Xét xử phúc thẩm vụ án đăng kiểm: Cân nhắc kỹ để tuyên án đúng người, đúng tội
Tại phiên tòa phúc thẩm, 2 bị cáo đã rút kháng cáo, do đó HĐXX đình chỉ xét xử đối với họ
HĐXX phúc thẩm đang tiếp tục lắng nghe lời bào chữa để cân nhắc kỹ lưỡng giữa các tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ hình phạt đối với từng bị cáo trong vụ án tại Cục Đăng kiểm Việt Nam
Ngày 13-1, TAND Cấp cao tại TP HCM tiếp tục phiên xét xử phúc thẩm vụ sai phạm xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, 11 trung tâm đăng kiểm trên địa bàn TP HCM cùng 3 trung tâm tại Long An, Bến Tre, Sóc Trăng. Đến nay, phiên tòa đã kéo dài hơn một tuần kể từ khi khai mạc vào ngày 6-1.
Nêu nhiều lý do để xin giảm nhẹ hình phạt
Phiên xét xử được mở do nhiều bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, trong khi VKSND TP HCM kháng nghị tăng mức hình phạt đối với 18 bị cáo bị kết án về các tội danh: "Giả mạo trong công tác", "Nhận hối lộ", "Đưa hối lộ" và "Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức".
Tại phiên tòa phúc thẩm, 2 bị cáo đã rút kháng cáo, do đó HĐXX đình chỉ xét xử đối với họ. Trong số các bị cáo kháng cáo, đáng chú ý có 2 cựu cục trưởng qua các thời kỳ là Trần Kỳ Hình và Đặng Việt Hà. Tại phiên tòa, cả hai bày tỏ sự ăn năn, hối hận và nhận trách nhiệm về các sai phạm trong thời gian giữ chức vụ. Đặc biệt, bị cáo Trần Kỳ Hình đã nộp lại số tiền hơn 4 tỉ đồng do phạm tội mà có để sung ngân sách nhà nước; bị cáo Đặng Việt Hà cũng đã nộp lại hơn 2,6 tỉ đồng để khắc phục hậu quả.
Theo bản án sơ thẩm, bị cáo Trần Lập Nghĩa là người phải nộp lại số tiền nhiều nhất - hơn 13,2 tỉ đồng. Bị cáo này được biết đến là "ông trùm đăng kiểm miền Tây", chủ đầu tư của 5 trung tâm đăng kiểm tư nhân, trong đó 3 trung tâm xảy ra sai phạm nghiêm trọng là: Trung tâm 62-03D, Trung tâm 71-02D, Trung tâm 83-02D. Sau bản án sơ thẩm, bị cáo này không kháng cáo.
Cũng tại phiên xét xử phúc thẩm, các bị cáo khác trong vụ án thừa nhận sai phạm và thể hiện sự hối lỗi trước tòa. Nhiều tình tiết giảm nhẹ đã được các bị cáo viện dẫn, bao gồm việc tự nguyện khắc phục hậu quả, nộp lại một phần hoặc toàn bộ số tiền thu lợi bất chính. Một số bị cáo trình bày hoàn cảnh gia đình khó khăn hoặc nhấn mạnh các đóng góp tích cực cho xã hội và cộng đồng. Ngoài ra, các yếu tố nhân đạo như tuổi cao, bệnh tật hoặc là người duy nhất nuôi dưỡng gia đình cũng được xem xét nhằm giảm nhẹ hình phạt.
Không chấp nhận kháng cáo của 85 bị cáo
Xem xét các kháng cáo của VKSND TP HCM, HĐXX đề nghị bác kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của 85 bị cáo. Theo HĐXX, các tài liệu, chứng cứ và tình tiết mới mà các luật sư và bị cáo cung cấp chỉ là những tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại khoản 2 điều 51 Bộ Luật Hình sự, không phải là tình tiết mới nên không có cơ sở chấp nhận kháng cáo đối với nhóm bị cáo này. Trong số đó, có bị cáo Trần Anh Quân (cựu quyền Trưởng Phòng Kiểm định xe cơ giới - Cục Đăng kiểm Việt Nam), người bị tuyên phạt 14 năm tù về tội "Nhận hối lộ". Theo bản án sơ thẩm, Trần Anh Quân đã cùng lãnh đạo thống nhất để các đăng kiểm viên nhận tiền hối lộ từ các công ty thiết kế cải tạo phương tiện, thẩm định hồ sơ trái pháp luật, sau đó chia tiền cho lãnh đạo Cục Đăng kiểm và chia cho nhau theo tỉ lệ đã định sẵn, hưởng lợi bất chính. Sau khi bị khởi tố, bị cáo đã nộp lại toàn bộ số tiền thu lợi bất chính.
Đối với các bị cáo còn lại, VKSND Cấp cao tại TP HCM đề nghị giảm hình phạt từ 6 tháng đến 3 năm tù. Trong đó, VKSND Cấp cao tại TP HCM đã đề nghị HĐXX chấp nhận kháng cáo và giảm nhẹ hình phạt đối với 2 cựu cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam. Cụ thể, VKS đề nghị giảm từ 2 - 3 năm tù cho bị cáo Trần Kỳ Hình và từ 1 - 2 năm tù cho bị cáo Đặng Việt Hà. VKS cũng đề nghị cho 5 bị cáo được hưởng án treo, bao gồm: Nguyễn Ngọc Hưng (quản lý, điều hành Công ty Phát Đạt), Nguyễn Công Tùng (lao động tự do, do Nguyễn Ngọc Hưng thuê để thực hiện việc nộp hồ sơ thiết kế và đưa hối lộ cho các đăng kiểm viên), Nguyễn Đình Khoa (bảo vệ của Trung tâm Đăng kiểm 50-05V cơ sở An Phú Đông), Lê Ngọc Lợi (đăng kiểm viên) và Bùi Quốc Hưng (trưởng Phòng Tàu sông). Đặc biệt, Bùi Quốc Hưng đã làm trái công vụ trong việc đánh giá hồ sơ các cơ sở đóng tàu không đủ điều kiện nhưng vẫn cấp thông báo năng lực, tạo điều kiện cho các cơ sở này hoạt động trái pháp luật, phạm vào tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ".
Đối với các kháng nghị của VKSND TP HCM, trong phiên tòa, đại diện VKSND Cấp cao tại TP HCM đã rút kháng nghị đối với 5 bị cáo, cho rằng hình phạt sơ thẩm đối với họ đã phù hợp với tính chất và hành vi phạm tội. Tuy nhiên, đối với 13 bị cáo còn lại, VKS đề nghị tăng hình phạt từ 6 tháng đến 3 năm tù. VKS cho rằng mức án sơ thẩm đối với nhóm bị cáo này chưa đủ nghiêm khắc để phản ánh đầy đủ tính chất nghiêm trọng của hành vi phạm tội, đặc biệt là khi họ đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để nhận hối lộ, làm giả tài liệu, gây thiệt hại lớn cho ngân sách nhà nước và làm suy yếu hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng.
VKSND cũng nhấn mạnh dù có những tình tiết giảm nhẹ nhưng mức độ phạm tội của các bị cáo là rất nghiêm trọng, do đó việc đề nghị tăng hình phạt đối với các bị cáo là hợp lý, nhằm bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và sự công bằng trong việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.
HĐXX sẽ tiếp tục làm việc và đưa ra phán quyết cuối cùng sau khi xem xét đầy đủ các kháng cáo và kháng nghị.