Xét duyệt hồ sơ, danh sách đề nghị đặc xá năm 2025
Trong xét duyệt hồ sơ, danh sách đề nghị đặc xá, Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu đánh giá thật kỹ, hết sức công tâm, khách quan, thận trọng với từng trường hợp.
Theo Báo điện tử Chính phủ, chiều 24/4, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Hội đồng tư vấn đặc xá năm 2025 (Hội đồng) chủ trì cuộc họp Hội đồng để xét duyệt hồ sơ, danh sách đề nghị đặc xá năm 2025 nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Sau cuộc họp này, Hội đồng sẽ tổng hợp, trình Chủ tịch nước danh sách phạm nhân đủ điều kiện được đặc xá để xem xét, quyết định.

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình. (Ảnh: VGP)
Phó Thủ tướng Thường trực cho biết, pháp luật thể hiện tính nghiêm minh đối với người phạm tội, kiên quyết trừng trị nghiêm khắc đối với những kẻ cầm đầu, chống đối, tội phạm nguy hiểm, đồng thời cũng khoan hồng, lượng thứ đối với người phạm tội thành khẩn, lập công chuộc tội, ăn năn hối cải và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho họ sửa chữa sai lầm, hoàn lương, trở lại cuộc sống bình thường, đóng góp cho xã hội.
Thực hiện chủ trương của Đảng, Quốc hội đã ban hành Luật Đặc xá và tính từ năm 2009 đến nay, thực hiện 10 đợt đặc xá. Mặc dù số lượng người được đặc xá lớn nhưng tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội vẫn được đảm bảo, không có phức tạp do người được đặc xá gây nên.
"Phần lớn những người được đặc xá trở về nơi cư trú có cuộc sống ổn định, làm ăn lương thiện. Tỷ lệ người được đặc xá tái phạm tội là khá thấp. Công tác đặc xá bảo đảm các yêu cầu về chính trị, pháp luật, nghiệp vụ, đối ngoại, được Nhân dân đồng tình và đánh giá cao", Phó Thủ tướng Thường trực đánh giá.
Theo Phó Thủ tướng Thường trực, đợt đặc xá năm 2025, dù thời gian không quá dài, trong khi số lượng hồ sơ rất lớn, nhưng các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Công an - Cơ quan Thường trực của Hội đồng và TAND Tối cao đã hết sức cố gắng, khẩn trương chỉ đạo, bảo đảm công tác đặc xá được thực hiện chặt chẽ, minh bạch, đúng quy định của pháp luật.
"Việc xét đề nghị phải đảm bảo chặt chẽ, đúng pháp luật, đáp ứng được các yêu cầu chính trị, nghiệp vụ, các mục tiêu đề ra. Tôi đề nghị phải tập trung rà soát, xem xét, nghiên cứu, đánh giá thật kỹ, hết sức công tâm, khách quan, thận trọng đối với từng trường hợp cụ thể, bám sát điều kiện, tiêu chuẩn đã được nêu ra trong Luật Đặc xá và Quyết định của Chủ tịch nước", Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh.

Toàn cảnh cuộc họp. (Ảnh: VGP)
Theo báo cáo tại cuộc họp, từ 2009 đến nay, Chủ tịch nước 10 lần ký quyết định đặc xá cho gần 100.000 phạm nhân có quá trình cải tạo, lao động học tập tốt trở về với gia đình, cộng đồng làm công dân có ích cho xã hội.
Hầu hết người được đặc xá trở về đã nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng, có cuộc sống ổn định và làm ăn lương thiện, nhiều người trong số họ đã trở thành doanh nhân thành đạt hoặc tích cực tham gia các hoạt động xã hội ở địa phương, tỷ lệ người được đặc xá tái phạm tội là rất thấp (đặc xá năm 2024, tính đến nay có 5/3.763 người được đặc xá tái phạm tội, chiếm tỷ lệ 0,13%.).
Thực hiện quyết định của Chủ tịch nước về đặc xá năm 2025 và Hướng dẫn của Hội đồng, trong thời gian qua, các tổ thẩm định liên ngành của Hội đồng tư vấn đặc xá và các tổ chuyên viên giúp việc cho thành viên Hội đồng thuộc các ban, bộ, ngành kiểm tra, thẩm định hàng nghìn hồ sơ đủ điều kiện đề nghị đặc xá tại các trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Công an, cơ quan thi hành án hình sự công an cấp tỉnh và các trại giam do Bộ Quốc phòng quản lý.
Việc xét đề nghị đặc xá cho những người đủ điều kiện được tiến hành theo quy trình chặt chẽ, công khai, dân chủ, khách quan, công bằng, minh bạch, đúng đối tượng, điều kiện theo quy định.
Hồ sơ đề nghị đặc xá được kiểm tra, thẩm định qua nhiều cấp với sự tham gia của nhiều cơ quan, ban, ngành chức năng và đặc biệt là sự giám sát của các tổ chức xã hội và Nhân dân.