Tư vấn sớm tổ hợp môn tự chọn cho học sinh khối 10

Sau khi hoàn thành chu kỳ đầu tiên thực hiện Chương trình GDPT 2018, các trường THPT đã có kinh nghiệm, chủ động tư vấn, định hướng cho học sinh lớp 10 về nhóm lớp, tổ hợp môn lựa chọn.

Học sinh khối 10 Trường THPT Nguyễn Cảnh Chân (Đại Đồng, Nghệ An) đăng ký nhóm lớp, tổ hợp môn lựa chọn. Ảnh: Hồ Lài

Học sinh khối 10 Trường THPT Nguyễn Cảnh Chân (Đại Đồng, Nghệ An) đăng ký nhóm lớp, tổ hợp môn lựa chọn. Ảnh: Hồ Lài

Qua đó giúp học sinh tự tin trong học tập và định hướng nghề nghiệp tương lai.

Đồng hành với học trò vùng khó

Sau khi hoàn thành tuyển sinh năm học 2025 - 2026, Trường THPT Nguyễn Cảnh Chân (Đại Đồng, Nghệ An) đã sớm tổ chức tư vấn, hướng dẫn đăng ký tổ hợp môn học tự chọn cho hơn 400 học sinh lớp 10. Năm nay Trường THPT Nguyễn Cảnh Chân xây dựng các lớp định hướng về khoa học tự nhiên; khoa học xã hội (nâng cao) và khoa học xã hội (cơ bản).

Đối với học sinh đăng ký nhóm lớp khoa học tự nhiên, ngoài các môn bắt buộc sẽ học các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học và Tin học. Còn 2 nhóm lớp xã hội, các em sẽ học thêm môn lựa chọn và chuyên đề học tập gồm Vật lí, Địa lí, Kinh tế pháp luật và Tin học.

Em Vi Tuấn Hùng - người dân tộc Thái ở xã Sơn Lâm, Nghệ An cho biết thi được 14,25 điểm và đăng ký nguyện vọng 1 vào lớp nâng cao khối C. Tuy nhiên, nhà trường chỉ lấy 1 lớp nâng cao, điểm số của em khá thấp nên đăng ký thêm nguyện vọng 2 vào lớp cơ bản.

Trong buổi tư vấn, nhiều phụ huynh đến trường nhập học thay con, nhưng lại không hiểu về chương trình mới. Ông Trịnh Xuân Nhu (Cát Ngạn, Nghệ An) loay hoay cầm tờ đơn đăng ký, khi học sinh, phụ huynh đã về hết, ông mới đến phòng tuyển sinh của trường nhờ thầy cô kiểm tra lần cuối xem đã điền thông tin đúng chưa.

Ông cho biết đăng ký thay cháu nội là Trịnh Quốc Việt đang về thăm quê ngoại ở xa. Bố của Việt làm công nhân ngoài Bắc, mẹ đi xuất khẩu lao động, nên từ năm lớp 3 em sống cùng ông bà nội. “Tôi già rồi, không thể hiểu về chương trình học hiện nay. Cháu gọi điện, đọc thông tin cho tôi ghi vào phiếu, nhưng tôi cứ sợ ghi sai”, ông Trịnh Xuân Nhu nói.

Thầy Nguyễn Văn Quyền - Tổ trưởng chuyên môn Ngoại ngữ, Trường THPT Nguyễn Cảnh Chân, tham gia tổ tư vấn chia sẻ, dù đã triển khai Chương trình GDPT 2018 ở cấp THPT đã 3 năm, nhưng học sinh và phụ huynh còn mơ hồ trong định hướng môn học, nghề nghiệp. “Cá nhân tôi trước khi tham gia tư vấn phải tìm hiểu kỹ các tổ hợp xét tuyển đại học của các nhà trường, xu hướng ngành nghề trong 5 - 6 năm tới. Tìm hiểu để biết học sinh thích học môn gì, làm gì trong tương lai và lắng nghe các em để hỗ trợ phù hợp”, thầy Quyền chia sẻ.

Còn tại Trường THPT DTNT tỉnh Cao Bằng, năm học 2025 - 2026, nhà trường tuyển sinh 175 học sinh lớp 10. Do đặc thù trường nội trú, nhiều học sinh ở vùng sâu, xa, nên kế hoạch nhập học dự kiến được tổ chức vào cuối tháng 8.

Bà Lê Thị Lan Phương - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Chúng tôi đã tổ chức các buổi tập huấn, hội ý trong Hội đồng Tuyển sinh để thống nhất nội dung triển khai. Giáo viên được phân công thành lập các nhóm Zalo theo từng địa bàn để phổ biến thông tin, hướng dẫn thủ tục nhập học, đồng thời tư vấn cho học sinh về chương trình mới cũng như định hướng thi tốt nghiệp THPT”.

Nhà trường xác định rõ vai trò tư vấn của giáo viên chủ nhiệm và bộ môn trong việc giúp học sinh lựa chọn tổ hợp phù hợp. Việc sắp xếp các tổ hợp được thực hiện hài hòa giữa các môn tự nhiên và xã hội, đảm bảo quyền lựa chọn của học sinh nhưng vẫn trong khả năng tổ chức dạy học của nhà trường.

 Lãnh đạo Trường THPT Nguyễn Cảnh Chân tư vấn cho phụ huynh, học sinh chọn lớp phù hợp năng lực và định hướng nghề nghiệp. Ảnh: Hồ Lài

Lãnh đạo Trường THPT Nguyễn Cảnh Chân tư vấn cho phụ huynh, học sinh chọn lớp phù hợp năng lực và định hướng nghề nghiệp. Ảnh: Hồ Lài

Liên thông hướng nghiệp

Với đặc thù cấp THPT là giai đoạn giáo dục hướng nghiệp, học sinh ngoài các môn bắt buộc sẽ đăng ký các môn tự chọn và chuyên đề học tập. Vì vậy, hầu hết trường THPT tổ chức tư vấn, định hướng, lựa chọn tổ hợp môn cho học sinh lớp 10. Trường THPT Thanh Chương 1 (Đại Đồng, Nghệ An) từ cuối năm học 2024 - 2025 đã tổ chức tư vấn Chương trình GDPT 2018 giai đoạn giáo dục hướng nghiệp cho các trường THCS thuộc vùng tuyển sinh.

Theo ông Nguyễn Triều Tiên - Hiệu trưởng nhà trường, việc tư vấn sớm cho các trường THCS nhằm khớp nối, liên thông trong hướng nghiệp cho học sinh giữa 2 cấp học. “Nếu đợi đến khi học sinh vào lớp 10 mới tư vấn thì các em không có nhiều thời gian suy nghĩ cân nhắc chu đáo về chọn tổ hợp môn, lớp học. Thay và đó cần có sự chuẩn bị sớm hơn kể từ khi các em ở cấp THCS thông qua nhà trường và giáo viên.

Theo đó, Trường THPT Thanh Chương 1 giới thiệu điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, cơ cấu lớp học, chương trình dạy học… để các trường THCS nắm bắt, hiểu rõ. Sau đó phổ biến đến học sinh, giúp các em có nhận thức ban đầu về giai đoạn giáo dục hướng nghiệp ở cấp THPT cũng như trường dự định thi vào lớp 10. Đồng thời tư vấn bước 1 để học sinh xác định năng lực, thế mạnh của bản thân phù hợp với định hướng.

Trong khi đó, Trường THPT Quế Phong (Nghệ An) đã thực hiện giải pháp liên thông trong tư vấn từ 3 năm nay. Đây là ngôi trường THPT duy nhất của huyện biên giới Quế Phong cũ.

Ông Nguyễn Hồng Tư - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Quế Phong cho hay, phụ huynh ở vùng cao nhận thức và hiểu biết xã hội nói chung và chương trình giáo dục nói riêng chưa đầy đủ bằng học sinh. Vì vậy, nhà trường đã làm văn bản thông tin rõ về các loại hình lớp học ở cấp THPT và các môn lựa chọn tương ứng, gửi đến tất cả trường THCS trên địa bàn. Đồng thời phát phiếu thăm dò ý kiến đến học sinh khối 9.

Sau khi học sinh đăng ký sẽ nộp lại cho nhà trường để chuyển lên cho trường THPT. Khi học sinh đã tốt nghiệp THCS, dựa vào hồ sơ đăng ký tuyển sinh trực tuyến, Trường THPT Quế Phong sẽ phân tích dữ liệu học sinh trong học bạ điện tử. Trên cơ sở đó tiếp tục tư vấn, định hướng khi học sinh trúng tuyển, chính thức nhập học vào trường.

 Ảnh minh họa INT.

Ảnh minh họa INT.

Điều chỉnh nhóm lớp

Theo ông Lê Hải Nam - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Cảnh Chân (Nghệ An), khi xếp lớp và tư vấn cho học sinh, chúng tôi sẽ căn cứ vào kết quả thi vào lớp 10, năng lực học sinh, cơ cấu đội ngũ giáo viên và định hướng nghề nghiệp tương lai. Qua Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 và hiện nay nhiều trường đại học đã công bố các phương án tuyển sinh, cho thấy tổ hợp xét tuyển có sự chuyển dịch so với trước đây. Trong đó, một số trường đại học dần bỏ xét tuyển khối C00 với nhiều ngành nghề. Đây cũng là điểm lưu ý mà nhà trường tư vấn cho học sinh mới vào lớp 10.

Ông Lê Hải Nam cho hay: “Nhà trường không chia ra quá nhiều nhóm lớp, gây khó khăn cho học sinh, phụ huynh trong việc lựa chọn. Với các tổ hợp môn, nhà trường tính toán để học sinh có thể học và cùng lúc tham gia nhiều kỳ thi như tốt nghiệp THPT, xét tuyển đại học và các kỳ thi đánh giá năng lực”.

Năm học 2025 - 2026, Trường THPT Ngô Gia Tự (Lập Thạch, Phú Thọ) tuyển sinh 630 học sinh lớp 10. Với quan điểm không để học sinh phải “chọn bừa” tổ hợp môn học khi bước vào lớp 10, nhà trường đã xây dựng quy trình tư vấn bài bản, sát thực tiễn.

Ông Triệu Văn Hải - Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Gia Tự chia sẻ: “Những năm gần đây, nhiều trường đại học giảm mạnh hoặc dừng tuyển sinh tổ hợp xã hội. Trong khi đó, tổ hợp tự nhiên hoặc các phương thức kết hợp đang mở rộng. Chúng tôi tư vấn kỹ để học sinh chọn tổ hợp không chỉ để học tốt mà còn có cơ hội cao hơn vào đại học sau này”.

Từ định hướng này, tỷ lệ học sinh chọn tổ hợp các môn tự nhiên tại Trường THPT Ngô Gia Tự trong các năm gần đây chiếm khoảng 70%. Sau khi định hướng chọn lớp, nhà trường có kế hoạch cụ thể trong công tác dạy học, ôn thi. Năm 2025, toàn trường đạt 100% tốt nghiệp THPT. Trong đó có 473/580 em đạt từ 24 điểm trở lên (theo tổ hợp xét đại học), 54 em đạt từ 27 điểm trở lên. Bên cạnh đó, nhiều học sinh tham gia kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy hoặc sở hữu chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế.

Năm học 2025 - 2026, Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh Lạng Sơn tuyển sinh 180 học sinh vào lớp 10, chia thành 6 lớp. Ngay từ đầu tháng 7, nhà trường đã tổ chức buổi tập trung cho toàn bộ học sinh khối 10 để tiếp nhận hồ sơ, đồng thời tư vấn cho học sinh và phụ huynh về việc chọn tổ hợp môn học theo định hướng mới của chương trình.

Bà Nguyễn Thanh Thảo - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Tổ tư vấn không chỉ giới thiệu về chương trình, mà còn phân tích điều kiện dạy học tại trường, xu hướng nghề nghiệp, từ đó giúp học sinh và phụ huynh hiểu rõ hơn khi lựa chọn tổ hợp phù hợp”.

Một điểm đáng chú ý trong năm học này tại Lạng Sơn là việc sở GD&ĐT khuyến khích học sinh lựa chọn tiếng Trung là môn Ngoại ngữ 1. Đây là một trong những định hướng quan trọng trong công tác giáo dục vùng biên, tạo điều kiện để học sinh có thể tiếp cận và phát triển năng lực ngoại ngữ phù hợp với đặc điểm địa phương. “Nhà trường đã chuẩn bị sẵn sàng đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất để tổ chức lớp tiếng Trung cho học sinh lớp 10 năm nay”, bà Nguyễn Thanh Thảo cho biết thêm.

“Ở giai đoạn giáo dục hướng nghiệp, học sinh không chọn môn học để thi đạt điểm cao, mà vì việc làm, ngành nghề tương lai. Chúng tôi khuyên học sinh khi lựa chọn tổ hợp cần xuất phát từ mục tiêu nghề nghiệp cụ thể, phù hợp với năng lực, sở thích và nhu cầu nhân lực xã hội.

Việc lựa chọn tổ hợp môn đúng đắn không chỉ giúp học sinh bớt áp lực, tự tin trong học tập 3 năm THPT mà còn giúp các em phát triển bền vững về nghề nghiệp và trong cuộc sống sau này”, ông Nguyễn Hồng Tư - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Quế Phong (Nghệ An) chia sẻ.

Nhóm PV

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tu-van-som-to-hop-mon-tu-chon-cho-hoc-sinh-khoi-10-post741429.html
Zalo