Xem xét ban hành chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực cấm
Sở NN&PTNT đang tham mưu trình UBND tỉnh kế hoạch triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, dự kiến ban hành trong tháng 12.2024.
Nhà nuôi yến trong khu dân cư ảnh hưởng nhiều đến đời sống người dân (Ảnh minh họa)
Thời gian qua, người dân kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét, có chính sách hỗ trợ một phần kinh phí để người dân thực hiện di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư khi thực hiện Nghị quyết số 17/2021/NQ-HĐND, ngày 9.12.2021 của HĐND tỉnh quy định khu vực không được phép chăn nuôi và vùng nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Chính phủ đã ban hành Nghị định số 106/2024/NĐ-CP ngày 1.8.2024 về việc quy định chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi; trong đó có nội dung quy định về chính sách hỗ trợ di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi, quy định tại Điều 7 của Nghị định này.
Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT đã ban hành Quyết định số 2972/QĐ-BNN-CN, ngày 29.8.2024 về việc công bố thủ tục hành chính mới ban hành lĩnh vực chăn nuôi thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ.
Nhà nuôi yến ngoài việc gây tiếng ồn từ loa phát tiếng chim, còn tìm ẩn nguy cơ dịch bệnh khi nằm trong khu dân cư (Ảnh minh họa)
Theo đó, có thủ tục hành chính cấp tỉnh là đề xuất hỗ trợ đầu tư dự án nâng cao hiệu quả chăn nuôi đối với các chính sách hỗ trợ đầu tư theo Luật Đầu tư công, có nội dung hỗ trợ “Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi: chi phí mua sắm thiết bị công trình và thiết bị công nghệ chăn nuôi theo diện tích chuồng trại hiện có của cơ sở chăn nuôi thuộc đối tượng phải di dời”. UBND tỉnh đang rà soát, để công bố thủ tục hành chính này.
Hiện nay, Sở NN&PTNT đang tham mưu trình UBND tỉnh kế hoạch triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, dự kiến sẽ ban hành trong tháng 12.2024.
Điều 7 của Nghị định số 106/2024/NĐ-CP quy định:
“Điều 7. Chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi
1. Đối tượng được hỗ trợ
Tổ chức, cá nhân có cơ sở chăn nuôi được xây dựng và hoạt động trước ngày Luật Chăn nuôi có hiệu lực thi hành và đang hoạt động tại khu vực không được phép chăn nuôi được hỗ trợ di dời đến địa điểm mới phù hợp hoặc ngừng hoạt động và chuyển đổi ngành nghề.
2. Nội dung và mức hỗ trợ
a) Hỗ trợ bố trí quỹ đất để xây dựng cơ sở chăn nuôi cho những đối tượng di dời: căn cứ Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh về chính sách hỗ trợ di dời, quy hoạch tỉnh, vùng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện bố trí quỹ đất để xây dựng cơ sở chăn nuôi cho đối tượng được di dời theo quy định của pháp luật về đất đai.
b) Hỗ trợ không quá 50% chi phí mua sắm thiết bị công trình và thiết bị công nghệ chăn nuôi theo diện tích chuồng trại hiện có của cơ sở chăn nuôi thuộc đối tượng phải di dời; mức hỗ trợ tối đa không quá 10 tỷ đồng/cơ sở.
c) Hỗ trợ không quá 50% chi phí di dời vật nuôi đến địa điểm mới phù hợp; mức hỗ trợ tối đa không quá 500 triệu đồng/cơ sở.
) Hỗ trợ 100% chi phí đào tạo, tập huấn để chuyển đổi từ chăn nuôi sang các nghề khác; mức hỗ trợ tối đa không quá 03 tháng lương cơ bản/người.
3. Điều kiện được hỗ trợ
a) Cơ sở chăn nuôi được xây dựng và hoạt động trước ngày Luật Chăn nuôi có hiệu lực thi hành và đang hoạt động trong khu vực không được phép chăn nuôi thuộc diện phải di dời theo quy định hiện hành.
b) Người được đào tạo, tập huấn để chuyển đổi từ chăn nuôi sang các nghề khác phải có chứng chỉ hoàn thành khóa đào tạo do cơ sở đào tạo cấp và cam kết thực hiện nghề đã được đào tạo chuyển đổi ít nhất 05 năm sau khi được nhận hỗ trợ.
c) Việc hỗ trợ đối với nội dung hỗ trợ quy định tại điểm b, c và d khoản 2 Điều này được thực hiện sau khi cơ sở chăn nuôi đã hoàn thành việc di dời ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi hoặc ngừng hoạt động, chuyển đổi ngành nghề có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã.”