Xem xét chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống ma túy
Để kịp thời đáp ứng yêu cầu nội dung trình kỳ họp thứ 8 này, tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần, vào sáng 3/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp nghe các báo cáo và cho ý kiến về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030. Tờ trình Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban xã hội đều nhấn mạnh sự cần thiết phê duyệt Chủ trương đầu tư Chương trình này trong bối cảnh tình hình sử dụng, vận chuyển, buôn bán ma túy thế giới, khu vực, các nước láng giềng và ở trong nước ngày càng diễn biến phức tạp, nghiêm trọng và khó lường; Số người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy vẫn còn ở mức rất cao, có ở mọi thành phần, lứa tuổi, địa bàn.
Tờ trình Chính phủ cho biết, Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 đã đề ra các mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể và 20 chỉ tiêu, bảo đảm tính bao quát toàn diện, thực hiện trên phạm vi cả nước. Với Tổng vốn thực hiện hơn 22.450 tỷ đồng, Chương trình được thiết kế với 09 dự án thành phần, phân công cho 08 bộ, ngành thực hiện và Bộ Công an làm cơ quan chủ trì quản lý Chương trình. Chương trình đặt ra 3 mục tiêu: Giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại của ma túy. Trong đó đề ra 6 nhóm giải pháp thực hiện như Cơ chế, chính sách, cơ chế huy động nguồn lực; Tổ chức bộ máy thực hiện, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; Công tác truyền thông tuyên truyền...
Ủy ban Xã hội cơ bản nhất trí với sự cần thiết trình Quốc hôi xem xét ban hành Nghị quyết của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình. Tuy nhiên, Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, đánh giá tính phù hợp của Chương trình với Quy hoạch mạng lưới cơ sở cai nghiện ma túy đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và hệ thống quy hoạch theo quy định của pháp luật về quy hoạch; Đề nghị Chính phủ làm rõ hơn giải pháp bảo đảm nguồn lực đáp ứng mục tiêu, các chỉ tiêu đặt ra của Chương trình, cơ cấu vốn các dự án thành phần, cơ chế đặc thù phân bổ vốn phù hợp cho các đia phương khó khăn; Làm rõ sự phù hợp giữa việc bố trí vốn của Chương trình với dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch tài chính ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công trung hạn. Bên cạnh đó, với một số chỉ tiêu cao, khó thực hiện, UBXH đề nghị có giải pháp thực hiện phù hợp, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả.
Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!