'Xé rào cản' phát triển kinh tế tư nhân - Kỳ 3: Khai thông 'điểm nghẽn'
Đóng góp rất lớn cho nền kinh tế của tỉnh nhưng môi trường pháp lý phức tạp, doanh nghiệp quy mô nhỏ, thiếu tính liên kết… chính là những 'điểm nghẽn', 'rào cản' khiến cho khu vực kinh tế tư nhân ở Thái Nguyên chưa thật sự phát triển. Đặc biệt, trình độ quản lý, kiến thức hội nhập quốc tế của cán bộ quản lý tại các doanh nghiệp còn hạn chế cũng khiến cho kinh tế tư nhân vẫn còn những 'khoảng trống' cần được 'lấp đầy'.

Lãnh đạo Bộ Công Thương thăm, làm việc tại Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG.
Môi trường pháp lý vẫn còn phức tạp
Theo nhận định của đại diện nhiều doanh nghiệp (DN), thời gian qua, chính quyền tỉnh đã có nhiều nỗ lực khi các chính sách, quy định pháp lý liên quan đến việc thực thi các chính sách phát triển kinh tế tư nhân (KTTN) về DN, đất đai, xây dựng, môi trường, đầu tư được ban hành và kịp thời điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế. Tuy nhiên, môi trường pháp lý vẫn còn phức tạp, các văn bản hướng dẫn có nhiều nội dung chồng chéo, chưa rõ ràng, nhiều thủ tục hành chính chưa hoàn thiện… đã gây khó khăn cho DN trong việc thực hiện các thủ tục, xin cấp phép hoặc giải quyết các vấn đề pháp lý.
Ông Đỗ Thanh Bình, Phó Giám đốc Công ty CP Luyện kim đen Thái Nguyên (có địa chỉ tại xã Nam Hòa, huyện Đồng Hỷ): Đối với DN, thủ tục xin cấp phép đầu tư đóng vai trò quan trọng nhất. Tuy nhiên, do yêu cầu về thủ tục, giấy tờ rườm rà, phải xin ý kiến của nhiều đơn vị, sở, ngành, trong đó có nhiều đơn vị không liên quan hoặc ít liên quan, khiến cho DN mất rất nhiều thời gian.
Chia sẻ của ông Bình là rất có cơ sở bởi trên thực tế, để có được quyết định chủ trương đầu tư, không ít đơn vị phải chờ đợi 1, 2 thậm chí 3 năm, khiến cho DN mất đi rất nhiều cơ hội kinh doanh trên thương trường. Đáng nói, công tác cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh của Thái Nguyên hằng năm đều được đẩy mạnh nhưng đến nay, hiệu quả thu hút các nhà đầu tư lớn, có khả năng dẫn dắt, liên kết DN, nhất là DN nhỏ và vừa của tỉnh, còn hạn chế.

Là một trong những doanh nghiệp có nhiều đóng góp cho tỉnh, năm 2024, Công ty CP Luyện kim đen nộp ngân sách Nhà nước 33 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 500 lao động. Tuy nhiên, hiện nay, đơn vị đang gặp khó khăn trong quá trình sản xuất do chưa được cấp nguồn điện ổn định.
Cùng với đó, cũng giống như cả nước, do vướng mắc trong quá trình thực thi chính sách nên một số hoạt động, chương trình triển khai hỗ trợ DN chưa đạt hiệu quả, nhất là hỗ trợ về vốn, lao động, khoa học công nghệ. Ông Nguyễn Thanh Dương, Giám đốc HTX chè Trung du Tân Cương (TP. Thái Nguyên), nói: Nếu không có tài sản thế chấp, DN cũng không thể tiếp cận được với nguồn vốn hỗ trợ. Trong khi đó, nhiều đơn vị mới khởi nghiệp chưa tạo dựng được số tài sản thế chấp đủ lớn để đủ điều kiện vay các nguồn vốn ưu đãi…
Chưa kể, hình thức, cách thức hỗ trợ thiếu đa dạng, chưa thực hiện sâu rộng mà mới chỉ tiếp cận đến một số ít DN. Một số đơn vị triển khai hoạt động hỗ trợ, phát triển KTTN đôi khi còn chưa trọng tâm, trọng điểm, chưa đáp ứng đúng và trúng nhu cầu của DN. Về phía DN còn thụ động trước các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, chưa chủ động tiếp cận, mạnh dạn đề xuất, kiến nghị các nội dung, nhu cầu của DN.
Đáng nói, các vấn đề liên quan đến bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu đang trở thành những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của các DN. Các quy định ngày càng nghiêm ngặt về bảo vệ môi trường yêu cầu DN phải đầu tư vào công nghệ sạch và phát triển bền vững, nhưng chi phí đầu tư ban đầu cũng là một thách thức lớn đòi hỏi các DN phải có những bước đi vững chắc. Tại Thái Nguyên, từ năm 2021 đến nay đã có hàng chục cơ sở (trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn, DN...) bị cơ quan chức năng xử phạt do xả thải gây ô nhiễm môi trường.

Trước những vướng mắc trong quá trình triển khai Dự án Cụm công nghiệp Tân Dương (Định Hóa), lãnh đạo tỉnh đã vào cuộc quyết liệt để khai thông những "điểm nghẽn".
Một trong những “rào cản” lớn trong phát triển KTTN nữa là mặc dù trên địa bàn tỉnh có nhiều trường đào tạo nhưng chất lượng lao động trong một số lĩnh vực vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của các ngành công nghiệp hiện đại. Ông Vũ Hải Bắc, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP. Phổ Yên, cho biết: Mặc dù tỉnh Thái Nguyên có một nguồn lao động trẻ và năng động, nhưng sự thiếu hụt về lao động có kỹ năng chuyên môn cao là một yếu tố hạn chế sự phát triển của nhiều DN, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp sử dụng công nghệ cao.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay, các DN tại Thái Nguyên đang thiếu lao động có kỹ năng chuyên môn cao trong các lĩnh vực như công nghệ thông tin, kỹ thuật cơ khí và các ngành công nghiệp chế tạo, công nghiệp bán dẫn.
Quy mô nhỏ, thiếu tính liên kết
Bên cạnh những tác động về cơ chế chính sách, biến đổi khí hậu và thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao… thì hiện nay, trình độ của đội ngũ doanh nhân tại Thái Nguyên cũng chưa thật sự đáp ứng yêu cầu trước tình hình mới, đặc biệt là các kỹ năng quản lý kinh tế, ngoại ngữ. Theo đó, trình độ nhận thức, hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật ở một số DN chưa nghiêm, vẫn còn tình trạng vi phạm các quy định của pháp luật có liên quan đến các quy định về DN, xây dựng, đất đai... Đặc biệt, kiến thức hội nhập quốc tế của cán bộ quản lý DN còn hạn chế.

Từ thực tế cho thấy, quy mô của các DN tại Thái Nguyên còn nhỏ, vốn ít, phần lớn chưa đủ mạnh để cạnh tranh với các DN lớn trong khu vực. Đặc biệt, sự liên kết và hợp tác giữa các DN trong tổ chức sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm còn “khiêm tốn” khiến cho khả năng tận dụng lợi thế cạnh tranh giảm đi, từ việc chia sẻ nguồn lực đến mở rộng thị trường tiêu thụ cũng hạn chế. Tại Thái Nguyên, tỷ trọng đóng góp chủ yếu là của các DN FDI, trong khi đóng góp của DN trong nước (nhất là các DN nhỏ và vừa) rất nhỏ, lại tập trung chủ yếu vào các DN kinh doanh bất động sản, khai thác khoáng sản với tính bền vững không cao.
Một “rào cản” lớn nữa là hiện nay, các DN ở Thái Nguyên chưa tham gia được vào chuỗi công nghiệp phụ trợ dẫn đến khó khăn trong quá trình sản xuất, phân phối sản phẩm cũng như liên kết chuỗi DN. Chưa dừng lại ở đó, nhiều DN, nhất là các DN nhỏ và vừa, chưa đầu tư mạnh vào nghiên cứu và phát triển (R&D), áp dụng công nghệ cao hoặc đổi mới sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh...
Ông Nguyễn Ngọc Thiện, Phó Giám đốc Sở Tài chính, cho biết: Điều này làm hạn chế khả năng cạnh tranh của họ so với các đối thủ trong và ngoài nước, nhất trong bối cảnh nền kinh tế đang chuyển đổi sang các ngành công nghệ cao và sáng tạo. Các xu hướng công nghệ mới như tự động hóa, trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), và Internet vạn vật (IoT) tạo ra các cơ hội và thách thức cho DN Thái Nguyên. Việc ứng dụng công nghệ tiên tiến sẽ giúp DN nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, nhưng cũng đòi hỏi chi phí đầu tư lớn và khả năng chuyển đổi mô hình kinh doanh.

Hàng năm, số DN thành lập mới luôn có sự tăng trưởng nhưng để phát triển và hoạt động theo hướng bền vững thì chưa cao, nhiều đơn vị làm ăn thua lỗ. Tại Thái Nguyên, tỷ lệ DN tạm ngừng hoạt động, giải thể, không tìm thấy địa chỉ, không kê khai thuế chiếm tỷ lệ khá (năm 2023 và 2024, mỗi năm Thái Nguyên có trên 600 DN tạm dừng hoạt động, trên 60 DN giải thể). Công tác tuyên truyền, hỗ trợ hộ kinh doanh, cá nhân chuyển lên thành lập DN còn hạn chế.
Riêng trong năm 2024, Thái Nguyên cũng như các tỉnh trong cả nước bị ảnh hưởng của khí hậu, thời tiết, dịch bệnh và diễn biến phức tạp của tình hình kinh tế thế giới, trong nước. Vì vậy, nhiều DN gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, hạn chế nguyên liệu đầu vào và thị trường đầu ra cho sản phẩm. Những “điểm nghẽn”, “rào cản” này đang rất cần giải pháp tháo gỡ để KTTN trên địa bàn tỉnh phát triển bứt phá trong tương lai không xa...
(Còn nữa)