Xe ô tô chở học sinh phải có thiết bị cảnh báo: Khắc phục lỗ hổng quản lý

Theo luật sư, những quy định mới về xe ô tô đưa đón trẻ, học sinh đến trường đã khắc phục những lỗ hổng pháp luật trước đây.

Nhiều vụ việc thương tâm xảy ra do học sinh bị bỏ quên trên xe ô tô đưa đón đến trường, đã đặt ra câu hỏi về vai trò, trách nhiệm của tài xế, giáo viên.

Cụ thể, cháu H. (học sinh lớp 4 tuổi) học Trường mầm non Hồng Nhung (xã Phú Xuân, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình) bị bỏ quên trên xe ô tô từ 6h20 ngày 29/5/2024 đến 17h cùng ngày đã khiến cháu thiệt mạng; Hay như vụ cháu L. (học sinh lớp 1, Trường Quốc tế Gateway) thiệt mạng do bị bỏ quên trên xe ô tô từ 7h ngày 6/8/2019 cho đến hơn 16h cùng ngày...

Bên cạnh ý thức chủ quan của tài xế và giáo viên, còn có những lỗ hổng trong công tác quản lý xe ô tô đưa đón trẻ, học sinh.

Vì thế, ngày 27/6 vừa qua, Luật Trật, tự an toàn giao thông đường bộ được thông qua với những quy định mới chặt chẽ để tránh bỏ quên trẻ, học sinh trên xe ô tô.

Cụ thể, tại Điều 46 quy định đối với xe ô tô chở trẻ em mầm non, học sinh phải có thiết bị có chức năng cảnh báo, chống bỏ quên trẻ em trên xe; có niên hạn sử dụng không quá 20 năm; có màu sơn theo quy định của Chính phủ; Trường hợp xe từ 29 chỗ trở lên (không kể chỗ của người lái xe) mà chở từ 27 trẻ em mầm non và học sinh tiểu học trở lên phải bố trí tối thiểu 02 người quản lý trên mỗi xe ô tô...

 Hình ảnh minh họa. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Hình ảnh minh họa. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Quy định mới khắc phục các lỗ hổng, khoảng trống pháp luật

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Luật sưHà Thị Khuyên, Văn phòng Luật sư Nhân Chính (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) cho biết, có thể nói sau những khoảng trống pháp luật mà chúng ta bỏ bẵng một thời gian dài, dẫn tới hậu quả đáng tiếc đối với các em học sinh, thì Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2024 đã khắc phục kịp thời các lỗ hổng, khoảng trống pháp luật này.

Quy định này không những là điều kiện bắt buộc với các nhà xe cung cấp dịch vụ đưa đón học sinh, mà còn ràng buộc trách nhiệm đối với các chủ thể là nhà trường, nhà xe, cá nhân có chức vụ quyền hạn trong việc điều hành quản lý hoạt động này.

Thậm chí xe đưa đón trẻ em mầm non, học sinh còn được ưu tiên trong tổ chức phân luồng, điều tiết giao thông, bố trí nơi dừng xe, đỗ xe tại khu vực trường học và tại các điểm trên lộ trình đưa đón trẻ em mầm non, học sinh.

"Đây là những quy định rất chặt chẽ và có ý nghĩa, chắc chắn sẽ chấm dứt được những sai sót trong quá trình đưa đón học sinh thời gian qua, chấm dứt được các vụ học sinh tử vong do bị bỏ quên trên phương tiện giao thông thời gian qua", luật sư Khuyên nhận định.

Còn theo Luật sư Trần Hải Nam (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) cho rằng, việc bổ sung quy định điều kiện đối với xe vận tải chở trẻ em mầm non, học sinh là rất cần thiết, nó hạn chế tối đa tình trạng bỏ quên trẻ em, học sinh trên xe gây hậu quả đáng tiếc.

Đồng thời, quy định này đã thể hiện sự tiệm cận với kinh nghiệm quốc tế đã áp dụng thực tế nhiều năm qua. Bởi vậy, phụ huynh có thể yên tâm về việc cho con em mình đi học bằng phương tiện vận tải chuyên dụng của nhà trường.

Thiết bị nào có chức năng cảnh báo ?

Theo Luật sư Trần Hải Nam cho rằng, việc cảnh báo có thể được thực hiện bằng nhiều phương thức.

Cụ thể, theo kinh nghiệm quốc tế, phương thức phổ biến được thực hiện bằng việc trang bị một nút bấm gắn ở cuối xe, buộc tài xế phải bấm trực tiếp để tắt chuông báo trước khi xuống xe.

Như vậy, cách này buộc tài xế phải đi từ đầu đến cuối xe để tắt chuông và có cơ hội kiểm tra nếu có người còn sót lại trên xe.

"Ngoài ra, có thể dùng các công nghệ hiện đại như, sóng siêu âm giúp phát hiện người còn trên xe và cảnh báo đến người chở phương tiện", luật sư Nam chia sẻ.

Luật sư Hà Thị Khuyên cho hay, hiện nay trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0, chuyển đổi số, với sự phát triển của khoa học công nghệ thì nhà xe và nhà trường có thể xây dựng các ứng dụng, nghiên cứu lắp đặt các thiết bị cảnh báo việc học sinh bị bỏ quên trên xe, học sinh gặp sự cố về sức khỏe, hoặc có hành vi ngủ trên xe, để kịp thời phát hiện.

"Tôi nghĩ giải pháp này không phải vấn đề phức tạp", luật sư Khuyên nhận định.

Xe chở học sinh có niên hạn không quá 20 năm là hợp lý

Cả hai luật sư đều nhận định, việc xe chở học sinh có niên hạn không quá 20 năm sẽ đảm bảo an toàn cho việc vận chuyển.

Luật sư Hà Thị Khuyên cho hay, đây là quy định phù hợp với quy định của Luật giao thông đường bộ hiện hành, giúp đảm bảo tốt nhất điều kiện vận hành của phương tiện. Bên cạnh đó, không nên quy định niên hạn sớm quá dẫn tới lãng phí.

"Tuy nhiên quy trình đăng kiểm loại phương tiện này cần hết sức chặt chẽ và chi tiết, tỉ mỉ", Luật sư Khuyên nhấn mạnh.

Còn theo Luật sư Trần Hải Nam, việc quy định niên hạn sử dụng chắc chắn sẽ đảm bảo an toàn hơn cho việc vận chuyển con người. Bởi lẽ, các phương tiện vận tải sẽ hao mòn theo thời gian sử dụng mặc dù được bảo dưỡng thường xuyên.

"Do đó quy định này rất cần thiết, hạn chế việc sử dụng xe quá cũ gây nguy cơ mất an toàn giao thông", Luật sư Nam nhấn mạnh.

Tài xế đưa đón học sinh phải có kinh nghiệm ít nhất 2 năm

Tại Điều 46, quy định: “Người lái xe ô tô đưa đón trẻ em mầm non, học sinh phải có tối thiểu 02 năm kinh nghiệm lái xe vận tải hành khách”.

Về nội dung trên, Luật sư Trần Hải nam cho rằng, kinh nghiệm của người lái xe có ảnh hưởng rất lớn đến quá trình vận hành hoạt động vận tải. Vì vậy, người lái xe càng có nhiều năm kinh nghiệm thì càng đảm bảo sự trơn tru, ổn định trong việc lái xe, đặc biệt, nâng cao an toàn khi xử lý tình huống phức tạp trên đường.

Trong khi đó, Luật sư Hà Thị Khuyên lại nhận định, không chỉ yêu cầu lái xe vận tải hành khách tối thiểu 2 năm kinh nghiệm, thậm chí còn phải tăng lên 3 năm.

Bên cạnh đó, cần phải yêu cầu tài xế phải học qua khóa huấn luyện an toàn lao động, ứng xử với các tình huống bất ngờ trên xe...

Quy định 1-2 người quản lý trên xe là cần thiết

Tại khoản 3, Điều 46 quy định có tối thiểu 1 người quản lý trên mỗi xe ô tô để hướng dẫn, giám sát, duy trì trật tự và bảo đảm an toàn cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học trong suốt chuyến đi. Trường hợp xe từ 29 chỗ trở lên (không kể chỗ của người lái xe) mà chở từ 27 trẻ em mầm non và học sinh tiểu học trở lên phải bố trí tối thiểu 02 người quản lý trên mỗi xe ô tô.

Về nội dung trên, sẽ có ý kiến băn khoăn việc này liệu có gây khó dễ với đơn vị trường học?

Theo Luật sư Trần Hải Nam, quy định nêu trên là hợp lý và cần thiết để nâng cao an toàn khi đưa đón trẻ từ nhà đến trường học.

Cụ thể, nếu người lái xe vừa chịu trách nhiệm điều khiển phương tiện, vừa thực hiện việc hướng dẫn, giám sát an toàn trên xe sẽ có nguy cơ gây mất tập trung dẫn đến an toàn khi lưu hành.

Cùng với đó, đối với xe trên 29 chỗ mà chở trên 27 trẻ em thì 1 người quản lý sẽ không đủ để đảm bảo hoạt động duy trì, giám sát trật tự.

"Vì vậy, mặc dù trước mắt quy định này khiến các cơ sở giáo dục phải chủ động nhân lực nhưng về lâu dài sẽ đảm bảo an toàn cao hơn, hạn chế những hậu quả đáng tiếc", Luật sư Nam chia sẻ.

Mạnh Đoàn

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/xe-o-to-cho-hoc-sinh-phai-co-thiet-bi-canh-bao-khac-phuc-lo-hong-quan-ly-post244725.gd
Zalo