Xét xử vụ án 'Chuyến bay giải cứu' giai đoạn 2: Hành vi của các bị cáo khiến nhiều người không có cơ hội về nước

Đối đáp lại quan điểm bào chữa của luật sư, bị cáo, đại diện VKS cho rằng hành vi của các bị cáo khiến chi phí tăng, khiến nhiều người dân ở nước ngoài không có điều kiện thì không có cơ hội trở về nước.

Chiều 25/12, phiên tòa xét xử 17 bị cáo trong vụ án “Chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2 tiếp tục diễn ra. Các bị cáo bị đưa ra xét xử gồm Trần Tùng (cựu Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên), Vũ Hồng Quang (cựu Phó Trưởng phòng Vận tải Hàng không, Cục Hàng không, Bộ Giao thông Vận tải), Trần Thị Quyên (SN 1986, Giám đốc Cty Sen vàng Đất Việt), Lê Thị Phượng (chuyên viên Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương)… Các bị cáo bị đưa ra xét xử về các tội “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Che giấu tội phạm”.

Sau khi nghe phần tự bào chữa của các bị cáo và phần trình bày bản luận cứ bào chữa cho bị cáo của các luật sư, đại diện VKS đã có quan điểm đối đáp lại.

Theo đại diện cơ quan giữ quyền công tố, khi ban hành cáo trạng, phát biểu bản luận tội, họ đã ghi nhận tất cả các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo. Tại tòa, bị cáo và luật sư nêu thêm tình tiết giảm nhẹ, do đó, VKS đề nghị HĐXX xem xét.

Đối với quan điểm của một số bị cáo, luật sư cho rằng mức án mà VKS đề nghị là có phần quá nặng, VKS cho biết, trước khi đề nghị mức án, VKS đã xem xét nhân thân, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, đồng thời đối chiếu với mức án của giai đoạn 1 để đưa ra đề nghị mức án có cơ sở pháp lý.

Đối với quan điểm của luật sư bào chữa cho bị cáo Trần Tùng (cựu Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên), theo VKS, bị cáo Tùng nhận hơn 2 tỷ đồng từ bị cáo Trần Thị Quyên và thực tế, bị cáo còn nhận của Lê Văn Nghĩa (giai đoạn 1) hơn 4 tỷ đồng. Việc Tùng và Quyên sử dụng số tiền này như thế nào là việc của các bị cáo. Và theo đại diện VKS, sau giai đoạn 1, để trốn tránh, bị cáo Tùng chuyển cho Quyên để kê khai đóng thuế. Việc này cho thấy thủ đoạn hết sức tinh vi của bị cáo, gây khó khăn cho hoạt động điều tra.

Đối với bị cáo Lê Ngọc Tường (cựu Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam), VKS đề nghị HĐXX xem xét việc bị cáo chủ động khai báo với cơ quan điều tra trước khi bị khởi tố.

Ngoài ra, trong phần đối đáp, VKS không đồng tình với quan điểm của luật sư bào chữa cho bị cáo Phạm Quốc Thắng (Giám đốc Cty TNHH PNR) khi cho rằng hành vi của bị cáo là không đáng kể.

Theo phân tích của VKS, bị cáo Thắng đã đưa số tiền rất lớn cho những người có thể nhờ xin được văn bản cấp phép đưa công dân về nước. Điều này tạo tiền lệ xấu, tạo ra cơ chế xin – cho, tạo điều kiện cho người có thẩm quyền nhận hối lộ, khiến người dân phải chi trả số tiền lớn. VKS khẳng định đây là hành vi đặc biệt nghiêm trọng, gây hậu quả lớn.

Ngoài ra, theo đại diện VKS, hành vi của một số bị cáo khiến cho chi phí cách ly tăng, điều này khiến nhiều người dân ở nước ngoài không có điều kiện thì không có cơ hội về nước.

Đối đáp lại quan điểm này của VKS, luật sư bào chữa cho bị cáo Thắng đề nghị đại diện VKS xem xét lại đề nghị của luật sư tại phần tranh luận, cần cá thể hóa hình phạt giữa các bị cáo bị truy tố trong nhóm tội "Đưa hối lộ" để đảm bảo công bằng...

Trước đó, khi được tự bào chữa trong hơn 2 phút, bị cáo Nguyễn Xuân Thông thừa nhận hành phạm tội của mình và nói rằng, đây là vết nhơ theo suốt cuộc đời của bị cáo. Bị cáo Thông cho rằng, chỉ vì nể nang nên mới dẫn đến hành vi phạm tội, như vậy là mất hết tất cả trong 30 năm phấn đấu ở lực lượng công an. Bị cáo cũng nói, trước khi ngồi ở phòng xét xử, bị cáo đã phải đấu tranh tâm lý rất nhiều và suy nghĩ rất nhiều.

“Bị cáo đã để lại những vết nhơ trong cuộc đời, nói chung là rất buồn. Bị cáo xin hội đồng xét xử, đại diện viện kiểm sát mở lòng bao dung để bị cáo sớm có cơ hội làm lại cuộc đời, tái sinh lại cuộc đời”, bị cáo Thông nói./.

Hồng Mây

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/xet-xu-vu-an-chuyen-bay-giai-cuu-giai-doan-2-hanh-vi-cua-cac-bi-cao-khien-nhieu-nguoi-khong-co-co-hoi-ve-nuoc-post536052.html
Zalo