Xem xét quy định viên chức được thành lập và quản lý doanh nghiệp
Tại dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi đã bổ sung thêm đối tượng được thành lập, tham gia quản lý, điều hành, làm việc tại doanh nghiệp, trong đó có viên chức nhà nước.
Sáng 9/5, tiếp tục Kỳ họp 9, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng - thừa ủy quyền Thủ tướng, trình bày dự Luật Doanh nghiệp sửa đổi.
Đáng chú ý, tại dự luật này đã bổ sung trường hợp viên chức làm việc tại cơ sở giáo dục đại học công lập được quyền góp vốn vào doanh nghiệp do cơ sở đó thành lập hoặc tham gia thành lập để thương mại hóa kết quả nghiên cứu do cơ sở đó tạo ra.
Dự thảo luật cũng bổ sung quy định chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp. Cụ thể, chủ sở hữu hưởng lợi là cá nhân thực tế nắm trực tiếp hoặc gián tiếp từ 25% vốn điều lệ trở lên, hoặc được hưởng trên 25% lợi nhuận, hay là cá nhân cuối cùng chi phối doanh nghiệp.
Đối với quy định tăng giám sát, kiểm tra đăng ký kinh doanh của UBND cấp tỉnh, chế tài xử lý với doanh nghiệp không góp đủ vốn điều lệ cam kết, vốn ảo, khai khống... cũng được bổ sung tại dự luật.

Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu sáng 9/5. Ảnh: QH
Theo Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng, việc bổ sung các quy định này nhằm tăng minh bạch trong hoạt động doanh nghiệp. Cơ quan quản lý Nhà nước cũng tăng trách nhiệm quản lý hậu kiểm trước tình trạng doanh nghiệp ma, vốn ảo, hoặc núp bóng góp vốn, mua cổ phần chi phối thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi cho biết, các nội dung được đề xuất sửa đổi, bổ sung tại dự án luật phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế.
Về đề xuất để viên chức tham gia lập và quản lý doanh nghiệp, Ủy ban cho rằng, cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, trừ viên chức làm việc tại cơ sở giáo dục đại học công lập được tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp do cơ sở đó thành lập hoặc tham gia thành lập để thương mại hóa kết quả nghiên cứu do cơ sở đó tạo ra.
Trường hợp viên chức là người lao động thì phải được sự đồng ý của người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học công lập; trường hợp viên chức quản lý là người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học công lập thì phải được sự đồng ý của cấp trên quản lý trực tiếp.
Theo Chủ nhiệm Phan Văn Mãi, việc nhắc lại quy định này tại Luật Doanh nghiệp vừa không cần thiết, vừa tiềm ẩn nguy cơ không bảo đảm đồng bộ giữa các dự án Luật cùng trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9, vừa không rõ mối quan hệ giữa các luật.

Các đại biểu thảo luận ở hội trường sáng 9/5. Ảnh:QH
Hiện nay, các văn bản này cũng đang có quy định không thống nhất về đối tượng viên chức được thành lập, tham gia quản lý, điều hành, làm việc tại doanh nghiệp.
Cùng với đó, Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát Luật Viên chức để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Đề nghị rà soát, làm rõ có bao gồm trường hợp chấm dứt kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài khi phát hiện doanh nghiệp không có đủ điều kiện tương ứng theo quy định của pháp luật; doanh nghiệp bị đình chỉ hoạt động, chấm dứt kinh doanh một, một số ngành, nghề kinh doanh hoặc trong một số lĩnh vực theo quyết định của Tòa án.
Dự kiến Quốc hội thảo luận tại tổ dự thảo Luật Doanh nghiệp vào chiều mai (10/5), thảo luận tại hội trường ngày 20/5.