Xin đăng ký kết hôn tại trại giam, được không?
Luật không cấm người đang chấp hành án phạt tù kết hôn. Tuy nhiên, để thực hiện được các thủ tục đăng ký kết hôn trong trường hợp này là rất khó khả thi.
Gửi tới chuyên mục "Chat với chuyên gia" do báo Pháp Luật TP.HCM phối hợp cùng Trường ĐH Luật TP.HCM tổ chức, một bạn đọc đặt câu hỏi:
Vì sự việc không mong muốn, con trai tôi đang chấp hành án phạt tù ở trại giam. Trước đó, con và bạn gái đã dự định kết hôn. Hiện giờ các cháu mong muốn kết hôn theo kế hoạch.
Bình thường các con sẽ đăng ký kết hôn tại UBND, nhưng trong trường hợp này thì không thể. Vậy gia đình tôi có thể xin để cô dâu vào trại giam và hai bên đăng ký kết hôn được không?
Thạc sĩ Nguyễn Phương Ân, Giảng viên Khoa Luật Dân sự, Trường Đại học Luật TP.HCM, trả lời:
Kết hôn là một trong những quyền cơ bản của công dân, được Hiến pháp năm 2013 ghi nhận tại Điều 36: “Nam, nữ có quyền kết hôn, ly hôn”; đồng thời được cụ thể hóa trong Bộ luật Dân sự 2015, Luật Hôn nhân và gia đình 2014, Luật Hộ tịch 2014.
Cụ thể, nếu cá nhân đáp ứng đầy đủ các quy định của pháp luật về điều kiện kết hôn tại Điểm a, b, c, d Khoản 2 Điều 5, Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 (không vi phạm điều cấm, đã đủ tuổi đăng ký kết hôn, không bị mất năng lực hành vi dân sự...) thì có quyền kết hôn.
Có thể thấy, pháp luật hôn nhân và gia đình hiện hành không có quy định về việc cấm người đang chấp hành án phạt tù kết hôn.
Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 44 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì công dân Việt Nam bị kết án phạt tù sẽ bị tước một hoặc một số quyền công dân sau đây: Quyền ứng cử đại biểu cơ quan quyền lực Nhà nước; quyền làm việc trong các cơ quan nhà nước và quyền phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân.
Như vậy, BLHS hiện hành cũng không có quy định nào điều chỉnh việc người đang chấp hành hình phạt tù thì bị tước quyền kết hôn.
Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 2 Điều 6, khoản 1 Điều 18; Điều 37 Luật Hộ tịch năm 2014; Khoản 1 Điều 2 Thông tư 04/2020/TT-BTP thì khi thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn, hai bên nam nữ phải có mặt tại cơ quan đăng ký hộ tịch, không được ủy quyền cho người khác. Đồng thời, Luật Thi hành án hình sự năm 2019 cũng không quy định việc trích xuất phạm nhân để thực hiện đăng ký kết hôn.
Như vậy, có thể thấy vì việc đăng ký kết hôn không thể ủy quyền cho người khác, bắt buộc cả hai bên phải có mặt để đăng ký kết hôn, nên mặc dù không bị cấm đăng ký kết hôn nhưng người đang chấp hành hình phạt tù vẫn không thể thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn để chính thức là vợ chồng.
Vậy câu hỏi đặt ra, trường hợp này có thể để người nữ vào trại giam và hai bên đăng ký kết hôn được không?
Hiện nay, vẫn có trường hợp ngoại lệ khi nam và nữ có thể không đến cơ quan đăng ký hộ tịch, nhưng vẫn được UBND cấp xã tiến hành đăng ký kết hôn lưu động. Những trường hợp đặc biệt này được quy định tại Điều 24 Thông tư 04/2020/TT-BTP, khi “hai bên nam, nữ cùng thường trú trên địa bàn cấp xã mà một hoặc cả hai bên nam, nữ là người khuyết tật, ốm bệnh không thể đi đăng ký kết hôn được”.
Như vậy, quy định pháp luật chỉ tạo điều kiện trong trường hợp trên, không thể hiện trường hợp kết hôn lưu động đối với phạm nhân.
Tóm lại, từ những phân tích trên, có thể thấy pháp luật hôn nhân và gia đình, luật khác có liên quan không cấm người đang chấp hành án phạt tù kết hôn. Tuy nhiên, để thực hiện được các thủ tục đăng ký kết hôn trong trường hợp này là rất khó khả thi. Việc đăng ký kết hôn lưu động trong trường hợp này (nếu có đơn đề nghị trại giam và UBND cấp xã nơi cư trú) có tiến hành được hay không còn tùy thuộc vào tình hình thực tế, sự chấp thuận, tạo điều kiện của cơ sở giam giữ và sự chấp thuận, hỗ trợ của cơ quan đăng ký hộ tịch.