Xe chở người và hàng hóa 4 bánh bị cấm phát thải tại Việt Nam từ năm 2026

Xe chở người, chở hàng 4 bánh có gắn động cơ nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp trong nước đều phải là loại không phát thải từ 2026.

Thủ tướng vừa ban hành quyết định về lộ trình áp dụng mức tiêu chuẩn khí thải đối với xe cơ giới lắp động cơ nhập khẩu và sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam (Ảnh minh họa)

Thủ tướng vừa ban hành quyết định về lộ trình áp dụng mức tiêu chuẩn khí thải đối với xe cơ giới lắp động cơ nhập khẩu và sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam (Ảnh minh họa)

Theo Quyết định 19/2024 vừa ban hành của Thủ tướng Chính phủ, mức tiêu chuẩn khí thải bằng 0 sẽ được áp dụng đầu tiên tại Việt Nam từ ngày 1/1/2026 đối với một số loại phương tiện bao gồm: xe chở người hoặc chở hàng 4 bánh có gắn động cơ nhập khẩu hoặc sản xuất, lắp ráp trong nước, loại mới hay đã qua sử dụng và mô tô 3 bánh, xe gắn máy 3 bánh nhập khẩu mới và sản xuất, lắp ráp trong nước.

Thông tin này sau đó khiến nhiều người dùng xe lo ngại vì cho rằng ô tô con thuộc nhóm "xe chở người 4 bánh". Tuy vậy, theo Bộ Giao thông vận tải, trong các thông tư quy định điều khiển "xe chở người 4 bánh gắn động cơ", loại phương tiện này không phải ô tô con như nhiều người hiểu.

Cụ thể, xe chở người 4 bánh gắn động cơ là phương tiện giao thông cơ giới đường bộ chạy bằng động cơ, kết cấu chở người, hai trục và ít nhất bốn bánh xe. Xe có vận tốc thiết kế không quá 30 km/h, không quá 15 chỗ (kể cả chỗ ngồi của người lái).

Như vậy với định nghĩa này, loại xe thường gặp là những mẫu xe chở người trong các khu du lịch, sân golf, resort... Trước đây, nhiều đơn vị kinh doanh sử dụng xe xăng, nhưng hầu hết hiện nay đã chuyển sang dùng xe điện hoặc khí gas vì êm, tiết kiệm chi phí vận hành và bảo dưỡng.

Vì vậy, quy định này không ảnh hưởng tới người dùng ô tô con và thực tế cũng không ảnh hưởng nhiều tới các đơn vị kinh doanh.

Trong khi đó, xe chở hàng có gắn động cơ là phương tiện giao thông chạy bằng động cơ, có hai trục, bốn bánh xe, phần động cơ và thùng hàng lắp trên cùng một xát xi (tương tự ô tô tải có tải trọng dưới 3.500 kg).

Loại xe này sử dụng động cơ xăng, có công suất động cơ không quá 15 kW (20 mã lực), tốc độ thiết kế không quá 60 km/h và khối lượng bản thân không lớn hơn 550 kg.

Xe chở hàng bốn bánh được Chính phủ thí điểm sử dụng từ năm 2009 sau khi cấm lưu hành các loại xe 3, 4 bánh tự chế. Loại xe này đăng ký, cấp bảng số mang hiệu TD và lưu thông ở làn đường 2-3 bánh.

Ngoài hai loại xe kể trên, Chính phủ cũng đưa ra lộ trình áp dụng mức tiêu chuẩn khí thải cho nhiều dòng xe khác. Cụ thể như bảng dưới đây.

So với quy định trước đây, mức tiêu chuẩn khí thải áp dụng cho ô tô nhập khẩu hoặc sản xuất nội địa cả mới lẫn cũ đều giữ nguyên. Trong khi xe gắn máy hay mô tô dần áp dụng mức tiêu chuẩn khí thải cao hơn.

Mức tiêu chuẩn khí thải (Mức 2, Mức 3, Mức 4 và Mức 5) đối với xe nhập khẩu mới và sản xuất, lắp ráp quy định tại quyết định này là các mức tiêu chuẩn khí thải tương ứng với Euro 2, Euro 3, Euro 4 và Euro 5 của Ủy ban Kinh tế châu Âu của Liên hợp quốc (UNECE) và Chỉ thị của Liên minh châu Âu (EC) về phê duyệt kiểu loại xe cơ giới.

Quy định này không áp dụng với xe cơ giới thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh; xe cơ giới được nhập khẩu hoặc sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam để nghiên cứu khoa học, nghiên cứu phục vụ sản xuất, trưng bày, giới thiệu tại hội chợ, triển lãm thương mại; xe cơ giới sản xuất, lắp ráp để xuất khẩu...

TB (tổng hợp)

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/xe-cho-nguoi-va-hang-hoa-4-banh-bi-cam-phat-thai-tai-viet-nam-tu-nam-2026-398553.html
Zalo