Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, sau gần nửa tháng đi vào khai thác, đoạn cuối tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành (qua Đồng Nai) đã đón khá nhiều phương tiện lưu thông qua lại, nhất là dịp cao điểm tết Ất Tỵ. Tuy nhiên, do là tuyến đường mới và chỉ khai thác trước từng đoạn nên lượng xe ra vào theo đợt, chưa được nhiều. Trong ảnh là nút giao quốc lộ 51 hướng từ Vũng Tàu về Đồng Nai, phương tiện rẽ trái để vào cao tốc Bến Lức - Long Thành.
Ghi nhận thực tế, trong ngày 6/2 lượng xe vào cao tốc chủ yếu là xe cá nhân, xe tải, xe khách. Tuy nhiên, cao tốc này vẫn còn khá thông thoáng do mới thông xe hai đoạn đầu và cuối tuyến.
Video: Tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành sau gần nửa tháng khai thác.
Một số tài xế chia sẻ, trước đây, hành trình từ miền Tây, TP.HCM đến Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu chủ yếu đi trên QL1 hoặc cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây rồi rẽ vào QL51 nhưng cũng hay gặp kẹt xe. Cao tốc Bến Lức - Long Thành thông xe dù mới được hai đoạn nhưng phần nào san sẻ bớt lượng xe cho các tuyến đường hiện hữu. Người dân có thêm lộ trình mới để lưu thông, né được vài điểm thường ùn tắc.
Anh Nguyễn Thành An, một tài xế xe du lịch chuyên chạy tuyến Long An - Vũng Tàu chia sẻ rất ám ảnh với kẹt xe trên cao tốc TP.HCM - Long Thành và QL51. "Tôi cũng đã đi trên mười chuyến qua cao tốc Bến Lức - Long Thành thấy rất ổn. Tương lai khi thông toàn tuyến thì việc bà con ở miền Tây về Vũng Tàu tắm biển thuận lợi. Trước mắt được đoạn nào tốt đoạn đó", anh An chia sẻ.
Chị Nguyễn Minh Thùy một nhân viên văn phòng sống tại huyện Long Thành cho biết, chị làm ở TP Thủ Đức TP.HCM nên trước đây thường xuyên gặp kẹt xe trên QL51 và cao tốc Long Thành. Giai đoạn này chị lựa chọn đi vào cao tốc Bến Lức - Long Thành để tránh được vài vị trí kẹt nặng nên cung đường đi làm và về nhà cũng nhẹ nhàng hơn."Tuyến này lượt xe qua chưa quá đông, đường rộng rãi nên cảm giác đi lại không còn căng thẳng như trước", chị Thùy nói.
Các chuyên gia cho rằng, cao tốc Bến Lức - Long Thành mở ra cơ hội bứt phá về kinh tế, nhiều khu đô thị, khu công nghiệp dọc tuyến đang “thay da đổi thịt". Tuyến này là một mắt xích quan trọng trong chiến lược phát triển giao thông liên vùng, giúp kết nối các tỉnh miền Tây với miền Đông Nam Bộ không qua nội ô TP.HCM tạo ra hành lang vận tải chiến lược mới.
Ông Đặng Hữu Vị, Giám đốc Ban quản lý các đường cao tốc phía Nam (Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam) cho biết, cao tốc Bến Lức - Long Thành có tổng chiều dài hơn 57km, kết nối Long An, TP.HCM và Đồng Nai. Cao tốc Bến Lức - Long Thành đóng vai trò kết nối đến sân bay Long Thành và cụm cảng biển Cái Mép - Thị Vải, các tỉnh miền Tây. Tổng mức đầu tư cập nhật hiện nay gần 30.000 tỷ đồng.
Theo kế hoạch, cao tốc Bến Lức - Long Thành sẽ hoàn thành vào 30/9 này nhưng thực tế phần hoàn thiện còn lại của cầu Phước Khánh sẽ mất thời gian khoảng một năm. Do đó, việc thông toàn tuyến này vẫn phụ thuộc vào tiến độ của cây cầu này.
Hiện nay, toàn dự án đã đạt hơn 90% sản lượng. Đối với cầu Bình Khánh đã hoàn thành 91%, dự kiến đưa vào khai thác trong quý III năm nay. Cầu Phước Khánh (bắc qua sông Lòng Tàu) đạt 82%, nhưng vẫn đang chờ hoàn tất thủ tục lựa chọn nhà thầu để tiếp tục triển khai. Gói thầu A6 (đoạn Đồng Nai) đã đạt hơn 90%, dự kiến hoàn thành vào 30/4.
Minh Tuệ