Xét xử bị cáo Lưu Bình Nhưỡng, Lê Thanh Vân cùng các đồng phạm

Sáng nay (7/1), TAND tỉnh Thái Bình đã đưa bị cáo Lưu Bình Nhưỡng cùng đồng phạm về tội Cưỡng đoạt tài sản và Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi ra xét xử sơ thẩm.

Phiên tòa do thẩm phán Vũ Duy Luân làm chủ tọa, thẩm phán Phạm Ngọc Thành cùng 7 thẩm phán dự khuyết. Hội đồng xét xử có 3 hội thẩm nhân dân và 19 hội thẩm nhân dân dự khuyết; 2 thư ký và 5 thư ký dự khuyết.

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình giữ quyền công tố tại tòa gồm 3 kiểm sát viên.

Có 12 luật sư tham gia bào chữa cho 5 bị cáo. Trong đó, bị cáo Lưu Bình Nhưỡng có 3 luật sư bào chữa, bị cáo Lê Thanh Vân có 4 luật sư bào chữa, bị cáo Nguyễn Văn Vương có 3 luật sư bào chữa.

Phiên tòa có 1 bị hại là Công ty TNHH MTV Kinh doanh khai thác vật liệu xây dựng Sao Đỏ (trụ sở tại phường Anh Dũng, quận Dương Kinh, TP Hải Phòng); 8 người có quyền và nghĩa vụ liên quan; 4 người làm chứng (trong đó có vợ bị cáo Lưu Bình Nhưỡng).

Trong 5 bị cáo phải ra hầu tòa, hai "giang hồ" Phạm Minh Cường (tức Cường "quắt", SN 1986, trú thôn Xuân Bàng, xã Thụy Xuân, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) và Vũ Đăng Phương (SN 1982, trú thôn Đông Ninh, xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) bị Viện KSND tỉnh Thái Bình truy tố về tội "Cưỡng đoạt tài sản" theo quy định tại điểm a Khoản 4 Điều 170 Bộ luật Hình sự.

Các bị cáo tại tòa

Các bị cáo tại tòa

Bị cáo Lưu Bình Nhưỡng (SN 1963, trú tại phường Xuân La, quận Tây Hồ, TP Hà Nội) bị truy tố về hai tội "Cưỡng đoạt tài sản" theo quy định tại điểm a Khoản 4 Điều 170 Bộ luật Hình sự và "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi" quy định tại điểm a Khoản 4 Điều 358 Bộ luật Hình sự.

Bị cáo Lê Thanh Vân (SN 1964, trú tại khu đô thị Ecopark, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) và Nguyễn Văn Vương (SN 1976, trú tại xã Lệ Chi, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội) bị truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi" quy định tại điểm a Khoản 4 Điều 358 Bộ luật Hình sự.

Trước khi bị bắt, bị cáo Lưu Bình Nhưỡng là Phó Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội (đã bị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tạm đình chỉ chức vụ, công tác từ 16/11/2023 đến 30/11/2023, đã bị bãi nhiệm tư cách Đại biểu Quốc hội); bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương khai trừ ra khỏi Đảng từ ngày 22/12/2023.

Bị cáo Lê Thanh Vân trước khi bị bắt là Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, Đại biểu Quốc hội khóa XV (đã bị bãi nhiệm tư cách Đại biểu Quốc hội từ ngày 26/8/2024, bị khai trừ ra khỏi Đảng từ ngày 16/7/2024.

Bị cáo Nguyễn Văn Vương trước khi bị bắt là chuyên viên Vụ Pháp luật, Văn phòng Chủ tịch nước, đã bị cho thôi việc từ ngày 19/9/2024; đồng thời bị Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương khai trừ ra khỏi Đảng cùng ngày.

Theo cáo trạng, thời điểm tháng 5,6/2021, bị can Phạm Minh Cường đến nói cho ông Lưu Bình Nhưỡng biết việc Cường dùng thủ đoạn để lấy tiền của chi nhánh Công ty Sao Đỏ, và nhờ ông Nhưỡng can thiệp để tạo điều kiện cho Cường làm ăn thuận lợi.

Ông Nhưỡng được Cường bán cho 30 ha bãi triều với giá khoảng 1,2 tỷ đồng (chỉ lấy 900 triệu đồng). Sau đó, ông Nhưỡng giao diện tích này cho Cường quản lý, khai thác, còn vợ chồng ông Nhưỡng thu tiền.

Để tạo điều kiện cho Cường, ông Nhưỡng đã điện thoại, đến một số cơ quan chức năng tỉnh Thái Bình can thiệp, gây thanh thế, tạo điều kiện cho Cường tiếp tục cưỡng đoạt tài sản.

Toàn cảnh phiên tòa

Toàn cảnh phiên tòa

Tháng 12/2020 và tháng 5/2021, ông Nhưỡng lấy tư cách đại biểu Quốc hội ký văn bản gửi lãnh đạo UBND TP Hải Phòng, Chánh án, Viện trưởng VKS và giám đốc Công an TP Hải Phòng can thiệp để giải quyết theo hướng có lợi cho một người tên Thao, hưởng lợi bộ cánh cổng gỗ trị giá 75 triệu đồng và nhằm hưởng lợi 1 lô đất trị giá 160 triệu đồng.

Ngày 15/3/2021, ông Nhưỡng lấy tư cách Đại biểu Quốc hội can thiệp đến Chính phủ để Công ty Mạnh Đức được phê duyệt thực hiện dự án Quế Võ III của tỉnh Bắc Ninh và đã được hưởng lợi 300.000 USD.

Ngày 18/7/2019 và 1/10/2019, ông Nhưỡng lấy tư cách là Đại biểu Quốc hội ký 2 văn bản can thiệp, yêu cầu UBND tỉnh Quảng Ninh cho công ty Hạ Long được tiếp tục thực hiện dự án 36 ha, hưởng lợi 1 lô đất ở Đông Anh trị giá hơn 1,8 tỷ đồng và nhằm hưởng lợi 1.000m2 đất tại dự án này (có trị giá hơn 1,9 tỷ đồng).

Từ tháng 7-10/2023, ông Lưu Bình Nhưỡng (thời điểm này là Phó trưởng Ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc Hội) đã gọi điện, ký văn bản gửi lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh can thiệp để Công ty CP Trường Sinh sớm được cấp phép khai thác dự án đồi Bắc Sơn và đã hưởng lợi 210 triệu đồng.

Trong khi đó, ông Lê Thanh Vân bị xác định đã ký 4 văn bản can thiệp gửi đến lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ninh, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ để đồng ý cho Công ty Hạ Long được tiếp tục thực hiện dự án 36 ha, hưởng lợi 1 lô đất ở Đông Anh, Hà Nội, trị giá hơn 1,8 tỷ đồng và hưởng lợi 1.000m2 đất trị giá hơn 1,9 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Vương bị cáo buộc đã đến gặp ông Lưu Bình Nhưỡng và ông Lê Thanh Vân để nhờ can thiệp đến lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ninh, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ để Công ty Hạ Long được tiếp tục triển khai dự án 36 ha.

Sau khi nhận 3,3 tỷ đồng từ Công ty Hạ Long và được hứa sẽ hưởng 10% diện tích đất của dự án (khoảng 15.000 m2), Vương đã hướng dẫn Công ty Hạ Long soạn thảo đơn kiến nghị và kêu cứu khẩn cấp, gửi đến Chính phủ, UBND tỉnh Quảng Ninh và ông Lưu Bình Nhưỡng.

Vương sau đó trực tiếp gặp ông Lưu Bình Nhưỡng để đề nghị hỗ trợ can thiệp và đã tặng ông Nhưỡng một lô đất rộng 491m2 tại huyện Đông Anh, Hà Nội, trị giá 1,8 tỷ đồng. Đồng thời, Vương hứa sẽ tặng thêm 1.000m2 đất tại dự án 36 ha sau khi công việc được giải quyết ổn thỏa.

Sau hai lần can thiệp nhưng không đạt kết quả, ông Nhưỡng đã giới thiệu Vương gặp ông Lê Thanh Vân, khi đó là đại biểu Quốc hội khóa XIV, để nhờ giúp đỡ và ông Vân đồng ý hỗ trợ.

Trà My

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/vu-an/xet-xu-cac-ong-luu-binh-nhuong-le-thanh-van_172521.html
Zalo