Xét tuyển phức tạp, chuyên gia cảnh báo nguy cơ chọn sai ngành

Sau kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhiều thí sinh bối rối trước 'ma trận' xét tuyển: bảng quy đổi điểm, chỉ số bách phân vị, phương thức xét tuyển đa dạng giữa các trường. Nếu không xuất phát từ năng lực và mục tiêu thực sự, việc chọn ngành dễ lệch hướng. Chuyên gia cảnh báo gì để thí sinh tránh bước sai?

Mỗi trường tính mỗi kiểu, phụ huynh bị quay như "chong chóng"

Trong giai đoạn thí sinh điều chỉnh nguyện vọng sau kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, nhiều phụ huynh và giáo viên bày tỏ sự hoang mang trước tình trạng quy đổi điểm và phương thức xét tuyển quá đa dạng. “Mỗi trường một kiểu, đau đầu không biết đâu mà lần” là cảm xúc chung của không ít người đang đồng hành cùng thí sinh trong thời điểm then chốt này.

Thí sinh hãy chọn ngành học bằng chính hiểu biết về bản thân, chứ không phải bằng phép tính

Thí sinh hãy chọn ngành học bằng chính hiểu biết về bản thân, chứ không phải bằng phép tính

Thầy Vũ Khắc Ngọc - giáo viên môn Hóa, kiêm chuyên gia tư vấn hướng nghiệp, chia sẻ: “Năm nay, các thông tin về quy đổi điểm, tính điểm xét tuyển, ngưỡng đầu vào... của các trường công bố khá muộn. Mỗi trường lại có cách tính khác nhau, khiến cả phụ huynh lẫn giáo viên như tôi cũng... đau đầu. Có lẽ Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) nên xem xét lùi thời hạn đăng ký nguyện vọng thêm một tuần để thí sinh có thời gian suy nghĩ, cân nhắc kỹ lưỡng hơn”.

Thầy Ngọc nhấn mạnh, việc mỗi trường quy đổi theo một công thức riêng - cộng, trừ, nhân, chia khiến quá trình tra cứu và so sánh trở nên phức tạp. “Quy đổi điểm cũng được, IELTS cũng được, SAT, TSA/HSA cũng được, nhưng mỗi trường lại có cách tính riêng. Có khi phụ huynh hỏi một câu mà tôi phải đi tra đề án tuyển sinh, dò tin cũ, so tin mới, mà vẫn chưa chắc tìm ra đáp án”.

Một bất cập khác được một số giáo viên chỉ ra là, việc nhiều trường yêu cầu thí sinh đăng ký thông tin trước khi đăng ký chính thức trên hệ thống của Bộ. Trong khi đó, dữ liệu đầu vào như điểm IELTS, học bạ, điểm thi năng lực… là giống nhau. Tại sao không thu thập toàn bộ dữ liệu qua một cổng chung của Bộ, sau đó các trường thích quy đổi, tính toán sao thì tùy? Việc bắt phụ huynh - học sinh đăng ký riêng từng trường là không cần thiết. Nhiều em không biết thời hạn, lỡ đăng ký là mất cơ hội.

Tại các diễn đàn phụ huynh, học sinh, nhiều ý kiến đồng tình với nhận định này. Chị Hoàn Đào chia sẻ: “Cứ phải rải thật nhiều nguyện vọng cho an toàn. Mỗi trường mỗi kiểu tính điểm, lằng nhằng quá. Tôi xếp tạm hơn 100 nguyện vọng, ưu tiên ngành yêu thích lên đầu rồi giảm dần”. Trong khi đó, phụ huynh Thùy Dương bức xúc: “Khó hiểu nhất là đề án tuyển sinh của một số trường không đủ thông tin. Web trường thì thiếu cập nhật. Chưa kể một số trường yêu cầu thí sinh phải đăng ký sớm để được xét chứng chỉ ngoại ngữ, mà thời điểm đó các cháu đang ôn thi, đâu ai biết để theo dõi”.

Không ít phụ huynh và thí sinh cho rằng Bộ GD-ĐT đang "vừa kiểm soát, vừa buông lỏng", khiến các trường mỗi nơi một kiểu quy đổi điểm. Điều này gây nhiễu thông tin và tạo cảm giác bất công trong xét tuyển. Một số chuyên gia giáo dục nhận định, nếu không có công thức quy đổi thống nhất, việc để các trường tự xây dựng bảng quy đổi có thể dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, làm thiệt thòi cho thí sinh.

Thống kê cho thấy, cùng một mức điểm đánh giá năng lực, thí sinh có thể được quy đổi thành 27 điểm ở trường này nhưng chỉ 24 điểm ở trường khác. Ví dụ, 100 điểm HSA tại ĐH Quốc gia Hà Nội tương đương 27,25 điểm A00 ở chính đơn vị này, nhưng chỉ 24,25 điểm tại ĐH Công nghiệp Hà Nội - chênh lệch tới 3 điểm. Điều này càng khiến phụ huynh, thí sinh phải thận trọng hơn khi điều chỉnh nguyện vọng.

Bộ GD-ĐT đã công bố bảng đối sánh phổ điểm và bách phân vị, nhưng chỉ áp dụng cho 7 tổ hợp phổ biến gồm A00, A01, B00, C00, D01, C01, D07. Các tổ hợp khác không có dữ liệu chính thức, khiến nhiều trường lúng túng khi xây dựng quy đổi điểm tương đương.

Tránh để bách phân vị làm "nhiễu" quyết định chọn nguyện vọng

Theo TS. Võ Thanh Hải - Phó Giám đốc thường trực ĐH Duy Tân - bách phân vị là công cụ thống kê kỹ thuật để các trường tham khảo khi đối sánh, quy đổi điểm giữa các phương thức xét tuyển. “Thí sinh không cần lo lắng. Điều quan trọng là theo dõi điểm sàn và lựa chọn nguyện vọng phù hợp với năng lực,” ông Hải khẳng định.

Cùng quan điểm, ThS. Nguyễn Đỗ Tùng - Giám đốc Điều hành Trường ĐH Văn Hiến – lưu ý thí sinh cần tập trung vào mức điểm sàn cụ thể của từng ngành. Ví dụ, điểm sàn của ĐH Văn Hiến năm nay là 15 điểm, riêng ngành Điều dưỡng là 17 điểm, khối ngành Pháp luật yêu cầu điểm Toán hoặc Văn từ 6,5 trở lên. Đây là những dữ liệu thiết thực hơn bách phân vị.

ThS. Trương Thị Ngọc Bích (ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM) cũng cho biết: “Rất nhiều thí sinh đang hoang mang vì bảng phân vị, tìm cách xác định thứ hạng để điều chỉnh nguyện vọng. Nhưng điều đó không cần thiết. Hãy tập trung vào ngưỡng điểm sàn – đó mới là căn cứ thật sự cho quyết định đăng ký.”

Một trong những rủi ro lớn nhất của mùa tuyển sinh là việc chọn ngành chỉ vì nghĩ “ngành đó dễ đỗ”. Theo ThS. Trương Quang Trị (ĐH Nguyễn Tất Thành), việc tất cả nguyện vọng phải đưa lên hệ thống chung khiến mức độ cạnh tranh tăng mạnh. “Nhiều em chọn ngành không vì đam mê hay năng lực, mà chỉ vì điểm,” ông cảnh báo.

TS. Võ Thanh Hải nhấn mạnh: “Đừng vì điểm chuẩn ngành A cao mà chuyển sang ngành B chỉ vì nghĩ dễ trúng. Điều này ảnh hưởng đến cả quá trình học và tương lai nghề nghiệp”. Ông cũng lưu ý: thí sinh cần hiểu rõ sự khác biệt giữa ba loại điểm – điểm thi (điểm thật), điểm sàn (điều kiện xét tuyển) và điểm chuẩn (mức điểm thực tế trúng tuyển). Nhiều em nhầm lẫn rằng đạt điểm sàn là đỗ, trong khi điểm chuẩn thực tế có thể cao hơn sàn rất nhiều, đặc biệt ở các ngành hot như: trí tuệ nhân tạo, y dược, luật…

Trước tâm lý chạy theo điểm, nhiều trường khuyến nghị thí sinh nên lựa chọn ngành học dựa trên nội lực. Học sinh cần dành thời gian nhìn lại sở thích, năng lực, các hoạt động từng làm tốt trong thời phổ thông để định hình nhóm ngành mình có tiềm năng phát triển lâu dài.

Một điều quan trọng khác là sự chênh lệch điểm đầu vào giữa các phương thức xét tuyển như điểm thi tốt nghiệp, chứng chỉ quốc tế, học bạ, điểm ưu tiên… Cùng một thí sinh có thể được quy đổi nhiều điểm khác nhau, tùy theo từng trường, từng phương thức, dẫn tới sự cạnh tranh khốc liệt nếu không nắm rõ quy định.

Tuyển sinh đại học là bước ngoặt lớn, nhưng chọn sai ngành có thể khiến hành trình học tập và nghề nghiệp bị lệch hướng, mất thời gian và chi phí. Điểm “dễ đỗ” không thể thay thế cho sự phù hợp, đam mê và mục tiêu cá nhân.

Trong bối cảnh bảng quy đổi điểm thay đổi từng ngày, chỉ số bách phân vị gây “nhiễu”, và thông tin từ các trường còn thiếu thống nhất, lời khuyên quan trọng nhất mà các chuyên gia đồng thuận: Hãy chọn ngành học bằng chính hiểu biết về bản thân, chứ không phải bằng phép tính.

Thu Hằng/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/xet-tuyen-phuc-tap-chuyen-gia-canh-bao-nguy-co-chon-sai-nganh-post1217135.vov
Zalo