cũng quay cuồng. Nhưng, nếu vẫn có thể nhớ về nhau, giữ lại trong nhau nét đẹp, nét cười của thuở ban đầu ta gặp gỡ thì cũng đủ rồi.
“Sống giữa đời này chỉ có thân phận và tình yêu. Thân phận thì hữu hạn. Tình yêu thì vô cùng. Chúng ta làm thế nào nuôi dưỡng tình yêu để tình yêu có thể cứu chuộc thân phận trên cây thập giá đời”. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã nói vậy. Và tôi thì nghĩ bên cạnh yêu cần có thêm tin và thương. Chúng ta không những cần mà còn phải biết cho đi tin, yêu và thương. Khi được tin, yêu và thương con người ta không dễ đánh mất mình đâu.
Hà Nội, 24/4/2023