Xe Hàn ngày càng hụt hơi trong cuộc đua với ôtô Nhật tại Việt Nam
Doanh số nhóm xe Hàn tại Việt Nam ngày càng sa sút. Cuộc chiến Hàn-Nhật dường như đã sớm hạ màn ngay từ quý đầu năm.

Cuộc chiến Hàn-Nhật từng là tâm điểm chú ý trên thị trường ôtô Việt Nam. Dù số lượng đại diện không nhiều, xe Hàn từng có thời điểm sở hữu thương hiệu bán chạy nhất Việt Nam.
Tuy nhiên, cục diện cuộc chiến Hàn-Nhật tại Việt Nam đang đổi chiều quá nhanh, với kết quả không thật sự có lợi dành cho nhóm xe Hàn Quốc.
Xe Hàn giảm nhiệt
Năm 2023, Hyundai vượt qua đối thủ trực tiếp Toyota để trở thành hãng xe du lịch bán chạy nhất Việt Nam. Doanh số ôtô du lịch Hyundai tại Việt Nam khi ấy đạt 57.683 xe, không quá vượt trội thành tích bán hàng 57.414 xe của Toyota nhưng vừa đủ đưa Hyundai lên vị trí cao nhất.
Năm đó, Kia cũng tiếp tục là hãng xe bán tốt thứ ba tại Việt Nam, doanh số đạt 40.773. Cán cân doanh số Hàn-Nhật tại thị trường xe Việt vẫn nghiêng về nhóm thương hiệu ôtô của đất nước mặt trời mọc, chủ yếu do số lượng áp đảo đại diện góp mặt.
Trong năm mà Hyundai dẫn đầu thị trường, khách Việt đã mua tổng cộng 98.456 ôtô của 2 thương hiệu Hàn Quốc, còn doanh số chung của Toyota, Mazda, Mitsubishi, Honda, Suzuki và Isuzu đạt 152.566 xe.

Hyundai và Kia từng là cái tên quen thuộc trong nhóm 3 thương hiệu ôtô bán chạy nhất Việt Nam. Ảnh: Thaco.
Trước đó vào năm 2022 khi thị trường xe Việt lập đỉnh doanh số, lượng xe Hàn mà khách Việt đã mua là 130.574 xe, bên cạnh 206.979 xe của các thương hiệu Nhật Bản. Trong năm này, Toyota là thương hiệu bán chạy nhất với 91.115 xe, còn Hyundai và Kia xếp ngay sau, doanh số lần lượt đạt 69.845 xe và 60.729 xe.
Khoảng cách doanh số giữa ôtô Hàn Quốc và Nhật Bản được nới rộng lên hơn 80.000 xe trong năm 2024, khi nhóm xe Nhật bán được 174.474 xe cho khách Việt, còn doanh số ôtô Hàn Quốc ở cùng kỳ đạt 91.354 xe.
Năm 2024 cũng ghi nhận đà tăng trưởng doanh số mạnh mẽ của Mitsubishi nhờ "siêu tân binh" Xforce. Với tổng cộng 41.198 xe bán ra, Mitsubishi vượt qua Kia (34.570 xe) để trở thành hãng xe sở hữu doanh số tốt thứ ba thị trường ôtô truyền thống, chỉ sau Toyota (66.576 xe) và Hyundai (56.784 xe).
Riêng trong 3 tháng đầu năm nay, lượng ôtô Hàn Quốc bán cho khách Việt chưa bằng một nửa những gì nhóm xe Nhật Bản làm được. Cụ thể, doanh số chung của Hyundai và Kia trong quý I là 15.038 xe, còn nhóm xe Nhật gồm Toyota, Mitsubishi, Mazda, Honda, Suzuki và Isuzu hợp thành tổng doanh số 32.997 xe.

Nhìn chung, doanh số ôtô Hàn Quốc tại Việt Nam đã giảm liên tục trong giai đoạn 2022-2024. Ngay cả với Hyundai - thương hiệu xe Hàn bán chạy nhất Việt Nam, xu hướng này cũng thể hiện khá rõ.
Chỉ lợi thế lắp ráp là chưa đủ
So với nhóm xe Nhật, ôtô Hàn Quốc tại Việt Nam gần như là những sản phẩm nội địa. Kia đang cho lắp ráp toàn bộ ôtô tại nhà máy Thaco (tỉnh Quảng Nam), còn Hyundai cũng lắp ráp phần lớn sản phẩm trong nước, trừ Hyundai Stargazer còn nhập khẩu Indonesia.
Việc được lắp ráp tưởng chừng là lợi thế lớn của Hyundai, Kia trước các thương hiệu Nhật Bản, nhưng các diễn biến gần đây cho thấy chỉ riêng yếu tố "xe nội địa" là chưa đủ để làm nên thành công cho ôtô Hàn Quốc.
Chẳng hạn, doanh số Hyundai Creta từ sau thời điểm chuyển sang lắp ráp đã giảm đột ngột khiến mẫu SUV cỡ B gần như phải "giương cờ trắng" trước Toyota Corolla Cross trên đường đua doanh số hồi năm 2023.

Hyundai Creta trở thành SUV cỡ B bán chạy nhất Việt Nam hồi năm 2023 nhưng không thể cạnh tranh trong năm 2024. Ảnh: TC Motor.
Phải đến khi lượng tiêu thụ Corolla Cross giảm mạnh trong quý IV/2023 do ảnh hưởng từ màn ra mắt của "đàn em" Toyota Yaris Cross, Hyundai Creta mới tận dụng cơ hội, vượt lên và trở thành SUV cỡ B bán chạy nhất năm.
Bước sang năm 2024, các mẫu xe Hàn trong phân khúc này gồm Kia Seltos, Hyundai Creta đã gần như đứng ngoài đường đua doanh số. Phân khúc SUV cỡ B chứng kiến sự áp đảo của các mẫu xe Nhật nhập khẩu Indonesia, gồm 2 "tân binh" Mitsubishi Xforce và Toyota Yaris Cross.
Ở nhóm SUV cỡ C, Kia Sportage hay Hyundai Tucson cũng không thể giành chiến thắng trước Mazda CX-5.
Phần lớn đại diện trong nhóm này là xe lắp ráp, ngay cả Mitsubishi Outlander và phần lớn phiên bản Honda CR-V tại Việt Nam cũng là "xe nội địa". Tuy nhiên, không mẫu xe nào đủ sức vượt qua Mazda CX-5 và đại diện Nhật Bản đã là cái tên dẫn đầu phân khúc SUV cỡ C trong nhiều năm liền.

Hyundai Tucson và Kia Sportage chưa thể cạnh tranh nổi với Mazda CX-5 trong phân khúc SUV cỡ C tại Việt Nam. Ảnh: Phúc Hậu.
Đặc trưng của ôtô các thương hiệu Hàn Quốc là liên tục thay đổi và nâng cấp. Tuy nhiên, việc hãng tiến hành nâng cấp với tần suất quá dày dễ khiến khách hàng cảm thấy bớt vui, bởi phiên bản mới được cho ra mắt không lâu sau thời điểm "tậu" xe mới.
Chẳng hạn, Hyundai Santa Fe thế hệ mới với ngoại hình lột xác hoàn toàn ra mắt khách Việt hồi tháng 9/2024. Tuy nhiên mới đây, nhiều thông tin cho biết mẫu SUV cỡ D sẽ sớm có bản facelift, thay đổi nhẹ ngoại hình và trình làng vào năm sau.
Nhìn chung, việc hãng liên tục cập nhật thiết kế và cải tiến công nghệ khiến xe Hàn có sự trẻ trung, hiện đại, nhưng động thái này cũng có thể khiến những mẫu xe mà khách vừa mua trở nên "lỗi thời". Đây có thể là lý do khiến xe Hàn ngày càng ít được lòng khách Việt.
Cục diện khó thay đổi
Như đã đề cập, doanh số của 2 hãng xe Hàn Quốc trong quý đầu năm chưa bằng một nửa những gì nhóm ôtô Nhật Bản làm được. Vị thế hiện tại của xe Hàn Quốc thậm chí thể hiện rõ hơn tại bảng thống kê 10 ôtô động cơ đốt trong bán chạy nhất Việt Nam 3 tháng đầu năm.
Trong danh sách này, Hyundai Accent là mẫu xe Hàn Quốc duy nhất góp mặt. Doanh số 2.034 xe của Hyundai Accent là thành tích bán hàng tốt thứ 8 tại Việt Nam trong quý đầu năm, nếu chỉ tạm tính nhóm xe động cơ đốt trong.

Hyundai Accent là mẫu xe Hàn Quốc duy nhất trong top 10 ôtô động cơ đốt trong bán chạy nhất quý I/2025. Ảnh: TC Motor.
Nhìn rộng hơn, danh sách 20 xe động cơ đốt trong bán chạy nhất Việt Nam 3 tháng đầu năm đang có 6 mẫu xe Hàn Quốc, chia đều cho 2 thương hiệu Hyundai và Kia. Xe Mỹ đóng góp 3 cái tên, phần còn lại là các mẫu ôtô thương hiệu Nhật Bản.
Khó cạnh tranh với xe Nhật Bản, ôtô các thương hiệu Hàn Quốc được dự báo sẽ càng khó khăn hơn trước sự trỗi dậy của hãng xe nội địa Việt Nam hay làn sóng đổ bộ mạnh mẽ từ ôtô Trung Quốc.
VinFast đang cung cấp dải sản phẩm ôtô điện đa dạng ở nhiều phân khúc, đi kèm lợi thế không nhỏ từ chi phí sử dụng. Nhóm xe Trung Quốc lại đang tung chiêu bài giá rẻ nhằm lôi kéo khách Việt, nhiều khả năng cũng sẽ có ít nhiều tác động đến thị phần còn lại của ôtô Hàn Quốc.
Nhìn chung, ôtô Hàn Quốc dường như đang ngày càng hụt hơi trong cuộc đua doanh số với nhóm xe Nhật Bản. Sức ép từ các đối thủ mới cũng có thể khiến xe Hàn phải thay đổi nếu không muốn bị thu hẹp thị phần.