'Xé rào cản' phát triển kinh tế tư nhân - Kỳ 4: Bắt nhịp thời hội nhập
Cộng đồng doanh nghiệp tại Thái Nguyên đã phát triển mạnh mẽ trong những năm qua, đặc biệt là nhờ vào các chính sách hỗ trợ, định hướng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ của Nhà nước và những nỗ lực vượt khó của các doanh nghiệp trong tình hình mới. Tuy nhiên, Thái Nguyên đang cần có những bước đi vững chắc để phá bỏ các 'thành trì', gỡ bỏ những 'rào cản' và đưa kinh tế tư nhân phát triển đi lên trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Lãnh đạo tỉnh thăm Cụm công nghiệp Tân Dương (Định Hóa) do Công ty CP Quốc tế Thagaco làm chủ đầu tư.
Nền tảng vững chắc
Thực tế chứng minh, phát triển kinh tế tư nhân (KTTN) thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và đổi mới sáng tạo, công nghệ... góp phần huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội. Đặc biệt, giúp tăng thu ngân sách cho địa phương và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của doanh nghiệp (DN) trong nước trong quá trình hội nhập quốc tế. Thái Nguyên đang có nhiều lợi thế để phát triển KTTN khi tỉnh luôn khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển. Theo đó, tỉnh đã xây dựng các cơ chế, chính sách, ưu đãi đầu tư hỗ trợ DN vừa và nhỏ về công nghệ, thiết bị, đào tạo nguồn nhân lực, thông tin môi trường đầu tư, thị trường tiêu thụ sản phẩm, phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, làng nghề ở nông thôn.

Hướng dẫn khai báo thủ tục hải quan và thực hiện thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp tại Đội nghiệp vụ Hải quan Sông Công trực thuộc Chi cục Hải quan Thái Nguyên.
Ông Nguyễn Linh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, khẳng định: Suốt những năm qua, KTTN ở Thái Nguyên đã phát triển cả về quy mô, số lượng, chất lượng. Từ đó, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội của Thái Nguyên phát triển, giải quyết việc làm cho người lao động, cải thiện đời sống nhân dân, đảm bảo ổn định chính trị - xã hội. Đồng thời, góp phần chuyển dịch kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tạo sự gắn kết giữa các địa phương trong tỉnh và thúc đẩy phát triển ngành nghề thủ công, làng nghề truyền thống, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Từ những nền tảng vững chắc như vậy, KTTN hoàn toàn có cơ hội để vươn lên phát triển mạnh mẽ hơn.
“Nâng cấp” cả chất và lượng
Tỉnh Thái Nguyên cũng đã đề ra mục tiêu thúc đẩy cộng đồng DN phát triển rõ rệt cả về số lượng và chất lượng dựa trên sức mạnh nội lực kết hợp lợi thế ngoại lực đến hết năm 2025, tạo động lực phát triển cho giai đoạn 2026-2030. Trong đó, mục tiêu chính là huy động mạnh mẽ các nguồn lực xã hội tham gia thúc đẩy phát triển các DN trên địa bàn tỉnh. Hỗ trợ các DN trên địa bàn tỉnh đổi mới sáng tạo trong hoạt động sản xuất kinh doanh; phát huy các lợi thế sẵn có, nâng cao năng lực cạnh tranh; ý thức chấp hành quy định của pháp luật. Phối hợp và tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ giải pháp nhằm phát triển cộng đồng DN ngày càng lớn mạnh.

Cùng với đó là phát triển đội ngũ doanh nhân trong tỉnh lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, cơ cấu hợp lý, có tầm nhìn, trí tuệ, tinh thần kinh doanh, làm giàu chính đáng, năng động, sáng tạo, năng lực quản trị tiên tiến, tuân thủ pháp luật, có đạo đức, văn hóa kinh doanh mang bản sắc dân tộc; có trách nhiệm xã hội, ý thức bảo vệ môi trường, đóng góp xứng đáng cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên, góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, góp phần xây dựng và phát triển đất nước.
Các mục tiêu này tiếp tục được “nâng cấp” đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, mục tiêu hướng đến không chỉ là phát triển quy mô, năng lực, trình độ đội ngũ doanh nhân đáp ứng mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế mà còn phấn đấu hình thành một số DN lớn tầm cỡ trong nước và quốc tế; một số DN lớn có vai trò dẫn dắt trong các ngành, lĩnh vực then chốt của tỉnh, làm chủ một số chuỗi giá trị trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp, có năng lực cạnh tranh trong và ngoài nước. Đặc biệt, có thu nhập, vị thế, uy tín trong nước, khu vực và quốc tế; một bộ phận DN tham gia vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.

Sân gôn Glory bám sát đường liên kết vùng Thái Nguyên - Bắc Giang - Vĩnh Phúc tiêu chuẩn quốc tế dự kiến quý II/2025 đưa vào sử dụng. Đây sẽ là đòn bẩy để thúc đẩy kinh tế tư nhân trên địa bàn tỉnh phát triển khi có sự liên kết.
Ông Lê Kim Phúc, Giám đốc Sở Tài Chính, cho hay: Trong 5 năm tới, Thái Nguyên phấn đấu bình quân mỗi năm có trên 800 doanh nghiệp được thành lập mới; phát triển nhiều tổ chức KTTN mạnh, có tiềm lực, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Đặc biệt là phấn đấu tăng tỷ trọng đóng góp của khu vực KTTN vào GRDP để đến năm 2025 đạt khoảng 46-48%; đến năm 2030 đạt khoảng 50-52% GRDP toàn tỉnh.
Theo đó, năng suất lao động tăng khoảng 5%/năm; hằng năm, khoảng 30-40% DN tư nhân có hoạt động đổi mới sáng tạo; thu hẹp khoảng cách về trình độ công nghệ, chất lượng nhân lực và năng lực cạnh tranh của DN khu vực tư nhân; phấn đấu có nhiều DN của tỉnh tham gia mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. - ông Lê Kim Phúc
Tạo động lực phát triển trong giai đoạn mới
Bài viết “Phát triển KTTN - Đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng” của Tổng Bí thư Tô Lâm đánh dấu một bước ngoặt trong nhận thức về vai trò quan trọng của KTTN. Đồng thời, mang tầm nhìn chiến lược đối với định hướng phát triển của đất nước. Đây không chỉ là một tuyên bố chính trị mạnh mẽ, mà còn là một lời hiệu triệu nhằm phát huy tối đa sức mạnh của KTTN, đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045. Tổng Bí thư khẳng định, KTTN không chỉ là một thành phần của nền kinh tế mà còn là động lực hàng đầu thúc đẩy tăng trưởng và đổi mới sáng tạo.
Triển khai đầy đủ, có hiệu quả chủ trương của Đảng, các chính sách, pháp luật của nhà nước về phát triển KTTN nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế sẽ tiếp tục được Thái Nguyên triển khai nhằm tạo động lực cho KTTN phát triển trong thời kỳ hội nhập. Đặc biệt, hỗ trợ các DN trên địa bàn tỉnh đổi mới sáng tạo trong hoạt động sản xuất kinh doanh; phát huy các lợi thế sẵn có, nâng cao năng lực cạnh tranh; ý thức chấp hành quy định của pháp luật. Bên canh đó, đặt KTTN vào vị trí xứng đáng, có chiến lược đầu tư phát triển đúng hướng theo chuỗi và phát triển doanh nghiệp theo tư duy chiến lược toàn cầu, hội nhập và phát triển bền vững.
Riêng trong việc tháo gỡ khó khăn về vốn vay cho các DN, trong thời gian tới, ông Lê Quang Huy, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước khu vực 5, khẳng định: Sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn thực hiện đồng bộ các giải pháp để giảm lãi suất cho vay, cải cách thủ tục, triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi dành cho DN, chỉ đạo các TCTD rà soát giảm thủ tục, tăng cường cho vay tín chấp căn cứ trên cơ sở phương án khả thi và có khả năng trả nợ nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ phát triển DN.

Ngoài ra, các DN cũng cần chủ động trong phương án sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực quản trị, điều hành, nâng cao năng lực tài chính, minh bạch thông tin của DN và là đối tác chiến lược của một số TCTD để tăng khả năng tiếp cận vốn không cần tài sản bảo đảm. Ngân hàng Nhà nước Khu vực 5 cũng đề nghị các sở, ngành đẩy nhanh việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất tạo điều kiện cho người dân, DN được tiếp cận nguồn vốn ngân hàng.
Vận hành theo cơ chế thị trường, công tác lãnh đạo của Đảng đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển KTTN. Do đó, thời gian tới, Thái Nguyên sẽ tiếp tục tăng cường công tác xây dựng Đảng trong khu vực KTTN, nhất là phát triển các cơ sở đảng trong các DN. Đồng thời, phát huy vai trò của DN, tôn vinh những DN, doanh nhân đổi mới, sáng tạo, kinh doanh đạt hiệu quả, sản xuất các sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế, chấp hành tốt quy định của pháp luật và có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương...