Xe tự hành Thỏ Ngọc của Trung Quốc hoạt động trên Mặt Trăng lâu nhất thế giới
Đến nay, tàu tự hành Thỏ Ngọc-2 của Trung Quốc đã di chuyển hơn 1.600 mét trên bề mặt Mặt Trăng kể từ khi hạ cánh vào tháng 1/2019, tiếp tục là thiết bị thám hiểm Mặt Trăng hoạt động lâu nhất trên thế giới.
Xe tự hành Thỏ Ngọc-2 (Yutu-2 hay Jade Rabbit-2), được phóng lên quỹ đạo vào tháng 12/2018 như một phần của tàu thăm dò Mặt Trăng Hằng Nga-4. Thiết bị này đã hạ cánh ở phía xa của Mặt Trăng vào tháng 1/2019. Trong văn hóa dân gian Trung Quốc, Thỏ Ngọc là chú thỏ trắng thần thoại đồng hành cùng nữ thần Mặt Trăng - Hằng Nga, cái tên được dùng cho sứ mệnh thám hiểm Mặt Trăng của nước này.
Đến nay, xe tự hành Thỏ Ngọc-2 đã hoạt động được gần 5 năm 9 tháng, vượt xa tuổi thọ thiết kế là 3 tháng và trở thành thiết bị thám hiểm Mặt Trăng hoạt động lâu nhất trên thế giới. Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) hôm 17/9 cho biết, mới đây, thiết bị này đã gửi về Trái Đất những hình ảnh mới nhất về phía xa (vùng tối) của Mặt Trăng.
Trong thời gian ở trên Mặt Trăng, thiết bị này đã thu thập các thông tin địa chất, bao gồm dữ liệu về hình thái bề mặt, cấu trúc nông và thành phần vật chất của khu vực hạ cánh tàu Hằng Nga-4, đóng góp dữ liệu khoa học quan trọng về tiến hóa địa chất và sự phát triển ban đầu của lớp vỏ Mặt Trăng.
Ông Tả Duy, Phó Tổng thiết kế hệ thống ứng dụng mặt đất của sứ mệnh Hằng Nga-4 cho biết, ngoài Thỏ Ngọc-2, tàu đổ bộ Hằng Nga-3 và Hằng Nga-4, cùng các vệ tinh chuyển tiếp Thước Kiều và Thước Kiều-2 cũng đang hoạt động trên Mặt Trăng và quỹ đạo Mặt Trăng.
Vệ tinh Thước Kiều (Queqiao) chủ yếu cung cấp thông tin liên lạc chuyển tiếp giữa Trái Đất và Mặt Trăng cho Hằng Nga-4 và Thỏ Ngọc-2, trong khi vệ tinh Thước Kiều-2 sau khi hoàn thành sứ mệnh Hằng Nga-6 hiện đang tiến hành khám phá khoa học và chờ sự xuất hiện của Hằng nga-7.
Ông Ngô Vĩ Nhân, Tổng thiết kế chương trình thám hiểm Mặt Trăng của Trung Quốc, trước đó tiết lộ sứ mệnh Hằng Nga-7 dự kiến thực hiện vào khoảng năm 2026 đang tiến triển thuận lợi. Nhiệm vụ chính của sứ mệnh này là tìm kiếm bằng chứng về băng nước trên cực Nam Mặt Trăng.
Ông cho biết, nếu thành công, đây có thể là sứ mệnh đầu tiên trên thế giới đáp xuống cực Nam Mặt Trăng, tạo điều kiện cho sự hiện diện lâu dài của con người tại đây và đặt nền móng cho con người tiến xa hơn vào không gian sâu, như sao Hỏa hay các hành tinh khác từ Mặt Trăng trong tương lai.
Theo kế hoạch, tiếp theo sứ mệnh Hằng Nga-7, Hằng Nga-8 sẽ được phóng vào khoảng năm 2028 để tiến hành xác minh kỹ thuật việc sử dụng tài nguyên Mặt Trăng tại chỗ; trước năm 2030, Trung Quốc sẽ đưa người đặt chân lên Mặt Trăng; trước năm 2035, mô hình cơ bản của Trạm nghiên cứu khoa học Mặt Trăng quốc tế sẽ được xây dựng. Hiện nay, đã có hơn 10 quốc gia, tổ chức quốc tế và hơn 40 cơ quan quốc tế ký kết các văn bản hợp tác liên quan đến Trạm nghiên cứu Mặt Trăng quốc tế với Trung Quốc.