Xe sang Đức 'ế ẩm' tại Đông Nam Á
Các thương hiệu ô tô cao cấp của Đức như Mercedes và BMW đang chứng kiến doanh số giảm mạnh tại Đông Nam Á do áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt và nhu cầu tiêu dùng suy yếu…

Các hãng xe sang của Đức đang đối mặt với áp lực suy giảm doanh số tại Đông Nam Á khi thị phần liên tục thu hẹp. Tại Singapore, thị trường quan trọng nhất của xe Đức trong khu vực, tỷ lệ đăng ký xe mới của các hãng xe Đức đã giảm xuống 28% vào năm 2024, so với mức 32% năm trước, theo Cơ quan Giao thông Đường bộ Singapore.
Trong khi đó, theo Hiệp hội Ô tô Malaysia, thị phần của BMW tại nước này giảm nhẹ từ 1,5% xuống còn 1,3% vào năm 2024, trong khi Mercedes-Benz và Volkswagen cũng rơi vào “số phận” tương tự.
Xu hướng này còn rõ nét hơn tại Philippines, nơi các hãng xe Đức chỉ bán được vài trăm chiếc mới mỗi năm. Doanh số BMW giảm gần một phần ba, còn Volkswagen giảm 15%, theo báo cáo của công ty tư vấn AutoIndustriya.
Tại Thái Lan – trung tâm sản xuất ô tô của Đông Nam Á – doanh số xe Đức cũng lao đao, dù tình trạng này trùng với đợt suy thoái chung của thị trường ô tô Thái Lan, với doanh số xe hơi toàn thị trường chạm mức thấp nhất trong 15 năm.
Không riêng tại Đông Nam Á, các hãng xe Đức cũng đang gặp khó khăn trên toàn cầu. Tháng 1/2024, BMW báo cáo doanh số toàn cầu giảm 2,3%, trong khi Mercedes-Benz và Porsche đều mất tới 3%. Volkswagen gặp nhiều thách thức nhất với mức trượt dốc 12%.
Tuy nhiên, khác với các đối thủ Đức, nhiều doanh nghiệp ô tô của Trung Quốc lại ghi nhận được đà tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt là trong lĩnh vực xe điện. Năm 2023, Trung Quốc xuất khẩu khoảng 4,7 triệu xe – gấp ba lần so với năm 2021 – dù một phần ba trong số đó do các thương hiệu quốc tế sản xuất, theo Citigroup. BYD, nhà sản xuất xe điện và hybrid plug-in lớn nhất thế giới, đang nhanh chóng mở rộng tại Đông Nam Á. Tại Singapore, hãng này lần đầu tiên vượt Toyota để trở thành thương hiệu xe phổ biến nhất vào năm 2023. Tại Philippines, doanh số BYD được báo cáo đã tăng vọt đến 8.900% trong cùng giai đoạn.
Tuy nhiên, ông Chris Humphrey, Giám đốc điều hành Hội đồng Kinh doanh EU-ASEAN nhận định rằng sự bành trướng của các hãng xe Trung Quốc chưa đe dọa quá nhiều đến vị thế xe Đức. "BMW và Mercedes-Benz tập trung vào phân khúc cao cấp, trong khi các thương hiệu như Toyota và Honda mới hướng đến thị trường phổ thông. Sự trỗi dậy của xe Trung Quốc chủ yếu ảnh hưởng tiêu cực đến nhóm xe phổ thông”, ông cho biết.
Trên thực tế, Toyota – thương hiệu bán chạy nhất Đông Nam Á – cũng đang dần mất thị phần. Theo Bloomberg, từ năm 2019 đến 2024, các hãng xe Nhật Bản chứng kiến mức suy giảm mạnh nhất tại Singapore, Thái Lan, Malaysia và Indonesia. Các hãng xe Trung Quốc đang tận dụng lợi thế về giá cả cạnh tranh và chất lượng được cải thiện.
Dù gặp thách thức, một số hãng xe Đức vẫn tìm thấy cơ hội tại Đông Nam Á. Tập đoàn Volkswagen mới đây thông báo rằng công ty con Skoda Auto sẽ hoàn thành xây dựng nhà máy lắp ráp xe trị giá 475 triệu euro tại Việt Nam vào đầu năm 2025. Nhà máy này sẽ có công suất 120.000 xe mỗi năm, giúp củng cố vị thế của Skoda tại khu vực.