Xe điện Trung Quốc vừa bán tại Việt Nam bị Euro NCAP đánh giá an toàn 'tệ nhất'
BYD Atto 3, mẫu xe điện Trung Quốc vừa ra mắt thị trường Việt Nam hồi giữa tháng 7/2024, nhận đánh giá an toàn ở mức tệ nhất là 'không khuyến nghị' từ Euro NCAP cho hệ thống ADAS.
Trong đợt đánh giá hệ thống công nghệ hỗ trợ lái của các mẫu ô tô mới năm 2024, Euro NCAP đưa ra 4 mức đánh giá, bao gồm cao nhất là “rất tốt” (very good) và tệ nhất là “không khuyến nghị” (not recommended). BYD Atto 3 nhận mức đánh giá tệ nhất.
Euro NCAP là Chương trình đánh giá xe mới của châu Âu (Euro New Car Assessment Programme) được thành lập từ năm 1997. Mục tiêu của tổ chức phi lợi nhuận này là đánh giá an toàn xe hơi mới trên thị trường châu Âu thông qua các thử nghiệm va chạm và kiểm tra an toàn. Euro NCAP cung cấp thông tin về mức độ an toàn của các mẫu xe thông qua các chuyên gia và công nghệ tiên tiến, giúp người tiêu dùng đưa ra quyết định mua xe hơi an toàn hơn.
“Không khuyến nghị” đối với BYD Atto 3
Mới đây, Euro NCAP đã tiến hành thử nghiệm các hệ thống hỗ trợ người lái của BYD Atto 3 và phát hiện ra những vấn đề rất đáng lưu ý. Mẫu xe thuần điện của Trung Quốc đã nhận được xếp hạng “Không khuyến nghị” cho các tính năng hỗ trợ lái xe, đánh dấu điểm số thấp nhất mà Euro NCAP từng đưa ra cho các hệ thống như vậy.
Có một số lo ngại chính dẫn đến việc Euro NCAP đưa ra mức đánh giá “không khuyến nghị” cho BYD Atto 3. Đầu tiên là hệ thống Kiểm soát hành trình thích ứng thông minh (ACC). Hệ thống này của Atto 3 không hiểu đúng các biển báo đường bộ và không kiểm soát đầy đủ trong các tình huống mà người lái xe không phản ứng.
Atto 3 cũng gặp khó khăn trong việc phát hiện giới hạn tốc độ tạm thời và giới hạn tốc độ có điều kiện. Mẫu xe sử dụng dữ liệu từ camera để phát hiện biển báo giới hạn tốc độ, tuy nhiên, bộ giới hạn tốc độ đôi khi phản ứng với một số biển báo giới hạn tạm thời và/hoặc có điều kiện như thể đó là giới hạn cố định, dẫn đến việc không đáp ứng các yêu cầu của Euro NCAP. Hệ thống cũng không có khả năng tự điều chỉnh tốc độ phù hợp với các đặc điểm đường phía trước như khúc cua hay ngã tư.
Tính năng theo dõi làn đường chỉ hoạt động ở tốc độ thấp và không hoạt động trong một số tình huống nhất định. Đối với tính năng giám sát người lái, chiếc xe đạt điểm 0, cho thấy BYD Atto 3 thiếu hành động trong các tình huống quan trọng. Trong lĩnh vực an toàn bổ trợ, xe thiếu biện pháp xử lý khi người lái không phản hồi, khiến chiếc xe hoạt động kém hiệu quả. Vì vậy, “hệ thống này không được khuyến nghị hỗ trợ lái xe trên đường cao tốc".
Chỉ mới năm ngoái, Atto 3 của BYD còn nhận được đánh giá an toàn 5 sao từ chương trình thử nghiệm va chạm của Euro NCAP. Tuy nhiên, chương trình thử nghiệm đó không bao gồm các bài kiểm tra sâu hơn về hệ thống hỗ trợ lái mà chỉ xác nhận sự có mặt của chúng.
Xem thêm về các đánh giá an toàn xe của Euro NCAP tại đây.
Tại thị trường Việt Nam, mẫu xe thuần điện Trung Quốc chính thức ra mắt hồi giữa tháng 7/2024. Xe có mức giá bán lẻ 766 triệu đồng cho phiên bản Atto 3 Dynami và 886 triệu đồng cho phiên bản Atto 3 Premium. Dù các thông số không hoàn toàn tương đương song BYD Atto 3 vẫn được xếp là đối thủ cạnh tranh của mẫu SUV thuần điện thương hiệu Việt VinFast VF 3.
BMW i5 và Mercedes-Benz C-Class đứng đầu bảng
Trong khi Atto 3 bị xếp hạng ở mức tệ nhất thì BMW i5 và Mercedes-Benz C-Class đều nhận mức đánh giá cao nhất, nghĩa là “rất tốt”. Mặc dù vậy, theo bình luận của các chuyên trang quốc tế về ô tô, thương hiệu xe sang vẫn đang đối mặt với thách thức cạnh tranh trên thị trường trước nhà sản xuất xe điện giá rẻ có nguồn vốn từ Trung Quốc khi họ tiến vào thị trường châu Âu.
BYD, thương hiệu xe điện lớn thứ hai thế giới chỉ sau Tesla, và các hãng xe điện khác của Trung Quốc, đã gây ra lo ngại toàn cầu về thị trường. BYD và các OEM Trung Quốc khác có khả năng giảm giá xe nhờ chính sách hỗ trợ sản xuất xe điện của chính phủ Trung Quốc. Theo nhiều nguồn tin, một số thương hiệu xe sang như Mercedes-Benz và Porsche đang chứng kiến lợi nhuận sụt giảm khi BYD tiến vào châu Âu.
Tạp chí Fortune cho biết, biểu hiện cạnh tranh rõ ràng nhất về tác động của BYD và ô tô Trung Quốc là việc Mercedes-Benz đã công bố lợi nhuận thấp nhất kể từ khi tách ra khỏi tập đoàn vào năm 2021. Trong khi đó, Porsche AG, nhà sản xuất dòng siêu xe đắt khách nhất thế giới 911, cho biết đang xem xét cắt giảm chi phí và rà soát lại dòng sản phẩm của mình sau khi nhu cầu giảm mạnh ở Trung Quốc khiến thu nhập sụt giảm.
Fortune viết rằng các thương hiệu xe sang từng được cho là “rất an toàn” trên thị trường nhờ vào "lịch sử và vị thế cao cấp" của họ. Dù vậy, điều đó dường như đang thay đổi. Giám đốc tài chính của Mercedes-Benz, ông Harald Wilhelm, nói rằng “chúng tôi không coi thường sự cạnh tranh”.
Mặc dù được biết đến là một lựa chọn xe điện giá rẻ, BYD đã thiết lập mối quan hệ hợp tác với các đại lý cao cấp như Tập đoàn Louwman tại Hà Lan, nơi thường bán các dòng xe của thương hiệu Mercedes-Benz và Lexus. Fortune cho biết BYD cũng hợp tác với Inchcape tại Anh, một công ty bán Land Rover, Jaguar và BMW.
Theo Reuters, Liên minh châu Âu chuẩn bị áp dụng thuế bổ sung lên đến 35,3% đối với xe điện sản xuất tại Trung Quốc vào tuần tới. Liên minh châu Âu và Trung Quốc vẫn đang tiếp tục đàm phán về các mức thuế này. Còn Hoa Kỳ mới đây đã áp mức thuế 100% đối với xe điện Trung Quốc vào tháng 9/2024. Thuế cũng áp dụng 25% cho các sản phẩm khác như pin xe điện, khoáng sản thiết yếu, thép, nhôm và các cần trục vận tải hàng hóa từ tàu vào bờ.
BYD “phản đối gay gắt” các mức thuế dự kiến của EU, nhưng BYD cũng cho biết có kế hoạch sản xuất gần như tất cả xe của mình tại châu Âu.
Phó Chủ tịch điều hành của BYD, bà Stella Li, nói rằng công ty có kế hoạch sản xuất các thành phần tại châu Âu và lắp ráp các bộ pin tại các nhà máy ở Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ, chỉ nhập khẩu pin từ Trung Quốc. Công ty cũng đang cân nhắc xem có nên chuyển chi phí thuế cho khách hàng hay không.