Xe ôm công nghệ: Lối thoát cho lao động tự do trong thời đại số

Trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ, xe ôm công nghệ không chỉ là một lựa chọn giao thông tiện lợi mà còn là 'phao cứu sinh' cho hàng nghìn lao động tự do. Các ứng dụng gọi xe công nghệ đã và đang định hình lại cách người lao động tự do kiếm sống, mang đến sự linh hoạt và cơ hội tiếp cận với nguồn thu nhập ổn định. Tuy nhiên, đằng sau sự tiện lợi ấy cũng tồn tại không ít thách thức và câu hỏi lớn về tính bền vững của mô hình này trong tương lai.

Cầu nối” cho người lao động tự do

Xe ôm công nghệ không chỉ là phương tiện di chuyển mà còn là giải pháp quan trọng giúp hàng nghìn lao động tự do tìm kiếm việc làm. Thực tế, trong thời gian qua, những thay đổi lớn về kinh tế và xã hội đã khiến nhiều người lao động rơi vào tình trạng thất nghiệp. Đặc biệt, nhóm lao động tự do không có hợp đồng chính thức dễ bị tổn thương nhất. Các nền tảng xe ôm công nghệ đã nhanh chóng trở thành “cứu cánh” cho nhóm này, mở ra một lối thoát khả thi.

Anh Thiều Quang Huy, 23 tuổi, tài xế xe ôm công nghệ hãng Be, cho biết: “Tôi tốt nghiệp Đại học Nguyễn Trãi cách đây 2 năm, hiện chạy xe công nghệ hơn 1 năm để kiếm thu nhập và học thêm ngoại ngữ cho kế hoạch tương lai. Nhờ công việc này, tôi đã tích góp được số tiền đáng kể trong suốt thời gian qua”.

Anh Thiều Quang Huy, 23 tuổi, tài xế xe ôm công nghệ Be. Ảnh: TRANG OANH

Anh Thiều Quang Huy, 23 tuổi, tài xế xe ôm công nghệ Be. Ảnh: TRANG OANH

Tuy nhiên, anh cũng thừa nhận rằng tình trạng cạnh tranh trong ngành ngày càng gay gắt. “Ngày càng có nhiều người tham gia chạy xe công nghệ, dẫn đến số chuyến đi không đủ để chia đều cho tất cả. Đặc biệt vào những ngày thấp điểm, việc tìm khách hàng rất khó khăn”.

Không chỉ riêng anh Huy, nhiều tài xế khác cũng chia sẻ những trải nghiệm tương tự. Anh Nguyễn Việt Hùng, 35 tuổi, tài xế Xanh SM chia sẻ: “Tôi đã làm công việc chạy xe công nghệ được hơn 2 năm nay. Trước đó, tôi là giáo viên dạy môn Hóa, nhưng tôi đã tạm ngừng công việc giảng dạy hơn một năm để tập trung học thêm cao học. Chính vì vậy, tôi chọn chạy xe tự do để có thể linh hoạt thời gian và kiếm thêm thu nhập trong thời gian học tập”.

 Anh Hùng, 35 tuổi, tài xế xe ôm công nghệ Xanh SM. Ảnh: TRANG OANH

Anh Hùng, 35 tuổi, tài xế xe ôm công nghệ Xanh SM. Ảnh: TRANG OANH

Tương tự, anh Hiến, 23 tuổi, tài xế Grab cho biết thêm: “Mình tốt nghiệp Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, nhưng từ khi ra trường đến nay vẫn chưa tìm được công việc ổn định. Dù bản thân đã lên kế hoạch và có một số dự định riêng cho tương lai, mình vẫn phải tạm thời làm công việc chạy xe công nghệ để kiếm thu nhập, trang trải chi phí sinh hoạt hằng ngày và duy trì cuộc sống”.

 Anh Hiến, 23 tuổi, tài xế xe ôm công nghệ Grab. Ảnh: TRANG OANH

Anh Hiến, 23 tuổi, tài xế xe ôm công nghệ Grab. Ảnh: TRANG OANH

Ứng dụng công nghệ thay đổi cách lao động kiếm sống

Trước đây, lao động tự do thường phải phụ thuộc vào các mối quan hệ cá nhân hoặc tìm kiếm khách hàng một cách thủ công. Tuy nhiên, sự ra đời của các ứng dụng gọi xe như Xanh SM, Grab đã thay đổi hoàn toàn cục diện. Giờ đây, chỉ với một chiếc điện thoại, các tài xế có thể tiếp cận với lượng lớn khách hàng mỗi ngày. Công nghệ không chỉ tạo ra cơ hội việc làm mà còn giúp tối ưu hóa thời gian làm việc, từ đó tăng cường thu nhập.

Bạn Phạm Thu Trang, 21 tuổi, sinh viên Trường Đại học Sư phạm Mỹ thuật Trung ương, thường xuyên sử dụng xe ôm công nghệ chia sẻ: “Các ứng dụng này thật sự tiện lợi, giúp tôi tiết kiệm thời gian và công sức. Hơn nữa, tôi cảm thấy an tâm hơn khi biết thông tin minh bạch, rõ ràng về tài xế và chuyến đi”.

Bạn Phạm Thu Trang đang tìm kiếm lộ trình qua ứng dụng xe ôm công nghệ Xanh SM. Ảnh: TRANG OANH

Bạn Phạm Thu Trang đang tìm kiếm lộ trình qua ứng dụng xe ôm công nghệ Xanh SM. Ảnh: TRANG OANH

null

Rủi ro từ “lối thoát”

Dù mang lại nhiều lợi ích, công việc tài xế xe ôm công nghệ vẫn tồn tại không ít khó khăn và tiềm ẩn những rủi ro lớn. Thu nhập của tài xế phụ thuộc gần như hoàn toàn vào số lượng chuyến đi, dẫn đến áp lực phải làm việc nhiều giờ liên tục để đảm bảo mức thu nhập đủ sống.

Bên cạnh chi phí vận hành như xăng xe và bảo trì, các tài xế còn phải đối diện với những khoản khấu trừ đáng kể từ các ứng dụng công nghệ. Tỷ lệ chiết khấu thường dao động từ 20% đến 25% mỗi chuyến đi, khiến phần thu nhập thực tế của tài xế giảm đáng kể.

Ngoài ra, rủi ro an toàn khi tham gia giao thông cũng là một vấn đề lớn. Do áp lực phải hoàn thành nhiều chuyến đi, một số tài xế có xu hướng vi phạm luật giao thông, chạy nhanh vượt ẩu để kịp thời gian. Điều này không chỉ gây nguy hiểm cho chính tài xế mà còn ảnh hưởng đến hành khách và các phương tiện khác.

Những rủi ro và thách thức này đặt ra bài toán cho các bên liên quan, từ doanh nghiệp đến cơ quan quản lý, trong việc xây dựng các chính sách và chương trình hỗ trợ lâu dài. Nếu được quản lý hiệu quả, xe ôm công nghệ không chỉ là “lối thoát” tạm thời mà còn trở thành giải pháp bền vững cho hàng nghìn lao động tự do tại Việt Nam.

TRANG OANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/xe-om-cong-nghe-loi-thoat-cho-lao-dong-tu-do-trong-thoi-dai-so-809998
Zalo